10 thg 1, 2019

Đình Hòa Tú - Mỹ Xuyên, Sóc Trăng

Đình Hòa Tú, thuộc ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú I, huyện Mỹ Xuyên được hình thành vào năm 1852, sắc phong đình do Vua Tự Đức phê ngày 25 tháng 11 năm 1852. Nơi này còn là địa điểm gắn với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Đình Hòa Tú

Đường đến thăm Đình Hòa Tú thuận tiện cả đường thủy và đường bộ. Về đường thủy: từ thành phố Sóc Trăng đến bến đò Mỹ Xuyên đi khoảng 10km đến ngã ba Dù Tho, rẽ phải, đi 7km đến vàm Rạch Rò, rẽ trái, vô vàm Rạch Rò khoảng 6 km đến Đình Hòa Tú. Về đường bộ, có 2 hướng đi: hướng thứ nhất đi từ thành phố Sóc Trăng đến Tỉnh lộ 8 (Mỹ Xuyên), đi đến phà Dù Tho khoảng 6 km, qua phà đi khoảng 6 km đến ngã ba Hòa Thượng – Ngọc Đông, rẽ phải đi tiếp khoảng 11 km là đến Đình Hòa Tú; hướng thứ 2 là đi từ thành phố Sóc Trăng đến thị trấn Nhu Gia, qua khỏi thị trấn Nhu Gia khoảng 500 mét, có con đường rẽ trái, đi khoảng 3,5km đến phà Chàng Ré, qua phà đi tiếp (đường 940) khoảng 6km đến ngã ba Ngọc Đông - Hòa Phuông, rẽ trái đi tiếp 2km là tới đình Hòa Tú.

Cổng vào đình Hòa Tú

Ngôi Đình hiện nay được xây dựng mới vào 2010, có 03 gian nối tiếp (chữ tam), cổng đình nhìn ra hướng Đông Bắc. Mái đình lợp ngói âm dương. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, câu liễn, câu đối đều được chạm trổ khéo léo tinh vi. Gian đầu là gian võ ca, gian giữa là nhà khách, gian sau là điện thờ thần, có 02 đầu hồi là 02 máng hình tam giác dựng đứng trên đầu mái, được xây kín bằng gạch trát xi măng và không có trang trí. Hai mái còn lại ở trước và sau có độ nghiêng. Toàn bộ khung sườn đình được đúc bằng xi măng cốt thép.

Bia liệt sĩ

Trên nóc của gian nhà võ ca dọc theo đòn dong là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt được đúc tròn bằng xi măng cốt thép, trang trí bằng sơn dầu, mỗi con dài 1 m 20, rồng trong tư thế lượn cong (hình yên ngựa), sừng ngắn, vi lưng và đuôi ngắn, mặt dữ tợn; các câu đối một số được sử dụng chữ Việt hóa, một số còn lại là sử dụng chữ Nho.

Bài vị, nhân vật được thờ trong đình là những vị có công với đất nước, lập làng và gắn với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Trong đó phải kể đến đồng chí Văn Ngọc Chính – Bí thư Chi bộ đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa và đây cũng là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà Việc làng Hòa Tú. Sau đó, nghĩa quân kéo về đình Hòa Tú lên kế hoạch chống lại sự càn quét, đàn áp của thực dân Pháp.

Bên trong gian thờ chính

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Chi bộ Hoà Tú được thành lập năm 1938, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tư Bối, cán bộ Liên tỉnh uỷ và đồng chí Văn Ngọc Chính, Bí thư chi bộ.

Tháng 9 năm 1940, Nhật vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Nhân dân ta lại phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Bọn địa chủ càng ra sức bóc lột nhân dân. Hành động của chúng càng khoét sâu thêm lòng căm thù của nông dân đối với địa chủ và thực dân phong kiến. Trước tình thế này, xứ ủy quyết định ra lệnh khởi nghĩa toàn Nam Kỳ. 02 giờ chiều ngày 23/11/1940, lệnh khởi nghĩa của xứ uỷ được Chi bộ Hoà Tú tiếp nhận qua đồng chí Lâm Thị Kim, được đồng chí Nguyễn Tấn Đạt giao nhiệm vụ hỏa tốc mang về. Thời điểm đồng loạt khởi nghĩa khắp Nam kỳ được quy định là 00 giờ ngày 23/11/1940, nhưng do giao thông liên lạc khó khăn nên đã chậm mất 14 tiếng đồng hồ mới đến được Hoà Tú.

Được lệnh, đồng chí Văn Ngọc Chính triệu tập ngay cuộc họp Chi bộ bất thường tại nhà mình, vì quá gấp nên một số đồng chí không đến kịp. Cuộc họp thống nhất ba vấn đề chính:
  • Một, cử liên lạc nhanh chóng xuống các ấp thông báo tập trung lực lượng đã tổ chức từ trước, đến đình làng (tức Đình Hòa Tú) ngay để làm lễ xuất quân. 
  • Hai, phân công từng đảng viên và cán bộ chủ chốt phụ trách các tổ chức phản đế, kịp thời ứng phó trong quá trình diễn biến khi khởi nghĩa. 
  • Ba, cho lệnh bắt ngay giáo Vàng, Tuần Ngọ, Tuần Mai là những tay sai tề làng để làm tê liệt sự phản kháng của tuần đinh, dùng Tuần Ngọ kêu cửa bắt hương quản Tệt. Chi bộ đề cử 06 người trong ban chỉ huy khởi nghĩa gồm có các đồng chí: Văn Ngọc Chính (chỉ huy chung), Tư Bối, Hà Thành Nguyên, Lý Thanh Sử, Trần Văn Tấn và Lương Đơn Quế.
Chi bộ vừa họp xong, ngay trong đêm 23/11/1940, lực lượng khởi nghĩa đã tập hợp tại Hoà Tú được khoảng 100 người rồi phát triển lên 300 – 400 người, quy tụ các giai tầng xã hội như nông dân, phụ nữ, tín đồ đạo Cao Đài, Công Giáo, thầy giáo, người làm công cho địa chủ, bầu gánh hát, đồng bào Hoa… từ các ấp trong làng với vũ khí thô sơ cầm chặt trong tay: gậy gộc, giáo mác, kích, phảng, búa tập trung đến nhà đồng chí Văn Ngọc Chính. Trước giờ xuất quân, đồng chí Văn Ngọc Chính trân trọng phát biểu với anh em nghĩa quân và tuyên thệ: "Hôm nay, xứ uỷ đã quyết định toàn Xứ Nam kỳ nổi dậy. Tại làng Hoà Tú này, chi bộ Đảng cùng nhân dân khởi nghĩa diệt đồn Cổ Cò, buộc địa chủ ác ôn giao lại đất cho tá điền làm chủ, đồng thời nhân dân ta đứng lên giành lấy chính quyền. Chúng tôi, những người cộng sản quyết cùng với nhân dân làng Hoà Tú thề chiến đấu đến cùng, bất cứ tình thế nào cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ".

Cuộc khởi nghĩa ở làng Hoà Tú nổ ra giành thắng lợi trọn vẹn các mục tiêu theo kế hoạch: tiêu diệt bộ máy tề làng, đốt huỷ hồ sơ giấy tờ, tịch thu tổng cộng 7 súng (trong này có 4 súng lữa, 2 súng săn và 1 carbine hơi) và một ít đạn dược. Với vũ khí thô sơ cùng 7 súng vừa tịch thu của địch và số đạn ít ỏi, nghĩa quân đã kiên cường chống trả. Nhưng cuối cùng với sự áp đảo về vũ khí và lực lượng quân sự của Pháp, nghĩa quân phải rút lui, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Lời hy sinh và một số nghĩa quân bị bắt.

Đến ngày 31/12/1940, trong cả Nam Kỳ thực dân Pháp đã bắt 5.848 người, thì Sóc Trăng đã có 187 người, tập trung là các chiến sĩ khởi nghĩa ở Hoà Tú và một số ở An Lạc Thôn, Ba Trinh, Châu Khánh, tỉnh lỵ Sóc Trăng. Toà án thực dân đã kêu án, đày đi Côn Đảo 36 người, trong này có 16 người vĩnh viễn nằm xuống tại địa ngục trần gian Côn Đảo.

Kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta ngày 1/9/1858 tại Đà Nẵng, thì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 có tổ chức chỉ đạo thống nhất cả Nam kỳ và là cuộc Tổng diễn tập khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của nhân dân Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và “chưa bao giờ hệ thống cai trị của thực dân Pháp lại bị tan rã, rệu rã, mất quyền lực, mất tinh thần như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Cho nên tuy cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp trong bể máu, nhưng “không làm cho nhân dân ta nhục chí khí đấu tranh, mà chỉ hun đúc thêm lòng căm thù của nhân dân ta đối với bọn đế quốc thống trị, rèn luyện thêm tinh thần chiến đấu, tiếp tục đấu tranh, chờ đợi thời cơ vùng dậy giành lại quyền độc lập và tự do”.

Với tầm vóc của cuộc khởi nghĩa hết sức lớn lao, nhân dân Hoà Tú từ tay không đã dũng cảm vùng lên chiến đấu giải phóng quê hương, xoá bỏ xích xiềng nô lệ, nổi bật vai trò của chi bộ Đảng mà đứng đầu là đồng chí Văn Ngọc Chính. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại làng Hoà Tú mà linh hồn của nó là chi bộ Hoà Tú, mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh vẻ vang của lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Văn Ngọc Chính sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Riêng đội quân khởi nghĩa Nam kỳ xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý của Chính Phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trao tặng: “Huân chương Quân công hạng Nhất”.

Hiện nay Đình còn lưu giữ những hiện vật quý, như: 02 chiếc mai rùa bằng gỗ, tượng tròn, dài 40cm; 02 cái thân hạc bằng gỗ, tượng tròn, dài 40cm, có khắc văn bia tự Hán Nôm, một cái ghi: "Biên Hoà tỉnh tổng chánh Mỹ Trung"; một cái ghi: "Tân Trạch thôn xã trưởng phụng cúng"; Đôi chân bài vị bằng gỗ hình chữ nhật dày 4cm có chạm hoa văn quanh viền; Một mảnh gỗ chạm hình rồng lượn trong mây dày 3cm, kích thước 20cm x 60cm; Một mảnh gỗ chạm hình mặt rồng phun nước dày 3cm, kích thước 25cm x 40cm; 01 khẩu súng 02 nòng - di vật của cuộc khởi nghĩa Nam kì tại làng Hoà Tú năm 1940.

Hằng năm, vào ngày rằm tháng 2 âm lịch là ngày cúng “linh thần”. Đông đảo nhân dân địa phương đến tham dự. Họ trang phục ghe thuyền cờ lộng, trống phách, đờn, kèn nhạc lễ đến rước Sắc phong vào chánh điện đình thần an vị, sau đó là phần khai lễ, cúng bái. Trước cúng linh thần cùng chiến sĩ, đồng bào Hòa Tú “vị quốc vong thân” và sau đó là cầu an cho bá tánh, cho bà con ở địa phương.

Đình Hòa Tú được công nhận là di tích cách mạng cấp quốc gia theo quyết định số 734/QĐ-BVHTT, ngày 16/6/1992 và là một trong 08 di tích cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng. Đến Đình Hòa Tú, quý khách sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về giá trị di tích, về truyền thống dấu tranh, về lòng yêu nước của quân và dân Sóc Trăng. Đình Hòa Tú là niềm tự hào của Đảng bộ, quân, dân tỉnh nhà là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

* Tài liệu tham khảo:
  • Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 tại Sóc Trăng – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ biên Trịnh Công Lý, xuất bản năm 2000
  • Hồ sơ di tích Đình Hòa Tú.
  • Khảo sát thực tế tại Đình Hòa Tú I.
  • www.soctrang.edu.vn
  • http://ditichlichsuvanhoa.com
  • www.sovhttdl.soctrang.gov.vn
  • https://dulichsoctrang.org
Lý Thị Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét