1. Nằm ở công viên Hai Bà Trưng, bên bờ Nam sông Hương, bức tượng Cô gái
Việt Nam là một tác phẩm điêu khắc có lịch sử khá đặc biệt của xứ Huế.
Bức tượng này do cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tạc năm 1970 tại xưởng
điêu khắc cá nhân tại Sài Gòn. Tượng được tạc bằng đá theo kiểu bán
thân, có chiều cao 2,6 mét nặng gần 5 tấn, thể hiện chân dung một phụ nữ
Việt có khuôn mặt thanh tú, đầu vấn khăn theo lối xưa.
Khi nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn sang Australia định cư, bức tượng được
tạm chuyển đến nhà một người bà con của ông ở TP HCM. Theo lời kể, khi
đưa tượng vào sân nhà gia chủ phải phá dỡ một phần tường rào. Trước khi
qua đời năm 2002, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã gửi thư cho người bạn
là dịch giả, nhà Huế học Bửu Ý đang sống tại Huế với ý muốn đưa bức
tượng Cô gái Việt Nam về với Huế.
Thực hiện ý nguyện của nhà điêu khắc, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã
nhiều lần cất công liên lạc, trao đổi với gia đình Lê Thành Nhơn. Sau
nhiều năm, công việc đã hoàn thành với sự đồng ý của các bên. Tháng
4/2011, bức tượng Cô gái Việt Nam đã được đưa về TP Huế và đặt ở công
viên Hai Bà Trưng, trước trường nữ sinh Đồng Khánh xưa, hiện nay là
trường THPT Hai Bà Trưng. Tượng được khánh thành nhân kỷ niệm 36 năm
ngày thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2011).
Sau khi đưa về Huế, bức tượng Cô gái Việt Nam nằm trong khuôn viên rộng
rãi, thoáng đãng và nhiều cây xanh. Ngày nay, tác phẩm nghệ thuật mang ý
nghĩa tôn vinh người phụ nữ Việt Nam này đã trở thành một điểm nhấn văn
hóa đặc sắc bên bờ sông Hương của Cố đô Huế.
2. Nằm trong khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà
Tĩnh), tượng đài Chiến thắng là công trình tôn vinh ý chí quyết thắng
và sự hi sinh của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân,
dân quân du kích... trên đường mòn Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống
Mỹ. Tâm điểm của tượng đài là hình ảnh người nữ thanh niên xung phong
vươn cao, phất cờ hiệu dẫn đường cho các đoàn xe tiến vào miền Nam.
Tượng đài hướng ra ngã ba Đồng Lộc, địa danh gắn liền với sự hi sinh của
10 nữ thanh niên xung phong trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là một nút giao thông
trọng yếu trên đường Trường Sơn. Vào mùa hè năm 1968, nơi đây có một
tiểu đội thanh niên xung phong gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24, có
nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom
phá.
Chiều ngày 24/7/1968, các cô được lệnh trọng điểm ở khu vực địch vừa thả
bom để san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi
sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho
xe qua. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua
trọng điểm. Tất cả các cô nhanh chóng nằm rạp xuống đường. Hết tiếng máy
bay các cô lại nhanh chóng trở lại làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản
lực của địch quay lại thả một loạt bom trúng căn hầm các cô vừa vào trú
ẩn.
Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau lao đến nhưng không còn thấy
một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô đã hi sinh khi còn rất
trẻ, phần lớn chưa lập gia đình... Sự hi sinh của 10 nữ thanh niên xung
phong ở Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng cô đọng cho tinh thần Anh hùng –
Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang của người phụ nữ Việt Nam cũng như của
toàn thể lực lượng thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ.
3. Nằm trên núi Cấm thuộc địa phận xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh
Quảng Nam, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng từ năm
2009-2015 để khắc ghi công lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc
bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử của công trình bắt đầu vào năm 2004, khi lãnh
đạo Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cuộc vận động xây dựng Tượng đài Bà
mẹ Việt Nam anh hùng trong các tầng lớp nhân dân và cơ quan đoàn thể.
Địa phương xây tượng đài là tỉnh Quảng Nam, tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam
anh hùng nhất với 11.234 người.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện
tích 15 ha. Trung tâm quần thể kiến trúc là tượng đài Mẹ Việt Nam anh
hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) làm bằng chất liệu đá sa thạch, mang
hình cánh cung dài trên 100 mét. Hai bên cánh cung tạc hình 11 người con
của Mẹ Thứ đã mất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của
dân tộc.
Bên trong khối tượng là khu bảo tàng với diện tích 400 m², gồm phòng
trưng bày, phòng bảo quản và nơi ghi danh hơn 50.000 Bà Mẹ Việt Nam anh
hùng. Các gian bảo tàng giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật tái hiện
cuộc đời, sự cống hiến cao cả của các Mẹ với Tổ quốc.
Sau khi khánh thành, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một
điểm đến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đem lại
những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa
phương. Quan trọng hơn cả, Tượng đài là một điểm về nguồn mang giá trị
lịch sử và nhân văn vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống uống
nước nhớ nguồn, giáo dục lòng yêu nước với mọi tầng lớp nhân dân, nhất
là đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét