3 thg 9, 2013

Làng lụa Nha Xá

Dù chẳng giàu sang nhưng người dân làng Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) cũng có cuộc sống tươm tất mà không phải bon chen vất vả nhờ có nghề dệt lụa. Làng dệt Nha Xá có 230 hộ, gần 200 máy dệt. Nhiều hộ làm khép kín các công đoạn sản xuất từ mua nguyên liệu, sản xuất và bán sản phẩm. 

Ngay từ đầu làng, du khách đã nghe âm thanh rộn ràng của những chiếc máy dệt. Người dân nơi này cho biết, trong làng, không còn nhà nào dệt lụa theo phương thức thủ công mà đã chuyển sang dệt máy hoàn toàn.

Mỗi chiếc máy, trong 1 giờ làm việc có thể sản xuất ra được 1 mét lụa. những hộ sản xuất lụa trong làng chủ yếu là sử dụng nhân công trong nhà. Tuy nhiên, với những hộ có từ 10 máy trở lên, nhân công phụ trách theo dõi máy thường là đi thuê.

Bình quân, một người có thể phụ trách theo dõi hoạt động của ít nhất 5 máy dệt. Máy sẽ làm việc liên tục suốt cả ngày nếu như không xảy ra sự cố đứt chỉ hoặc mất điện… Việc dệt hoa văn cũng trở lên dễ dàng khi có sẵn những mẫu hoa văn khác nhau.

Sau khi dệt thành tấm, lụa sẽ được mang đi nhuộm để có màu sắc ưng ý. Để lụa nhuộm đạt được màu theo ý muốn, cũng như không bị phai nhạt sau này, mỗi gia đình có những bí quyết khác nhau trong việc pha trộn phẩm màu, cũng như trong điều chỉnh nhiệt độ. Có được màu ưng ý, những tấm lụa vừa nhuộm được mang đi giặt bằng những máy giặt chuyên dụng và vắt khô. Trong ảnh, vớt từ khay nhuộm màu, tấm lụa được nhúng thẳng vào bể nước nguội để làm nguội và rửa màu.

Thông thường, lụa được làm khô và phẳng bằng việc phơi trên những bãi đất trống, rộng thường được gọi là sân bãi. Tuy nhiên, ngày chúng tôi tới thăm, trời không có nắng, nhiều gia đình đã không thể phơi lụa theo cách truyền thống. Việc làm khô lụa được chuyển sang sấy khô bằng máy.

Sau những vòng lăn ép chặt tấm lụa, và bằng sức nóng từ những thanh tròn, những tấm vải được làm khô và phẳng nhanh chóng. Hình thức này ưu thế hơn việc phơi vải ngoài sân bãi bởi độ rủi ro trong việc bị vấy bẩn thấp, lại không cần quá nhiều lao động.

Lụa được kiểm tra và xếp thành thúc (hoặc gọi là cây, xấp vải), trước khi xuất bán. Thị trường của lụa Nha Xá là Hà Nội, TPHCM và một số nước châu Á.

Không chỉ là dệt lụa, do thị trường bấp bênh, việc xuất bán lụa cũng như giá cả gặp nhiều khó khăn, một số người dân nơi đây đã tìm được mối dệt thổ cẩm để xuất bán sang Lào và Campuchia. Gọi là thổ cẩm, nhưng nguyên liệu làm ra lại là sợi chỉ các màu, được se theo hệ thống và dệt ra những đường mầu nhất định theo mẫu.

Hạnh Thư








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét