Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Cao Bằng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Cao Bằng. Hiển thị tất cả bài đăng

21 thg 10, 2019

Độc đáo nghề đúc nồi ở Cải Viên

Từ nhiều năm nay, người dân xóm Tà Pjẩu, xã Cải Viên (Hà Quảng) duy trì nghề truyền thống độc đáo đó là đúc nồi nhôm thủ công. Từ đôi bàn tay khéo léo của mình, những người thợ ở Tà Pjẩu đã tận dụng phế liệu nhôm, đúc thành những chiếc nồi với nhiều kích cỡ khác nhau làm đồ dùng phục vụ gia đình. 

Ông Doòng tạo hình cho chiếc nồi nhôm. 

Ông Lương Văn Doòng năm nay đã gần 70 tuổi, là một trong những thợ đúc nồi ở xóm Tà Pjẩu cho biết: Từ nhỏ tôi đã phụ việc cho bố làm nồi nên biết làm nghề này khá sớm. Học làm nồi không khó nhưng phải thực sự đam mê, còn nếu chỉ nhìn cho biết cách làm thì không thể làm được chiếc nồi hoàn chỉnh. Với người học nhanh thì từ 1 - 2 năm mới có thể làm được. Làm nghề này không như các nghề thủ công truyền thống khác, mọi dụng cụ làm đều thô sơ, không có khuôn mẫu sẵn mà chiếc nồi đẹp hay xấu, tròn, méo và có bền hay không đều phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự khéo léo của mỗi người. Do làm đẹp và dùng được lâu nên nồi do tôi làm ra đến đâu bán hết đến đó. Bây giờ, có người đặt thì tôi mới làm và chỉ làm vào mùa đông (vì mùa hè nóng), nếu ai muốn học nghề thì tôi luôn sẵn sàng giúp.

Kiến trúc nhà ở của người Mông

Với đặc điểm chủ yếu ở những nơi khó khăn, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, do đó, kiến trúc nhà ở của người dân tộc Mông cũng có những nét độc đáo riêng.

Người Mông xã Đức Xuân (Hòa An) dựng nhà ở ven chân núi có độ dốc cao. 

Người Mông ở Cao Bằng thường cư trú thành xóm, bản trong những thung lũng hoặc ven chân núi có độ dốc cao. Ông Hoàng Văn Dí, dân tộc Mông, xã Đức Xuân (Hòa An) cho biết: Người Mông thường dựng nhà vào mùa xuân. Ăn Tết Nguyên đán xong, dựng nhà để chuẩn bị một vụ mùa mới. Chọn ngày để làm nhà thường là vào ngày chẵn do quan niệm ngày chẵn là ngày đem lại may mắn. Thông thường bà con làm nhà 3 gian, 12 cột hoặc nhiều hơn do điều kiện của từng gia đình và địa thế của nơi ở đó.

19 thg 10, 2019

Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén

Nằm trong hệ thống Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình) nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, còn lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. 

Băng tuyết trên đỉnh Phja Oắc. 

Đi từ thành phố Cao Bằng theo quốc lộ 34 hay từ quốc lộ rẽ qua đèo Côlêa, du khách sẽ đến Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Vườn được thành lập ngày 11/1/2018 với tổng diện tích tự nhiên 10.593,3 ha, trong đó có trên 8.100 ha rừng thuộc địa bàn các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình).

Nhà sàn đá của người Tày ở Cao Bằng

Người Tày ở Cao Bằng có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, những ngôi nhà sàn đá thể hiện phong tục tập quán gắn với điều kiện sống, lao động, sản xuất của người Tày.

Nhà sàn đá của người Tày ở Bản Thuộc, xã Đồng Loan (Hạ Lang). 

Người Tày sống tập trung thành từng làng, bản có từ vài hộ dân đến mấy chục hộ. Làng được dựng trên các gò đồi tương đối bằng phẳng. Nhiều điểm dân cư, nhà không xếp theo hàng lối mà dựa vào thế cao thấp khác nhau. Các nhà sàn thường được vận dụng các địa hình là bằng phẳng hoặc sườn đồi thoai thoải. Nhưng dù lựa chọn địa hình nào thì nhà luôn dựa vào đồi núi và hướng ra sông, suối... Đối với những hộ dân dựa vào sườn đồi sẽ tận dụng nửa phần nền đất làm giá đỡ khung nhà và đỡ tốn kém về kinh phí, vật liệu. Do điều kiện sống, sinh hoạt, nhiều nhà sàn tận dụng những vật liệu xung quanh để xây dựng, trong đó, vật liệu chủ yếu là đá, cát, gỗ...

Pác Rằng “đỏ lửa” nghề rèn

Du lịch cộng đồng trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng theo tuyến phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, du khách đến bản Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) sẽ có những trải nghiệm thú vị về nghề rèn truyền thống. 

Du khách trải nghiệm rèn nông cụ tại điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng. 

Mới bước chân vào bản, bạn đã nghe rộn ràng tiếng quai búa nện nhịp nhàng, tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ khi ngâm vào nước lạnh. Nhịp sống Pác Rằng là âm thanh rèn từ những đôi bàn tay rắn chắc, khéo léo ngày ngày giữ “hồn” nghề rèn truyền thống dưới những mái nhà sàn cổ đã tồn tại hàng trăm năm…

Những nghề thủ công truyền thống của người Nùng An ở Quảng Uyên

Các nghề thủ công truyền thống như: rèn, dệt vải, nhuộm chàm, làm hương, làm giấy bản… đã gắn bó chặt chẽ với quá trình tồn tại và phát triển của người Nùng An ở Quảng Uyên. Hiện nay, những nghề trên được lưu giữ và phát triển tại một số xóm ở các xã: Phúc Sen, Đoài Khôn, Quốc Dân, Tự Do…, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống người Nùng An và mang đậm dấu ấn văn hóa làng nghề.

Du khách trải nghiệm làm nghề rèn thủ công truyền thống người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên). 

Nghề rèn: Nghè rèn của người Nùng An ở Phúc Sen là nghề truyền thống nổi tiếng nhất, mang đậm bản sắc của người Nùng An. Sản phẩm rèn của người Nùng An rất phong phú, có uy tín không chỉ trong phạm vi nội tỉnh mà còn có mặt trên thị trường ngoại tỉnh. Nghề rèn được truyền theo phương thức “cha truyền con nối”, được truyền dạy theo phương pháp thực hành tại chỗ và do tính chất nghề nghiệp nên đồng bào Nùng An chỉ truyền nghề cho con trai. Ngày 29/1/2019, nghề rèn của người Nùng An ở Phúc Sen được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận, tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

17 thg 10, 2019

Tết “Khoăn vài”

Theo phong tục của nông dân người Tày - Nùng một số địa phương trong tỉnh, hằng năm, vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch có nghi lễ "Roọng khoăn vài" (gọi hồn vía cho trâu) hay còn gọi "rào thây, phưa" (rửa cày, bừa) với ý nghĩa tạ ơn trâu bò, tạ ơn các loại nông cụ sau vụ mùa vất vả cày bừa.

Người dân rửa nông cụ đón Tết “Khoăn vài”. Ảnh: Đàm Thúy Phương 

Trước đây, người Tày - Nùng chỉ cấy lúa một vụ, chính vụ cày cấy chủ yếu trong tháng Tư và tháng Năm hằng năm, cày bừa chỉ dựa vào sức trâu, bò. Theo tâm thức dân gian của người Tày - Nùng, con trâu, bò đồng hành cùng người nông dân cày bừa quanh năm vất vả, tạo ra hạt ngô, hạt thóc và các loại nông sản nuôi sống con người nên trâu, bò cũng có hồn vía như con người.

Nơi lưu giữ nghề đan lát truyền thống

Từ bao đời nay, từ cây tre, cây nứa, cây mai, cây vầu, song mây…, được người dân ở xã Hoàng Hải (Quảng Uyên) tạo nên những sản phẩm đan lát tinh tế và bền chắc, không chỉ giúp người dân địa phương có thêm việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập mà còn duy trì, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Người dân xã Hoàng Hải (Quảng Uyên) đan lát vật dụng gia đình. 

Xóm Lũng Muông có 96 hộ dân, là xóm hầu hết người dân vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống, đặc biệt là nam giới đều biết đan lát. Tuy nhiên, những người đan thường xuyên và bán sản phẩm ra thị trường có khoảng 15 hộ. Những ngày nông nhàn, bà con trong xóm tụ họp với nhau vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm đan lát truyền thống.

Đặc sắc trang phục dân tộc Mông

Đối với dân tộc Mông tại Cao Bằng, trang phục truyền thống luôn mang nét đẹp và ý nghĩa riêng, in dấu văn hóa và phong tục đặc trưng.

Nam nữ dân tộc Mông xã Nội Thôn (Hà Quảng). 

Trang phục truyền thống của người Mông chủ yến may bằng vải, tay tự dệt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với một bộ trang phục nữ hoàn chỉnh thường gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và khăn đội đầu. Trong đó, áo được trang trí với kỹ thuật đa dạng. Áo có cổ phía trước hình chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu. Phía sau là bức thêu họa hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã. Hai ống tay áo thường được thêu những hoa văn với đường nét vắn ngang có đủ màu sắc từ nách đến cổ tay. Đây là nơi tập trung hoa văn nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo của người phụ nữ. Với nghệ thuật thêu chỉ màu, khâu chắp vải... những mảng màu hoa văn được phân bố hợp lý làm cho chiếc áo tươi sáng, hài hòa hơn.

Nơi lưu giữ nghề làm giấy bản của dân tộc Dao Đỏ

Dân tộc Dao Đỏ ở huyện Nguyên Bình có những nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua phong tục, tập quán và nghề truyền thống. Trong đó có nghề làm giấy bản thủ công từ cây trúc sào tại xã Yên Lạc đến nay vẫn được duy trì và phát huy.

Người dân xã Yên Lạc (Nguyên Bình) sản xuất giấy bản. 

Giấy bản thường được sử dụng trong các dịp cầu an, lễ, Tết. Giấy bản có màu vàng nhạt, dai và bền, thường dùng để cắt giấy tiền, vàng hương trong tục thờ cúng, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực nên chữ viết không bao giờ phai.


Khám phá vẻ đẹp Thông Nông

Là một trong những huyện biên giới, Thông Nông được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. Hiện nay, địa phương đã và đang nỗ lực tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch, đồng thời trải “thảm đỏ” thu hút đầu tư vào du lịch trên địa bàn.

Nhìn từ trên cao, Bãi Tình, xã Thanh Long (Thông Nông) như một thảo nguyên thu nhỏ với khung cảnh bình yên, thơ mộng. 

Từ Thành phố, chúng tôi vượt gần 40 km đường đèo dốc quanh co, uốn lượn bên sườn núi đá như dải lụa vắt ngang lưng trời đến huyện Thông Nông chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hai điểm du lịch mà theo nhiều người giới thiệu, đó là những điểm du lịch đẹp “mê hồn” của địa phương này.

16 thg 10, 2019

Chợ phiên Lũng Pán

Đến chợ phiên Lũng Pán, xã Huy Giáp (Bảo Lạc), ấn tượng về những màu sắc khác nhau của sản vật, của trang phục, sắc thái trên từng gương mặt con người nơi đây, âm thanh của tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi mời và hương vị các món ẩm thực bản địa..., như một bức tranh tổng hòa nét văn hóa độc đáo của người vùng cao duyên dáng, hấp dẫn và thắm đượm tình người.

Chợ phiên Lũng Pán đông vui như ngày hội. 

Ngày chợ phiên, từ sáng sớm, những dòng người từ trên núi xuống, từ thung lũng lên, có người đi tay không, người gùi gà, người dắt lợn, người đi xe máy, người đi bộ... gặp nhau làm náo nhiệt cả một vùng ngày thường vốn yên ả.

Độc đáo nghề nhuộm chàm của người Nùng An

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên) vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là một nghề truyền thống, đem lại giá trị kinh tế mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Phụ nữ Nùng An phơi vải chàm. 

Song song với sự phát triển của xã hội, đã có một khoảng thời gian, nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, chính nét sinh hoạt thường ngày riêng có của người dân nơi đây đã mang lại một sắc màu mới cho nghề thủ công truyền thống này. Hiện nay, xã Phúc Sen còn 35 hộ lưu giữ, sản xuất vải chàm nằm rải rác tại các xóm Khào A, Khào B, Lũng Vài, Phja Chang. 

15 thg 10, 2019

Tết ăn cơm mới

Tết ăn cơm mới (Nèn kin khẩu mấư) là tết truyền thống của người Tày, Nùng Cao Bằng được tổ chức vào chiều ngày 9/9 âm lịch hằng năm.

Bát lúa nước mới - lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết ăn cơm mới. 

Theo người Tày, Nùng, ruộng cấy lúa nước của vùng cao đa phần là ruộng cạn (ruộng chờ nước mưa). Người nông dân vùng cao cần chọn các giống lúa thích hợp vào mùa mua mới có nước để cày bừa, gieo cấy. Sau Tết Trung thu (15/8), lúa bắt đầu trỗ bông, đến tháng Mười lúa mới chín.

Tản mạn về địa danh làng, xã Cao Bằng

Thoáng nghe, nhìn về các địa danh Cao Bằng bỗng dưng gieo vào lòng tôi câu hỏi: Tại sao người ta đặt tên như vậy? Xuất xứ địa danh? Ở đây tồn tại một nghịch lý là rất nhiều địa danh thân thiết từng được gọi quen thuộc hằng ngày, thậm chí đã đi vào thi ca, âm nhạc, thản nhiên “sống” trong lòng xã hội mà ta không hiểu nó.

Non nước Ngọc Côn (Trùng Khánh). Ảnh: Thế Vĩnh

Địa danh tỉnh Cao Bằng rất phong phú đa dạng, cho đến nay, có trên 2.400 tên làng, tổ dân phố, 199 tên xã và 13 tên huyện, Thành phố, chưa kể đến vô vàn tên núi, sông, ruộng, đồng… Qua sơ cứu chúng ta có thể nhận ra địa danh làng, xã được đặt tên gắn với các điều kiện sinh hoạt đời sống, sự kiện lịch sử, người có công với đất nước. Địa danh làng, xã mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chỉ trong phạm vi khuôn khổ tiếng Tày, Nùng.

28 thg 4, 2017

Chùa Phố Cũ - Cao Bằng

Chùa Phố Cũ - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nằm ở tổ 1, phố Cũ, phường Hợp Giang (Thành phố), là một trong những ngôi chùa lâu đời ở Cao Bằng. Ngoài giá trị kiến trúc, nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn có giá trị lịch sử cách mạng to lớn.

Theo sách xưa, chùa được xây dựng vào thời Lê, năm Vĩnh Trị thứ 3 (tức năm 1679), có tên gọi là Quan đế Miếu, thờ Quan Vân Trường, một võ tướng nổi tiếng thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1820), chùa được sửa chữa lại, có xây thêm gian hậu cung, có bàn thờ Tam cấp để thờ Phật và được đổi tên thành chùa Phố Cũ. Hiện chùa còn lưu giữ 5 tấm bia đá khắc bằng chữ Hán của bốn đời nhà Nguyễn là các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, ghi nhận công đức, cống hiến tiền của cho chùa.

Trải qua thời gian, chùa bị xuống cấp, năm 1945, nhân dân Thị xã (nay là Thành phố) đã quyên góp trùng tu lại, xây thêm lầu hai ở chính cung, kiến trúc hoa văn kiểu hoa thị, đắp rồng chầu thời Nguyễn. Sau khi trùng tu chùa, nhân dân rước đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương) về thờ.

Chùa Phố Cũ là ngôi chùa thờ tiền Thánh hậu Phật, cho nên trong chùa được chia làm hai phần thờ chính là: thờ Phật và thờ Thánh.

Bức hoành phi khắc chữ nổi trên tường ở cửa chính có ba chữ Hán “Hiển Thánh Cung”.