15 thg 10, 2019

Đóng đáy trên biển Vũng Tàu

Dạo bước trên bãi biển Vũng Tàu du khách sẽ ấn tượng với những chiếc chòi được ngư dân xây dựng cách bờ biển khoảng chừng 1 km để làm nghề đóng đáy. Chúng tôi theo chân những ngư dân ra biển để khám phá nghề đóng đáy độc đáo có từ lâu đời. 

Theo chân anh Nguyễn Văn Bằng ra đóng đáy, thuyền đưa chúng tôi tiến sát vào hàng dây chăng giữa giàn đáy. Những cột bê tông to như cột nhà, được chằng chéo cả chục sợi dây, ghim chặt xuống đáy biển. Nối các cột là những hàng dây thừng căng cứng, ở giữa có ghép lưới vây kín khẩu đáy. Anh Bằng chia sẻ: “Gia đình có truyền thống nghề biển. Năm 1968, thấy người dân địa phương làm nghề đóng đáy nhiều nên ông cũng làm theo”. Hiện anh Bằng có ba giàn đáy, 18 nhân công và 2 thuyền chuyên chở. Giàn đáy nhỏ nhất chi phí xây dựng gần 200 triệu đồng. Nghề đóng đáy làm được quanh năm. Ba giàn đáy của anh Bằng thu được khoảng 100 triệu đồng/ tháng.

Được biết, nghề đóng đáy ở Vũng Tàu là nghề cha truyền, con nối. Nghề này được ngư dân vùng biển phía Nam Việt Nam nghĩ ra để đánh bắt thủy sản. Khu vực đóng đáy nằm ở những chỗ có mức nước sâu từ 15 - 16m, người ta đặt những cây cột gỗ hoặc bê tông từ 17 – 18 mét xuống lòng biển.

Người dân Tp. Vũng Tàu có một nghề truyền thống hết sức độc đáo đó là nghề đóng đáy. Ảnh: Tất Sơn


Mỗi khi buông lưới, người thợ làm đáy phải treo người trên những sợi dây thừng được cột giữa biển. Ảnh: Tất Sơn

Ông Vân làm nghề bạn chòi đã được 20 năm, nhiệm vụ của ông là ở trên chòi và trông nom hàng đáy. Ảnh: Công Đạt

Thông thường cứ khi chiều về người làm đáy lại leo trèo trên những sợi dây để thả lưới đáy để đánh bắt thủy sản. Ảnh: Công Đạt

Hàng đáy của gia đình anh Nguyễn Văn Bằng ở Vũng Tàu đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Tất Sơn

Người làm đáy có khả năng đặc biệt là leo trèo và di chuyển khéo léo trên những sợi dây thừng. Ảnh: Thông Hải 

Thời gian gần đây những hàng đáy ở Vũng Tàu cũng bị tháo dỡ nhiều vì phải phân luồng hàng hải. Ảnh: Thông Hải

Những hàng đáy sẽ được kéo lưới thu hoạch vào sáng sớm. Ảnh: Thông Hải 

Để làm nghề đáy thì phải có khoảng từ 3 đến 5 người tham gia: người bỏ tiền dựng đáy người ta gọi là chủ đáy; người chuyên chở cá tôm, cung cấp lương thực, nước uống từ đất liền đem ra điểm dựng đáy gọi là “bạn tàu”; người canh giữ đáy ở trong chòi đợi đến khi con nước thuận lợi thì thả và kéo đáy gọi là “bạn chòi”. Do đặc điểm công việc nên “bạn chòi” phải là người có kinh nghiệm về biển, bơi lội giỏi và gan dạ dám đương đầu với những sóng to gió lớn và đặc biệt là phải sinh sống trên chòi có diện tích khoảng 4m2-10 m2.

Hàng tháng, những hàng đáy ở Vũng Tàu thường có hai con nước để họ buông lưới đó là mùng 1 và 15 âm lịch, mỗi lần buông lưới thường kéo dài 5 ngày. Tới ngày buông lưới, ghe tàu được chủ hàng cho ra vào thu gom nguồn lợi hải sản và tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc hút, nước uống… cho các “bạn chòi”.

Những người làm nghề đóng đáy sống và làm việc ở hàng đáy được ví như là diễn viên xiếc của biển khơi. Họ luyện được “tuyệt kỹ” đi trên dây thừng giăng ngang giữa biển, bất chấp gió quật sóng gào để kéo, thả đáy. Hàng cọc gỗ trơ trọi, dây thừng chằng chịt và cả những con sóng oàm oạp suốt đêm ngày khiến ai cũng khiếp sợ. Những lúc mưa gió, biển động, giàn đáy rung bần bật khiến việc kéo đáy càng thêm nguy hiểm.

Hiện nay, Vũng Tàu có hàng trăm hàng đáy, đã giảm so với trước rất nhiều vì phải nhường lại vị trí đáy của mình cho phân luồng hàng hải. Nghề đóng đáy ở Vũng Tàu nói riêng và ở khu vực phía Nam Việt Nam nói chung đã và đang trở thành một nghề độc nhất vô nhị của những người con vùng biển.

Bài và ảnh: Tất Sơn, Công Đạt, Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét