15 thg 10, 2019

Tản mạn về địa danh làng, xã Cao Bằng

Thoáng nghe, nhìn về các địa danh Cao Bằng bỗng dưng gieo vào lòng tôi câu hỏi: Tại sao người ta đặt tên như vậy? Xuất xứ địa danh? Ở đây tồn tại một nghịch lý là rất nhiều địa danh thân thiết từng được gọi quen thuộc hằng ngày, thậm chí đã đi vào thi ca, âm nhạc, thản nhiên “sống” trong lòng xã hội mà ta không hiểu nó.

Non nước Ngọc Côn (Trùng Khánh). Ảnh: Thế Vĩnh

Địa danh tỉnh Cao Bằng rất phong phú đa dạng, cho đến nay, có trên 2.400 tên làng, tổ dân phố, 199 tên xã và 13 tên huyện, Thành phố, chưa kể đến vô vàn tên núi, sông, ruộng, đồng… Qua sơ cứu chúng ta có thể nhận ra địa danh làng, xã được đặt tên gắn với các điều kiện sinh hoạt đời sống, sự kiện lịch sử, người có công với đất nước. Địa danh làng, xã mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chỉ trong phạm vi khuôn khổ tiếng Tày, Nùng.

Trước hết là mảng địa danh làng. Theo phân cấp địa danh thì làng, xóm, bản tương đương nhau, nhưng tiếng Tày, Nùng hay dùng nhất là bản hoặc bán tùy theo âm ngữ của địa phương. Chẳng hạn như: Bản Boóng, Bản Tháy, bản Nà Tuộng, bản Nà Pa (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh). Để thuận cho cách gọi thống nhất, đảm bảo tính lôgic, trong bài viết này, chúng tôi dùng cả hai từ: bản, làng. Địa danh bản, làng dĩ nhiên là phong phú, đa dạng hơn địa danh xã.
Trên phạm vi toàn tỉnh, núi, đồi là các thành tố địa hình tự nhiên được con người dùng để đặt tên làng, bản, như: bản Phja Đeng (núi đất đỏ), Phja Moóc (núi sương mù), Phja Bó (núi có mỏ nước), Pỏ Héc (đồi chảo)... Bên cạnh đó, thung lũng, đèo, sông, suối cũng mang nhiều tên làng, bản: Lũng Nhùng (lũng muỗi), Lũng Chang (lũng giữa), Lũng Rì (lũng dài), Lũng Phầy (lũng lửa), Lũng Kít (lũng sơn dương), Lũng Ca (lũng chim quạ); Khau Hoa (đèo hoa), Khau Hân (đèo cáo), Kéo Toong (đèo lá), Kéo Tàn (đèo cây mạy tàn); Khuổi Ky (suối nhỏ), Khuổi Goòng (suối Goòng), Tả Gọn (sông có guồng nước)... Các yếu tố tự nhiên như rừng, cây, mỏ nước, các loại muông thú cũng đều mang tên làng: Đông Niếng (rừng quả niểng), Cốc Lùng (gốc cây đa), Bó Bủn (mỏ nước trào ra), Ca Chắp (quạ đậu)... Rất nhiều địa danh làng, bản mang các yếu tố tự nhiên từ xa xưa đến nay vẫn trường tồn.
Khi con người tác động vào tự nhiên, hình thành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi thì tên làng, bản đã phản ánh rõ nét về thời kỳ dài của nền văn minh lúa nước. Lúc này, chúng ta dễ bắt gặp nhiều nơi với những cái tên: bản Nà Pja (ruộng cá), Nà Nu (ruộng có nhiều chuột), Nà Lẹng (ruộng khô hạn), Nà Mò (ruộng bò), Nà Mằn (ruộng khoai), Nà Luông (ruộng to), Phjắc Cát (rau cải), Nà Thin (ruộng có nhiều đá)... Ngẫm kỹ ta thấy cái tên rất mộc mạc, giản đơn mà đúng, như bản Nà Thin, xã Đức Hồng (Trùng Khánh), xung quanh làng là ruộng lúa, rau màu nhưng cánh đồng có rất nhiều đá to, nhỏ lô nhô, không dễ trong canh tác và gieo trồng. Ở thời kỳ này, địa danh làng đã mang tính xã hội, gắn liền với lao động, sản xuất. Con người muốn sinh tồn và phát triển thì phải cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống, trong mối quan hệ tương hỗ: tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, việc giải nghĩa mộc mang tính dịch thuật như trên chỉ là tương đối, chưa thể nào hiểu đúng, đủ về địa danh làng, bản ở Cao Bằng; vẫn còn nhiều tên gọi ẩn chứa nội dung, hình thức chưa được giải mã.
Mặt khác, cũng cần phải hiểu rằng, tên làng, bản không phải cố hữu, bất động mà luôn biến động theo chiều dài phát triển của lịch sử. Sản xuất phát triển dẫn tới giao thương hàng hóa thì xuất hiện các điểm chợ ở nông thôn và thành thị, thủ phủ, thành quách mọc lên, đã hình thành các tên làng, như: Bản Háng (bản chợ), Háng Thoang (chợ đồi trúc), Háng Gà (chợ bãi cỏ tranh), Háng Sléng (chợ thành), Bản Slẻng (bản thành), Bản Phủ. Một số làng, bản xưa nay đã đổi tên, như: làng Đoỏng Luông, xã Chí Viễn (Trùng Khánh) thành làng Đông Long; làng Bản Mấư thuộc xã Khâm Thành (Trùng Khánh) nay mang tên Bản Mới, thậm chí có nơi còn đặt tên làng mới theo tiếng phổ thông là làng Đồng Tâm, Đà Tiên, Bình Lang... Việc xác lập đơn vị hành chính các vùng nông thôn và di dãn dân, lập khu tái định cư để phát triển KT - XH, chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều địa danh làng, bản mới phong phú, đa dạng hơn.

Đối với địa danh xã, phạm vi hành chính rộng mở bao gồm nhiều làng, bản thì địa danh cũng khá đa dạng và thay đổi theo dòng thời cuộc lịch sử. Nghiên cứu về địa danh xã, chúng ta thấy, những cái tên mang dấu ấn xưa về vùng, miền hay đặc trưng về tự nhiên còn lại rất ít, như: xã Cốc Pàng (Bảo Lạc); các xã: Lũng Nặm, Nà Sác, Hạ Thôn, Thượng Thôn, Kéo Yên (Hà Quảng). Một số tên xã mang danh các bậc tiên liệt có công lao bảo vệ đất nước, đó là: Quốc Toản (Trà Lĩnh); Đình Phùng (Bảo Lạc); Thái Học, Lý Bôn (Bảo Lâm); Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (Hòa An), Lê Lai (Thạch An)... Đa phần địa danh các xã hiện tại được mang tên các chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và dân tộc ta, như: Hồng Việt, Hoàng Tung, Hồng Nam, Bế Triều (Hòa An); Minh Tâm, Triệu Nguyên (Nguyên Bình); Xuân Trường (Bảo Lạc); Kim Đồng (Thạch An); Chí Thảo (Quảng Uyên); Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn (Trùng Khánh)... Khác với địa danh làng, tên gọi của xã thường không lệ thuộc vào các thành tố tự nhiên, mà chủ yếu được đặt tên theo sự kiện lịch sử, người có công lao, nghĩa hiệp với đất nước.
Như vậy, địa danh gắn liền với sử danh, những tên gọi nêu trên vẫn còn nhiều ẩn ý, chưa được khám phá, nhiều người chưa biết đến hoặc được hiểu theo cách suy diễn, chưa nhất quán.

Trải qua quá trình lịch sử cùng với sự giao thoa của các luồng văn hóa, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, sự pha lẫn tiếng bản địa: Tày, Nùng, Mông, Dao và các dân tộc khác đã làm biến âm địa danh. Do vậy, chúng ta cần có góc nhìn thấu đáo, khoa học về từng địa danh để hiểu đúng, đủ, chính xác bản chất của nó. Mới điểm qua một góc rất hẹp, còn tản mạn, điểm xuyết, chưa nói tới địa danh các vùng, miền theo ngôn ngữ dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa mà ta đã thấy quá nhiều phức tạp. Rõ ràng, địa danh ở Cao Bằng đang đặt thành vấn đề hệ trọng, cần thiết phải quan tâm. Mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu có hệ thống, cắt nghĩa thấu đáo, rõ ràng về từng địa danh Cao Bằng, làm nên bộ sưu tập địa danh giá trị có ý nghĩa như từ điển tra cứu, thiết thực bổ sung vào kho tàng văn hóa quý báu của các dân tộc tỉnh ta.

Bằng Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét