24 thg 10, 2023

Cụm di tích gắn với tên tuổi vị Vua Bà lẫy lừng nhất sử Việt

Là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô vào thế kỷ thứ ba, Bà Triệu đã được dân gian tôn vinh là Vua Bà. Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là nơi có những di tích quan trọng nhất gắn với sự nghiệp Bà Triệu.

1. Nằm trên núi Gai ở huyện Hậu Lộc, đền thờ Bà Triệu là ngôi đền có quy mô lớn và lịch sử lâu đời bậc nhất xứ Thanh. Đền được xây dựng vào thế kỷ 6, đã nhiều lần bị tàn phá trong các biến cố lịch sử của dân tộc. Tới thời vua Minh Mạng thì đền được di chuyển về vị trí hiện tại và có diện mạo như ngày nay.

Đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống vùng Bắc Bộ, nằm trên diện tích khoảng 4 ha. Các công trình của đền từ ngoài vào trong là nghi môn ngoại, hồ nước, bình phong, nghi môn trung, nghi môn nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung.

Tiền đường của đền thờ bách gia trăm họ và các Thánh tổ, còn trung đường là nơi thờ Bà Triệu cùng người anh ruột là tướng quân Triệu Quốc Đạt. Ngoài ra nơi đây còn có bàn thờ hội đồng quan võ, hội đồng quan văn và ba tướng họ Lý.

Hậu cung có tượng Vua Bà ngồi trên ngai. Bên phải thờ phụ thân của bà, bên trái thờ phụ mẫu của bà. Lễ hội đền Bà được tổ chức từ ngày 21 – 24 tháng 2 Âm lịch. Ngày lễ này diễn ra với nhiều hoạt động truyền thống như tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ Mộc dục, tế Phụng Nghinh…

2. Theo sử sách, sau nhiều trận chiến ác liệt, do không thể chống chọi được với cường địch, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng ở Hậu Lộc khi mới tròn 23 tuổi. Để tưởng nhớ người đã hi sinh vì nghĩa lớn, nhân dân lập lăng mộ Vua Bà trên đỉnh ngọn núi này.

Để lên lăng mộ Vua Bà, du khách phải vượt qua 312 bậc đá với độ dốc khá lớn. Khu lăng mộ hiện ra khi đặt chân tới những bậc thang cao nhất.

Công trình đầu tiên của lăng mộ Bà Triệu là tháp lăng, một ngọn tháp đá hai tầng có chiều cao 5,8m, bên trong đặt bát hương, mặt chính đặt bàn thờ bằng đá, là nơi thờ chung của Vua Bà và các quan tướng. Sau tháp lăng là tháp chúa, có cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối.

Mộ phần Bà Triệu được xây vuông bốn mặt, có kích thước 1,5 mét x 4 mét, chiều cao 2,3 mét, cao hơn 0,5 mét so với nền. Từ khu lăng mộ, có thể phóng tầm mắt nhìn toàn bộ khung cảnh của vùng đất mà Bà Triệu từng dấy binh khởi nghĩa, làm chấn động sử sách.

3. Tọa lạc ở thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, đình làng Phú Điền là một ngôi đình cổ mang nhiều nét độc đáo, hiếm có của Việt Nam. Ngôi đình này được xây dựng vào thế kỷ 18 để thờ Thành Hoàng làng, chính là bà Triệu Thị Trinh hay Bà Triệu.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, kiến trúc của đình làng Phú Điền vẫn được bảo tồn khá tốt, và đây là một trong những ngôi đình điển hình của người Việt xưa. Về tổng quan, tòa đình là công trình kiến trúc gỗ có được xây dựng bề thế, cầu kỳ, với ba gian hai chái.

Theo chiều sâu, từ trước ra sau đình gồm tiền đường, trung đường và hậu cung, trong đó hậu cung là nơi đặt ngai thờ Bà Triệu. Nghệ thuật điêu khắc gỗ ở đình làng Phú Điền được đánh giá cao với nhiều mảng chạm khắc lớn, tinh xảo.

Hàng năm, từ ngày 19 đến 24/2 Âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội với dân làng Phú Điền để tưởng nhớ Bà Triệu. Vào dịp này đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội với trò diễn "Ngô, Triệu giao quân" khá hấp dẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét