21 thg 4, 2015

Xẻo Quít

Xẻo Quít

Xẻo Quýt thuộc địa phận xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách TPHCM khoảng 135 km. Đến Xẻo Quýt khá dễ dàng: đi quốc lộ 1 về hướng cầu Mỹ Thuận, khi còn cách cầu khoảng 6 - 7 km thì có ngã ba bên tay phải đi quốc lộ 30 (đường đi Cao Lãnh), rẽ phải theo đường này đi khoảng 11 km thì nhìn bên phải thấy bảng chỉ đường vô Khu Di tích Xẻo Quít, đường không tên nhưng khá rộng rãi, đi độ 4 km là tới Xẻo Quít. (Tại chỗ rẽ vô đường không tên này còn cách thành phố Cao Lãnh khoảng 30 km).


Cổng vào Khu Di tích Xẻo Quít

Xẻo Quít nghĩa là gì?

Có người hiểu xẻo là cắt, xẻo, quít là trái quít, và nói rằng vô đây sẽ bị... xẻo hai trái quít của mình. Yên tâm nghe, hổng phải vậy đâu! Xẻo là tiếng địa phương Nam bộ để chỉ dòng nước nhỏ, theo thứ tự sông là lớn nhứt, rạch nhỏ hơn sông, và xẻo nhỏ hơn rạch. Cái xẻo này mang tên Xẻo Quít vì ngày xưa ở đây trồng nhiều quít.

Căn cứ Xẻo Quít

Xẻo Quít là căn cứ của tỉnh ủy Kiến Phong (Đồng Tháp bây giờ) từ năm 1960 đến 1975. Lợi dụng địa thế rừng ngập nước với trên đầu là cây rừng và dây leo chằng chịt, bên dưới là kinh rạch giăng mắc, tỉnh ủy Kiến Phong đã bám trụ ở đây suốt 15 năm dù quanh đó đều có đồn bót của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa.

Sơ đồ tham quan khu di tích Xẻo Quít. (Click vào hình để phóng to)

Ngày nay, để phục vụ khách tham quan, những con đường mòn đã được tráng xi măng cho dễ đi, các cầu qua rạch được làm bằng xi măng giả gỗ, các nhà ở của tỉnh ủy Kiến Phong được phục dựng lại, nhưng vẫn còn giữ được nét chính của khu căn cứ ngày xưa.

Đến đây, bạn sẽ hình dung được ngày xưa... Việt Cộng sống trong rừng thế nào. Và mặc dù bây giờ con đường tham quan là đường xi măng độc đạo, đánh một vòng, không sợ bị lạc, nhưng mỗi khi dừng lại nơi khoảng rừng nào đó và tưởng tượng như đây là khung cảnh ngày xưa bạn sẽ thấy hoang mang ngay, không biết đâu là lối ra và lo sợ không biết trong mấy lùm cây kia có anh Việt Cộng nào đang cầm khẩu AK ngắm mình để "bùm" một phát hay không!

Rạch rất hẹp, trung bình khoảng 2 - 3 met, len lỏi khắp khu vực. Cầu nguyên thủy bằng gỗ, nhưng hiện nay là bê tông giả gỗ.

Nhà ở của phó văn phòng Tỉnh ủy.

Bếp ăn

Công sự nổi hình chữ A

Công sự

Lạc lối giữa rừng

Không biết trong lùm cây này có tay súng AK nào không?

Khu du lịch Xẻo Quít

Ngoài việc tham quan căn cứ kháng chiến, đến Xẻo Quít còn là một tour du lịch sinh thái rất đặc sắc, ta sống trong rừng tràm ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Bạn có thể chọn phướng án đi bộ hay đi xuống. 

Nếu đi xuồng thì mua vé 15.000 đ/người, bạn sẽ được chèo xuồng đưa đi len lỏi trên con rạch nhỏ xíu suốt một vòng khu di tích, vừa chèo vừa thuyết minh các di tích trên đường đi. Thời gian đi khoảng 30 phút. 

Nếu đi bộ thì bạn... cứ đi tự nhiên (dĩ nhiên là không tốn tiền), con đường được làm sẵn nên không sợ đi lạc, và đi một vòng sẽ về điểm khởi đầu. Thời gian lâu mau là tùy bạn, nhưng thường là khoảng 1 tiếng.

Theo tôi thì nên chọn cả 2 phương án, đi xuồng trước một vòng để hưởng cảm giác trôi trên nước và nghe thuyết minh, sau đó đi bộ để tự khám phá và chụp hình.

Ngồi trên xuồng len lỏi giữa rừng cũng là một cái thú

Nhưng đi bộ thì có những khung cảnh rất đẹp

Những dây leo chằng chịt này là dây bòng bong, thành ngữ Rối bòng bong là do từ đây mà ra. Con đường như sợi chỉ giữa rừng xanh.

Cầu bê tông giả gỗ

Giống anh Hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử không?

Lên đài quan sát để nhìn toàn cảnh

Nếu bạn khởi hành ở TPHCM từ sáng sớm thì khi đến đây và đi tham quan như vừa nêu là đã đến giờ cơm. Hãy bước ra Chợ quê Xẻo Quít để dùng các món đặc sản miền Tây.


Cá lóc chiên xù cuốn lá sen non

Ếch đồng với bắp chuối

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét