8 thg 9, 2013

Quê Chăm có gỏi bắp chuối

Món gỏi, tiếng Chăm là Liba, dẫu không được coi là món chủ lực trong các bữa ăn của người Chăm, nhưng trong các bữa tiệc nếu thiếu “Liba” gần như là thiếu chất gia vị đáng kể khởi đầu cho cuộc vui. Bữa tiệc sẽ mất đi gia vị gây hứng thú cho khẩu vị. Cho nên không phải không lí do, khi trong lễ Ramưwan của người Chăm Bà-ni, tục “Bbang liba” (ăn gỏi) trở thành một nghi lễ không thể bỏ qua.

Người Chăm có nhiều loại gỏi: Gỏi xoài với cá khô (Liba pa-ok), gỏi măng với đậu phộng rang (Liba rabung)… Món gỏi tép (Liba hadang) với lá chùm ngây rừng xắt nhỏ cũng rất đáng kể; món này phổ thông đến nỗi người Chăm nảy ra thành ngữ “Thrau liba hadang” ([Rối như] trộn gỏi tép). Và đặc biệt là gỏi dông với lá giang (Liba ajah). Con dông là loài bò sát sống trong hang dưới đất cát xứ nóng, đất nắng Phan Rang là rất thích hợp với loài này. Từ con dông, bà con Chăm chế biến nhiều món ăn khác nhau, nhưng có lẽ Liba ajah là món ăn khoái khẩu nhất.




Trong số các món gỏi còn được lưu truyền, gỏi bắp chuối Liaba jamog patei là khá đặc trưng Chăm. Với nguyên liệu có sẵn: bắp chuối (đã nở hết phần hoa chuối), sau khi hái về, rửa sạch rồi cắt ra làm tư và mang luộc. Đợi bắp chuối chín tới mới vớt ra để nguội, bắt đầu vắt ráo nước. Sau đó, trộn các nguyên liệu và gia vị với ít đường, thêm chút chất chua của me hoặc chanh cho vừa vị dùng, tùy theo khẩu vị của khách. Sau cùng phần không thể thiếu trong món gỏi là cho hạt đậu phộng rang giã nát được mang trộn vào gỏi. Bên cạnh đó, muốn làm đẹp mắt khách, bà con còn dùng ít lá quế thái vuông trang trí và tạo mùi thơm cho món gỏi.

Vài chục năm qua, món gỏi Chăm cũng được hiện đại hóa, với nguyên liệu mới như gỏi thịt gà, dưa leo hay ngó sen… Gỏi bắp chuối Liaba jamog patei dùng với bánh tráng mè nướng thì rất tuyệt. Thêm chung rượu gạo mới đúng nghĩa món khai vị cho các bữa tiệc của người Chăm.


Kiều maily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét