15 thg 1, 2019

Vui buồn nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu

Làng nghề làm hương truyền thống ở làng Quảng Phú Cầu đã có cách đây cả trăm năm. Nhờ có nghề mà hơn một nửa dân số trong xã có việc làm, thu nhập ổn định, trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù vậy, trước bối cảnh hội nhập làng nghề cũng đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. 

Làng nghề đẩy mạnh xuất khẩu hàng
Cách Hà Nội 40 km, làng Quảng Phú Cầu, (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm tăm hương. Về làng tăm hương những ngày này sẽ thấy một màu đỏ rực của chân hương và không khí nhộn nhịn sản xuất, bán buôn. 

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực trẻ. Ảnh: Nguyệt Tạ 


Ông Lê Văn Thanh - Chủ xưởng sản xuất tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu cho biết, nhiều năm gần đây thị trường ổn định nên gia đình anh đã mở xưởng sản xuất tăm hương phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, anh Thanh đã đầu tư máy móc cả chục tỷ đồng mở rộng xưởng, anh cũng thuê thêm 30 công nhân làm hương.

Trung bình mỗi tháng cơ sở của anh thu mua gần 200 tấn nguyên liệu và xuất đi khoảng 50 tấn hương và tăm hương thành phẩm. Lao động làm cho xưởng nhận mức lương khá cao, từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Với những lao động làm lâu năm có kinh nghiệm nhuộm, sấy hương và pha tẩm bột sẽ có mức lương khá cao từ 6 - 8 triệu đồng/người.

“Trước đây, bố mẹ, ông bà tôi cũng làm nghề tăm hương, tuy nhiên khoảng 20 năm trở lại đây làng nghề mới phát triển mạnh mẽ. Thị trường ổn định, kèm theo đó là sự mở rộng thị trường xuất khẩu khiến cung không đáp ứng đủ cầu” - ông Thanh nói. 


Ông Nguyễn Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Nghề này là nghề chính, đem lại thu nhập ổn định, trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Cá biệt có những gia đình đầu tư cơ sở chế biến tăm hương, mỗi năm thu về cả tỷ đồng. Đặc biệt làng nghề không chỉ mang lại việc làm cho lao động địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các nơi khác tới làm việc”.

Thiếu hụt lao động trầm trọng

Nhờ có nghề làm tăm hương mà xã Quảng Phú Cầu đã vươn lên dẫn đầu toàn huyện về thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, làng nghề làm hương và tăm hương cũng đang đặt ra nhiều hệ luỵ về môi trường, công tác quản lý lao động, phòng chống cháy nổ…


Theo ông Lê Văn Dịu, khó khăn lớn nhất lúc này chính là sự thiếu hụt lao động làm nghề. Ông Dịu cho biết: “Nghề làm tăm hương là nghề chính của địa phương, mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho lao động, tuy nhiên hiện chủ yếu chỉ có lao động trung niên, lao động lớn tuổi. Hầu hết lao động trẻ của địa phương đều ra thành phố làm việc trong các khu công nghiệp”.

Cơ sở của ông Nguyễn Đức Năm (48 tuổi) ở làng Quảng Phú Cầu có 20 lao động, nhưng người trẻ nhất cũng 45 tuổi, người già nhất cũng 60 tuổi. Đa phần họ đều là lao động nữ, làm ăn công nhật, làm ngày nào ăn ngày đó, không có ký hợp đồng, không đóng BHXH.

Nguyễn Trọng Nam (24 tuổi) cho biết, trước đây gia đình Nam có làm cơ sở sản xuất tăm hương, Nam cũng tham gia làm tăm hương giúp gia đình. Thế nhưng từ ngày ra thành phố học, Nam không thích làm hương nữa. Nam chọn học nghề và xin vào làm ở khu công nghiệp, công việc nhàn hơn, thu nhập cũng khá hơn nhiều.

Bên cạnh những khó khăn từ sự thiếu hụt lao động, thời gian vừa qua làng nghề Quảng Phú Cầu cũng được biết đến như là địa điểm của sự ô nhiễm trầm trọng. Nước, hoá chất nhuộm màu từ các cơ sở chế biến tăm hương không qua xử lý được đổ trực tiếp xuống cống, rãnh khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Những ngày nắng khói bụi từ các cơ sở bay ra, cộng với mùi hôi thối từ cống rãnh khiến môi trường ngột ngạt. 


Ông Năm cho biết, những năm trước, tre, vầu được người dân làm nghề đưa về ngâm dưới nước khoảng một thời gian, khi vớt lên để làm tăm thì bốc mùi khó chịu. Nhưng hiện nay, nhận thấy sự ô nhiễm của nguồn nước, của nguyên liệu làm tăm, nên người làm nghề chuyển sang làm tăm bằng cật giang. Tuy nhiên, công đoạn xử lý hóa chất thủ công như NaOH của các cơ sở sản xuất được người làm nghề “vô tư” sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ dân sống ngay cạnh các xưởng làm tăm hương cho biết: “Ngày mưa thì đường bẩn, cống ngập nước hoá chất tẩy nhuộm, trời nắng thì khói bụi mù mịt. Mấy đứa cháu tôi không đứa nào được ra khỏi nhà vui chơi vì cứ ra khỏi nhà là hít khói, bụi bẩn về lại mắc bệnh hô hấp”.

“Hiện nay, trong xã chưa có hộ nào đăng ký kinh doanh về việc sản xuất tăm tre nên việc quản lý sản xuất của chính quyền địa phương tới các hộ dân vẫn khó khăn. Việc cấp bách bây giờ là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc các hộ gia đình dùng hóa chất tẩy tăm thải thẳng ra môi trường” - Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu chia sẻ.

Nguyệt Tạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét