17 thg 10, 2019

Nơi lưu giữ nghề đan lát truyền thống

Từ bao đời nay, từ cây tre, cây nứa, cây mai, cây vầu, song mây…, được người dân ở xã Hoàng Hải (Quảng Uyên) tạo nên những sản phẩm đan lát tinh tế và bền chắc, không chỉ giúp người dân địa phương có thêm việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập mà còn duy trì, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Người dân xã Hoàng Hải (Quảng Uyên) đan lát vật dụng gia đình. 

Xóm Lũng Muông có 96 hộ dân, là xóm hầu hết người dân vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống, đặc biệt là nam giới đều biết đan lát. Tuy nhiên, những người đan thường xuyên và bán sản phẩm ra thị trường có khoảng 15 hộ. Những ngày nông nhàn, bà con trong xóm tụ họp với nhau vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm đan lát truyền thống.

Trước đây, người dân đan lát chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, từ những năm 2010 đến nay, phong trào đan lát phát triển và trở thành hàng hóa bày bán rộng rãi tại các chợ phiên được người dân ưa chuộng.

Những sản phẩm đặc trưng của làng nghề đan lát ở đây là nong nia, mẹt, sàng sẩy gạo - những vật dụng gia đình đã gắn bó với người phụ nữ từ thời xa xưa. Những sản phẩm này đều lấy nguyên liệu chính là các loại cây thuộc họ tre (tre, nứa, mai, vầu,…) do người dân nơi đây tự trồng hoặc loại dây leo (mây, dây rừng…), ngoài ra, còn có các loại vỏ cây (gạo,…) mềm nhưng có độ dai rất tốt để buộc. Với sự cần cù cùng đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã “thổi hồn” vào mây, tre, nứa, tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tiện lợi, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình với những kiểu dáng và hoa văn trang trí trên sản phẩm.

Ông Đàm Văn Họp, xóm Lũng Muông, xã Hoàng Hải là một trong những người trong làng vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống. Hằng ngày, ông Họp cần mẫn đan những chiếc mẹt, sàng để phục vụ nhu cầu gia đình và tăng thêm thu nhập.

Ông Họp cho biết: Nghề đan lát ở đây đã có từ lâu đời. Ông đã gắn bó với công việc này được hơn 30 năm bởi nó không mất quá nhiều công sức, cũng không quá khó mà phù hợp với những người có tuổi như ông. Những lúc nông nhàn ông tranh thủ thời gian để đan lát. Bình quân mỗi ngày đan được 2 - 3 chiếc mẹt, 3 chiếc sàng, đến ngày chợ phiên thì mang đi bán, có người đặt hàng đến nhà lấy. Ngoài đan những chiếc mẹt, sàng theo kích thước chung thì ông cũng nhận đan theo kích thước mà khách đặt, nhờ vậy có thêm thu nhập cho gia đình, trung bình một tháng gia đình ông thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng.

Để có được những chiếc mẹt, sàng đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo từ khâu tìm loại cây thích hợp. Những nguyên liệu để đan được lựa chọn bằng kinh nghiệm thực tế của người thợ. Họ thường chọn những cây có độ tuổi từ 2 năm trở lên, vì nếu cây non thì rất giòn, dễ gãy, dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo.

Đồng thời, cây phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không bị gãy, dễ lên vòng. Sau khi đã chọn được cây đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc đốn ra rồi chẻ và đan, nếu lạt cứng quá thì dấp nước cho mềm hơn. Công đoạn này cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện cho một sản phẩm đẹp, do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm.

Với kỹ thuật kết, quấn rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo, người thợ tạo ra được sản phẩm đan lát bền chắc. Sản phẩm đan lát đã trở thành những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Bởi thế nghề đan lát ở đây được truyền từ đời này sang đời khác. Các sản phẩm đan lát không chỉ được bán cho người dân trong và ngoài xã mà còn được thương lái ở các huyện khác đến thu mua.

Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Hải Đàm Văn Thuyết, thực tế hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị đi vào lãng quên. Tuy nhiên, nghề đan lát ở đây vẫn luôn được giữ gìn, duy trì và phát triển theo cách riêng mà người dân đã và đang làm.

Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân ở Hoàng Hải, cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp để khai thác giá trị sử dụng và gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch bền vững và có ý nghĩa, vừa góp phần bảo tồn một nghề truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc. Điều đó không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân.

Hà Thu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét