21 thg 10, 2019

Độc đáo nghề đúc nồi ở Cải Viên

Từ nhiều năm nay, người dân xóm Tà Pjẩu, xã Cải Viên (Hà Quảng) duy trì nghề truyền thống độc đáo đó là đúc nồi nhôm thủ công. Từ đôi bàn tay khéo léo của mình, những người thợ ở Tà Pjẩu đã tận dụng phế liệu nhôm, đúc thành những chiếc nồi với nhiều kích cỡ khác nhau làm đồ dùng phục vụ gia đình. 

Ông Doòng tạo hình cho chiếc nồi nhôm. 

Ông Lương Văn Doòng năm nay đã gần 70 tuổi, là một trong những thợ đúc nồi ở xóm Tà Pjẩu cho biết: Từ nhỏ tôi đã phụ việc cho bố làm nồi nên biết làm nghề này khá sớm. Học làm nồi không khó nhưng phải thực sự đam mê, còn nếu chỉ nhìn cho biết cách làm thì không thể làm được chiếc nồi hoàn chỉnh. Với người học nhanh thì từ 1 - 2 năm mới có thể làm được. Làm nghề này không như các nghề thủ công truyền thống khác, mọi dụng cụ làm đều thô sơ, không có khuôn mẫu sẵn mà chiếc nồi đẹp hay xấu, tròn, méo và có bền hay không đều phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự khéo léo của mỗi người. Do làm đẹp và dùng được lâu nên nồi do tôi làm ra đến đâu bán hết đến đó. Bây giờ, có người đặt thì tôi mới làm và chỉ làm vào mùa đông (vì mùa hè nóng), nếu ai muốn học nghề thì tôi luôn sẵn sàng giúp.

Chiếc nồi mà ông Doòng hay các thợ ở xã Cải Viên làm ra hoàn toàn khác với những chiếc nồi có bán trên thị trường. Bởi chiếc nồi không phải có đáy bằng mà có hình khum tròn từ dưới lên trông rất lạ mắt.

Ông Doòng cho biết thêm, để làm được chiếc nồi hoàn chỉnh thì phải có hai người trở lên, trong đó có một thợ chính. Nhôm sau khi nung chảy được người thợ dùng búa để đập miếng nhôm thành hình tròn, còn kích thước tùy thuộc vào chiếc nồi đó to hay nhỏ. Công đoạn này đòi hỏi sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai. Sau khi miếng nhôm có kích thước như ý muốn thì người thợ chính sẽ đặt miếng nhôm vào khuôn gỗ và gõ miếng nhôm theo khuôn gỗ để tạo độ khum cho đáy nồi.

Nói là khuôn gỗ nhưng thực ra chỉ là khúc gỗ rồi đục một lỗ tròn ở bên dưới, những khuôn gỗ này cũng có vài kích thước ứng với kích thước của nồi. Chỉ rèn được nồi khi miếng nhôm còn nóng. Khi miếng nhôm nguội lại cho vào lò nung, rồi lại được mang ra để rèn tiếp. Chiếc búa đập cũng rất đặc biệt, mỗi công đoạn dùng búa khác nhau, có búa sắt, nhưng có búa được làm bằng gỗ. Cứ như vậy công đoạn này được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi thành thân nồi (thường thì mất 5 - 6 giờ). Còn làm vung, hay quai nồi thì các công đoạn cũng tương tự.

Để có được một chiếc nồi, thường mất từ 2 - 3 ngày làm liên tục. Chiếc nồi đẹp, đạt chuẩn phải có độ khum, dày vừa phải, cầm nặng tay và rất chắc chắn, vung nồi phải khít với thân nồi, tai nồi cân đối hài hòa. Vì làm thủ công nên nồi nhôm ở Cải Viên không trắng bóng. Tuy nhiên với những ai đã biết đến chiếc nồi nhôm ở đây, từng được sử dụng thì sẽ rất thích dùng loại nồi này. Tìm hiểu về việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, được biết hiện nay trên địa bàn xã có 3 tổ làm nồi tại hai xóm Tả Pjẩu và Nặm Niệc, mỗi tổ từ 5 - 6 người.
Đến xã Cải Viên, vào bất cứ gia đình nào cũng đều thấy loại nồi này, nhà nào cũng có ít nhất hai chiếc bởi một chiếc được dùng để nấu cơm, chiếc to hơn được dùng để nấu cám lợn. Ở đây có những chiếc nồi có tuổi thọ lên đến vài chục năm. Với sự khéo léo từ đôi tay và sự sáng tạo, người thợ đã làm ra những chiếc nồi rất đơn giản, dùng bền, độc đáo mà không cần công cụ máy móc.

Phan Huế - Ánh Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét