30 thg 9, 2013

Tên gọi Ba Xuyên - Sóc Trăng

Sóc Trăng. Ảnh: Wikipedia

Ngoài tên gọi Ba Thắc và Sóc Trăng thì tên gọi Ba Xuyên cũng được sử dụng khá nhiều trong các văn bản ban hành thời kỳ Minh Mạng. Về nguồn gốc địa danh Ba Xuyên có hai cách lý giải:

Cách lý giải thứ nhất cho rằng: Trong thời kỳ Gia Long ngự trị, tại khu vực này thường xuyên xảy ra khá nhiều lọan lạc do người dân bản địa nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn (?), lại thêm bọn cướp biển thường xuyên xâm nhập cướp phá. Đường bộ lúc này chưa thuận tiện trong việc đi lại, cho nên hầu hết các cuộc chuyển quân đến tảo thanh phiến loại đều phải di chuyển bằng đường thuỷ. Từ sông Bassac (sông Hậu ngày nay) muốn đi vào nội địa Sóc Trăng đều phải đi vào cửa nhánh của sông Vàm Tấn (cửa sông này còn gọi là Vàm Ba và con sông này có lúc còn gọi là sông Ba Xuyên hoặc sau này còn gọi là sông Saintard) nối liền với Bãi Xàu. Tuy chiều dài chỉ hơn 5km nhưng lại có nhiều khúc quanh rất hiểm trở. Những khúc quanh này thường thường là nơi hiểm địa, là những cứ điểm phòng ngự quan trọng của những cánh quân nỗi loạn. Thế nhưng, do tài điều động di quân thần tốc, nên các cuộc tảo thanh hầu như không bị "phục kích" nào đáng kể, chính vì thế các võ tướng và quân binh đã đặc tên cho con sông này là Ba Xuyên, với ý nghĩa là "lướt sóng đi vào". Đây là cách đặt tên theo lối chiết tự Hán-Vịêt: Ba là sóng, là nước; Xuyên là đi qua (với 3 nét xuôi).


Cách lý giải thứ hai thì cho rằng tên Ba Xuyên xuất phát từ 3 cửa sông của con sông Bassac là cửa Trấn Di, cửa Định An và cửa Bassac. Ba cửa sông này chính là cửa ngõ đường biển đi vào địa phận Sóc Trăng xưa. Ba "cửa ải" này xưa kia thường thường có những sóng thần (Địa chấn-Triều cường) thỉnh thoảng xuất hiện làm cản trở các thuyền buôn qua lại, đòi hỏi những người cầm lái phải có nhiều kinh nghiệm biết cách lướt sóng (Ba), mới có thể đi sâu vào (Xuyên) nội địa, nên gọi là Ba Xuyên. Qua quá trình bồi đắp hàng trăm năm, ngày nay cửa sông Bassac đã không còn dấu tích mà chỉ còn lại hai cửa sông là cửa Trần Đề (Trấn Di) và cửa Định An mà thôi. Tuy nhiên cách giải thích này ít được giới nghiên cứu công nhận.

Trấn Di: theo cách giải thích xưa kia của thời pháp thuộc, nhằm thực hiện ý đồ chia rẽ khối đoàn kết cộng đồng, nên chúng cố tình lý giải từ Trấn Di "là nơi trấn giữ Nam Di" là ám chỉ những đám người phiến loạn bản địa. Nhưng qua nghiên cứu từ thực tế tình hình lúc bấy giờ cho thấy, mối đe dọa mất an ninh trong khu vực này lúc bấy giờ chính là bọn hải tặc thường xuyên cướp phá trong vùng Vàm Tấn, Préc Côi (Rạch Gòi) và cửa Mỹ Thanh (Péam Mé Chanh). Chính mối nguy hại này đã làm mất an ninh trong vùng, nên cửa biển Trấn Di chính là nơi canh gác, trấn giữ và đánh trả bọn hải tặc lộng hành. Mãi về sau này, khi chính quyền thực dân chiếm đóng toàn cỗi Nam bộ, chúng "phiên ra" Trấn Di thành Tranh De, Tranh Đế hoặc Trần Đề... làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của người xưa đặt tên cho vùng đất mới. Năm 1899, chính quyền thực dân pháp quyết định nâng phủ Ba Xuyên thành tỉnh Ba Xuyên và lấy tên cũ là Sóc Trăng. Cũng theo cụ Vương Hồng Sển lúc sinh thời còn cho biết: chữ Sóc phải viết có ô mới đúng theo cách phát âm và đúng theo ký tự Khmer là Sróck.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét