6 thg 9, 2013

Nhớ mùa cà na chín

Hàng năm - vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch - khi nước lũ tràn về trắng xóa cánh đồng, bông điên điển nở vàng bập bềnh dọc mé sông, thì cà na cũng vào mùa kết trái.

Cây cà na - Ảnh: T.Tâm

Cà na là một loại trái bình dị, gắn chặt với ký ức tuổi thơ của cư dân ĐBSCL như đã đi vào ca dao xưa: “Xứ đâu là xứ quê mùa. Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”...

Mỗi khi nhìn thấy trái cà na căng tròn chín mọng bán ở chợ, lòng tôi chợt nhớ về kỷ niệm thuở ấu thơ nơi quê nhà. Hồi đó, cứ đến mùa cà na chín, bọn trẻ chúng tôi lại "thót" lên mấy cây cà na cặp bờ sông rung cho trái cà na rụng xuống đầy mặt nước. Rồi cứ thế mạnh đứa nào đứa nấy nhảy ùm ùm xuống nước lượm trái, leo lên bờ chấm muối ớt, ăn một cách ngon lành.


Cà na là loại cây hoang dại, chịu nước, mọc nhiều ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc, nhiều nhất là tại ấp Tân Thành, xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên). Cây cà na có giá trị kinh tế không cao nên người dân nơi đây thường trồng để be bờ giữ đất trong cơn lũ, còn trái chỉ là phần thu nhập phụ không đáng kể. Trái cà na có hình tròn, dài cỡ 2 lóng tay. Trái sống màu xanh đậm, vị chát; trái chín có màu vàng nhạt, vị chua. 

Khi gia đình tôi rời quê lên thành phố, thỉnh thoảng lên thăm con cháu vào mùa cà na chín, thế nào trong giỏ cũng có vài ký cà na. Biết các con “hảo đồ chua”, dù bận rộn thế nào, má tôi cũng dành thời gian làm món cà na muối chua ngọt hoặc món mứt cà na cho cả nhà thưởng thức. 

Làm món cà na muối chua ngọt mới xem qua thấy cũng dễ dàng, nhưng thực tế cũng cần có những bí quyết riêng để món ăn vừa miệng, khi ăn hạt và cơm cà na cũng phải tách rời với nhau.

Lựa cà na phải lựa trái già, chín vàng, không bị giập (xanh quá khi chế biến sẽ có vị chát) về rửa sạch, cắt đầu, đuôi trái một ít cho bắt mắt. Dùng dao nhọn rạch bốn đường theo chiều dọc thân trái. Ngâm cà na vào nước muối thật mặn khoảng hai giờ, xả nước lạnh khoảng ba lần cho bớt vị chua tùy theo khẩu vị, xả nhiều hay ít, vắt ráo. 

Trái cà na - Ảnh: T.Tâm

Cà na muối chua ngọt - Ảnh: T.Tâm

Cho cà na vào nồi nước sôi trụng khoảng 10 phút và thử bằng cách cầm trái cà na vuốt nhẹ, khi cơm và hạt tách ra dễ dàng là được. Đổ cà na ra xả nước lạnh hai lần, vắt ráo, xếp vào keo. Nấu nước đường cho hòa tan theo tỷ lệ 1kg cà na khoảng 500g đường cát đổ vào xâm xấp với cà na. Sau một ngày, cà na ngấm là ăn được. Nếu muốn để lâu, không bị ôi thiu thì cho vào ngăn lạnh ăn dần.

Còn món mứt cà na hơi tốn công một chút. Nhất là khâu sên mứt phải khéo tay để không bị lợi đường và khét. Các công đoạn cắt, gọt, ngâm, trụng, xả, vắt ráo… giống như phần chế biến cà na muối chua ngọt. Chỉ khác khâu cuối là cho cà na đã trụng, vắt ráo vào thau trộn đều với đường cát với một tỷ lệ nhất định cho ngấm.

Sau cùng, đổ cà na vào nồi với ngọn lửa liu riu cho đường hòa tan, đến khi đường trong nồi hơi sền sệt, trái cà na chuyển thành màu nâu thì nhắc xuống, cho ra dĩa…

Mứt cà na - Ảnh: T.Tâm

Còn gì thú vị bằng sau buổi trưa nóng nực hoặc những buổi chiều nhạt miệng được nhấm nháp món cà na muối chua và mứt cà na dân dã. “Nhón” một trái cà na muối chua chấm vào chén muối ớt, hoặc trái cà na làm mứt đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt của đường hòa lẫn vị chua thanh của cà na thấm vào tận cổ.

Hớp một tách trà nóng đậm đặc vào nữa thì thật là trên cả tuyệt vời...


THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét