1. Long Sơn, Ngọc Nha, Ngọc Anh, Trường Cửu, Phú Hòa, Phú Thành, Thạnh Xương, Đức An, Đức Phú, Ba Ví, Thuận Yên, Hòa Mỹ, Đương Quế, Thạnh Mỹ, Phước Lợi là tên xưa của 15 ngôi làng nay đã là lòng hồ thuộc phạm vi hai huyện Phú Ninh và Núi Thành. Trừ làng Long Sơn thuộc tổng Chiên Đàn, các làng còn lại thuộc tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam xưa. Các làng này nằm hai bên con sông Tam Kỳ, tính từ Thác Cả (nay là khu vực đập chính hồ Phú Ninh) trở lên.
Phía hữu ngạn, kể ngược về phía tây nam là các làng Trường Cửu, Đức An đến các làng Phú Hòa, Phú Thành, Đức Phú rồi lên phía tây đến làng Thuận Yên, vào phía nam đến làng Ba Ví. Đây là những vùng có nhiều đồi chè nổi tiếng từ xưa. Trước kia, chè được sản xuất theo lối truyền thống gồm chè nhỏ và chè già. Khi người Pháp đến lập đồn điền khai thác quy mô ở đây như Đức Phú, Đồng Bằng, chè được tập trung chế biến thành chè xào, được sấy khô rồi chuyển ra “bến Xà Lan” đưa về ga Tam Kỳ trước khi phân phối đi các nơi. “Xà Lan” tồn tại như một địa danh từ ngày các chủ đồn điền chè của Pháp cho đặt một xà lan nhỏ tại khúc sông này để vận chuyển hàng hóa qua lại cho thuận tiện. Cung đường từ nơi này xuôi về Tam Kỳ qua đèo Tư Yên, nay là chỗ đập thủy điện Phú Ninh, qua làng Trung Đàn hạ rồi làng Ngọc Thọ xuống ngã ba Trường Xuân và chấm dứt ở chợ Vạn Tam Kỳ. Đầu thế kỷ 20, đây chỉ là con đường mòn. Khoảng năm 1906 - 1907, khi người Pháp mở con đường từ Tam Kỳ lên Trà My, đường mòn này được nâng cấp thành đường đá cấp phối.
Đường thủy từ Thác Cả lên vùng thượng nguồn sông Tam Kỳ ngang qua các làng Trường Cửu, Phú Hòa đến vùng bãi bồi Diều Gà thuộc làng Đức An, qua Xà Lan đến Thác Vòi đến làng Ngọc Anh rồi qua Vực Đều, Vực Môn, Đá Nóc trước khi lên Thác Viết vùng Xuân Bình - Phú Thọ (vùng giáp giới Phú Ninh – Tiên Phước – Trà My) để đến thượng nguồn Ngọc Linh. Con đường thủy này được người xưa dùng để vận chuyển lâm sản từ nguồn xuống ngã ba sông Tam Kỳ trước khi chuyển về bán ở các nơi - đặc biệt là Hội An. Mây, tre, gỗ thu được từ các làng hữu ngạn kể trên được kết bè xuôi về Thác Cả. Tại đây, bè được chặt dây nối cho băng qua vùng đá tảng lô nhô trước khi nhào xuống vực để rồi được kết lại và cho xuôi về hạ lưu. Phú Ninh là tên một thôn nằm ngay chân Thác Cả. Khúc sông ở đây được gọi là sông Phú Ninh. Địa danh này về sau được dùng mở rộng để chỉ toàn vùng hồ chứa nước tích tụ sau khi sông Tam Kỳ được chặn dòng.
2. Nước tích trong lòng hồ dâng ngập toàn thể vùng suối Nước Nóng và phần lớn diện tích các làng Long Sơn, Phước Lợi, Thạnh Xương… phía tả ngạn. Đầu thế kỷ 20, con đường lên Trà My từng băng qua đây. Các địa danh ven đường như núi Liên Chi (Tân Lợi), núi Chóp Chài, núi Dương Mốc (Đại Hanh), đường Mương Cao, đèo Hố Ngãi, An Lâu, An Trung, Hòn Mồ… mãi đến sau này còn được nhiều vị cao niên nhớ lại. Vùng tả ngạn này có làng Long Sơn trù phú được nhiều người địa phương đặt cho mỹ danh là “tiểu Đồng Nai”. Cánh đồng Long Sơn cấy lúa Ba Trăng, lúa Mận vào mùa tháng ba; làm lúa Nhe, lúa Đồi, lúa Can vào vụ tháng mười; có nếp Hương, nếp Ong Bầu, nếp Diêm được xếp vào hàng đặc sản. Các cánh đồng khác ở các làng Ngọc Anh (nà Bộng, nà Ngọc Anh), làng Đức An (Diều Gà), làng Đức Phú, làng Thuận Yên cũng canh tác với cách thức như ở Long Sơn nhưng diện tích hẹp và không trù phú bằng.
Một loại lương thực chủ yếu của vùng thượng nguồn này là khoai lang. Ngoài việc làm khoai chà để “ăn chơi”, cư dân xắt củ lang phơi khô để dành ăn độn. Có nhà đã làm được 100 đến 150 ang khoai lang hàng năm. Đậu phụng, mít khô, sắn, khoai mặt, khoai từ… cũng được làm ra thường xuyên nhưng số lượng ít hơn. Làng Phước Lợi nổi tiếng nuôi nhiều trâu. Long Sơn nổi tiếng nhiều cá đồng. Đức Phú có nhiều vườn trồng thanh trà, cam rất ngọt…
Theo một số gia phả, phần lớn cư dân nơi đây phát tích từ vùng Thanh - Nghệ. Nhiều tộc lớn đã đến lập nghiệp lâu đời như tộc Nguyễn, tộc Thái (làng Long Sơn), tộc Huỳnh (làng Ngọc Nha, Thạnh Xương), tộc Đỗ (làng Trường Cửu), tộc Phạm (làng Ngọc Anh), tộc Doãn (làng Phú Hòa)… Tộc Trần ở làng Phước Lợi được nhiều người biết qua người anh hùng nông dân Trần Thuyết. Ông thường được nhắc đến với tên Trùm Thuyết, là người dẫn đầu đoàn người ở tổng Phước Lợi đến đồn Đại lý và phủ lỵ Tam Kỳ kháng sưu vào tháng 3.1908. Tương truyền, một tiếng hô của ông được đáp lại bằng ngàn tiếng đáp của dân biểu tình của 7 tổng thuộc phủ Tam Kỳ đã làm cho đề đốc Trần Tuệ đang trốn ở phủ đường Tam Kỳ lúc bấy giờ phải run sợ đến mức đột quỵ mà chết.
3. Làng Phước Lợi còn nổi tiếng là địa phương tổ chức những “hội vây cọp” với cách thức rất chặt chẽ. Thời phong kiến, dân làng luôn có trong nhà một bó khoảng 40 - 50 sợi lạt cật tre và 12 cây cọc dài khoảng 2,5m. Khi nghe làng nổi trống chiến, nổi thanh la báo hiệu cọp về bắt gia súc thì tất cả trai tráng phải mang lạt, cọc và rựa đi “vây hội”. Sau khi làng phát lệnh, theo sự hướng dẫn của người cầm đầu được gọi là Ông Xị, trai tráng khép thành vòng tròn bao quanh khu vực có cọp ẩn nấp. Người nọ đứng cách người kia khoảng 4 - 5m, dùng rựa phát cây và thu hẹp dần vòng vây trong tiếng phèng la, trống chiến, thùng thiếc của người đứng sau đánh hỗ trợ. Khi bị phát hiện, cọp sợ đám đông nằm co một chỗ, lúc ấy vòng vây mới bắt đầu “ráp”, tức là mọi người cắm khít cọc và dùng lạt tre buộc thành những vòng tròn đặt trên đầu cọc. Khi đó, những người gan dạ bắt đầu “đạp rừng” tức là dùng giáo dài, giáo ngắn đâm vào giữa vòng vây. Cọp tháo chạy, gặp vòng cọc ken dày liền nhảy lên sẽ mắc chân vào vòng và bị đâm tức khắc. Gặp lúc ban đêm, người ta dùng lửa đốt quăng vào giữa vòng. Cọp sợ lửa nằm im. Hội vây canh thức đến ban ngày để tìm cách giết cọp. Hội vây cọp kéo dài có khi tới 10 ngày, nửa tháng. Mỗi lần có vây cọp là một ngày hội thực sự của làng. Người đến xem rất đông. Có người đem cả quà vặt, thức ăn đến bán. Phải chăng vì được tổ chức thành hội chiến đấu chặt chẽ như vậy nên đến phong trào kháng sưu thuế 1908, Phước Lợi đã trở thành địa phương dẫn đầu cuộc đấu tranh ở phủ Tam Kỳ?
Những năm đầu thập niên 1940, vùng đất này còn hiện diện những ngôi đình như đình Ngọc Nha, đình Trường Cửu, đình Thuận Yên, đình Đức Phú và đặc biệt là đình Long Sơn với quy mô bề thế không kém đình Chiên Đàn (Tam Kỳ). Đường vào làng Đức Phú còn có Miếu Ông rồi đến Miếu Bà.
Giờ đây, nhiều vùng đất cùng những câu chuyện một thuở đã chìm xuống lòng hồ hoặc mất mát, phai nhạt theo thời gian. Tất cả nhường chỗ cho đại công trình thủy lợi Phú Ninh với vai trò lớn lao đem lại cơm no áo ấm cho cả vùng nông nghiệp phía nam Quảng Nam.
PHÚ BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét