16 thg 1, 2019

Di tích Chiến thắng Chi khu Ngã Năm

Nếu như trước đây đến với Ngã Năm, du khách được khám phá tìm hiểu đời sống văn hóa sông nước trên chợ nổi, nghe nhắc đến chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử quan trọng – Chiến thắng chi khu Ngã Năm, là 1 trong 8 di tích cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng theo quyết định số 73/2004/QĐ-BVHTT, ngày 23/8/2004; thì giờ đây, Tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm đã hiện hữu, vững vàng, hiên ngang, tỏ rỏ ý chí của quân, dân ta lúc bấy giờ.

Lễ khai mạc

Tượng đài được xây dựng ngay địa điểm chi khu Ngã Năm xưa, có diện tích hơn 2 ha, thuộc thị trấn Ngã Năm, huyện Thạnh Trị lúc bấy giờ. Nay, địa điểm này thuộc phường 1, thị xã Ngã Năm, nằm kề bên chợ nỗi Ngã Năm.

Chi khu Ngã Năm được Mỹ - Ngụy quyết xây dựng tại đây, do thị trấn Ngã Năm có địa hình, địa thế mang tính đặc thù, là vùng sông nước với giao điểm của năm nhánh sông tỏa ra năm ngã, thuận lợi trong vận chuyển và giao thương. Chi khu Ngã Năm được xác định có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Sau phong trào Đồng Khởi - giành chính quyền nông thôn vào đầu năm 1960 của tỉnh Sóc Trăng, Mỹ - Diệm đã trở lại tái chiếm và ra sức củng cố, xây dựng Chi khu này thành một căn cứ quân sự vững chắc, với một hệ thống đồn bót dầy đặt bao quanh, quân số khoảng 600 tên. Chúng tổ chức càn quét vùng nông thôn, tổ chức đánh phá vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, chúng kết hợp bọn tôn giáo ở yếu khu Trà Lồng, sử dụng bọn ác ôn đầu hàng phản bội để quấy phá phong trào cách mạng. Chúng thường xuyên tổ chức càn quét, bố ráp và gây nên nhiều cuộc thảm sát thường dân vô tội, bắt bớ giam cầm hàng mấy trăm người, chẳng những của các xã thuộc Sóc Trăng mà còn lan ra các nơi tiếp giáp thuộc Long Mỹ, Phụng Hiệp (Cần Thơ) và liên hoàn xuống vùng U Minh - Rạch Giá - Cà Mau… Để dập tắt sự hung hản của địch, ta huy động lực lượng các xã Vĩnh Quới, Tân Long… cùng với quần chúng tại thị trấn tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình đấu tranh chống đàn áp, bắn giết thảm sát nhân dân. Trong đấu tranh, địch ra tay đánh đập dã man, bắt bớ giam cầm, có người phải hy sinh hoặc tàn phế.

Người dân đến vui chơi vào buổi tối

Mùa khô vào năm 1962, lực lượng vũ trang tỉnh về kết hợp du kích và bộ đội địa phương huyện tiến hành bao vây, bứt rút Chi khu Ngã Năm lần thứ nhất, làm nhân dân nơi đây cùng cả tỉnh thỏa lòng. Với tinh thần bám đất bám dân, quân ta xây dựng cơ sở, tạo thế hợp pháp cho dân đấu tranh ngay trong lòng địch. Nhiều chị em phụ nữ, những bác nông dân đã trở thành du kích mật. Địch tăng cường bắt lính, ta chủ trương cho thanh niên vào chùa tu hoặc trốn tránh, xây dựng cơ sở nhà chùa để bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhìn chung, công tác binh vận của thị trấn Ngã Năm lúc bấy giờ được huyện và tỉnh công nhận là một trong những đơn vị làm công tác binh vận giỏi, có cơ sở vững vàng nhất. Đội biệt động thị trấn kết hợp du kích mật, cùng quần chúng cách mạng đã tạo thế cùng anh em khởi nghĩa binh chiến, nội ứng lấy 7 đồn, làm tan rã trên 2.000 binh lính và phá rã nhiều toán phòng vệ dân sự, thu về hơn 150 súng. Nhờ đó, lực lượng biệt động thị trấn Ngã Năm được trang bị rất mạnh so với các đơn vị khác trong huyện…

Tượng đài

Với ý thức tự lực tự cường, lực lượng vũ trang huyện, du kích xã vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, dựa vào dân xây dựng cơ sở mật để hoạt động có hiệu quả. Lúc đầu, ta tổ chức diệt những tên đi lẻ tẻ, từng tốp, dần dần từng đồn, bót quanh Chi khu. Từ đó, làm bàn đạp tạo điều kiện cho lực lượng địa phương, quân tỉnh và quân chủ lực đánh diệt Chi khu Ngã Năm nhiều lần.

Trong những cuộc tấn công, bao vây Chi khu Ngã Năm, thì cuộc chiến vào năm 1968 là cuộc bao vây kéo dài và ác liệt nhất. Tham gia bao vây Chi khu Ngã Năm gồm có lực lượng hỗn hợp là đại đội địa phương quân huyện Thạnh Trị, đội phòng thủ Tỉnh uỷ (B.68); du kích thị trấn Ngã Năm; Du kích xã Vĩnh Quới, xã Tân Long. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 dân công của các xã Vĩnh Quới, Mỹ Quới, Vĩnh Lợi, Tân Long, nhiều phương tiện như: xuồng, ghe, cây ván, hàng triệu đồng tiền mặt và hàng trăm giạ gạo được huy động cho chiến trường…

Đêm 21/5/1968, các mũi bao vây đã đồng loạt nổ súng tấn công vào Chi khu Ngã Năm. Bước đầu, quân ta chọn bốn đồn án ngữ bên ngoài Chi khu làm mục tiêu tấn công trước. Đó là các đồn Phật Mẫu, Cống Đá, Xóm Gạo và Tám Giới, nhưng tập trung tấn công mạnh vào hai đồn Phật Mẫu và Cống Đá. Trong những ngày đầu bao vây, ta chỉ pháo kích, bắn tỉa, áp đảo tinh thần binh lính địch, tạo điều kiện cho lực lượng dân công tập trung xây dựng hai pháo đài, lập thành thế bao vây, tấn công hiệu quả hơn cho bước tiếp theo. Trận chiến bao vây Chi khu Ngã Năm càng về sau càng dồn sức. Khi các pháo đài dựng lên đã hoàn thành với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Trong thời gian bộ đội, du kích và dân công thi đua dựng pháo đài, bọn địch bên trong đã nhìn thấy. Quân địch hết sức hoảng sợ nên cố liều chết xông ra đánh phá, đồng thời gọi phi cơ, pháo binh yểm trợ. Có pháo đài, chiến sĩ ta gồm những người bắn giỏi đã túc trực, luân phiên canh chừng, tên giặc nào ló ra đều lọt vào tầm ngắm. Qua gần một tháng bao vây, ta đã đánh bật 21 lần, bọn giặc liều chết xua lính ra phản kích. Quân ta đã diệt, làm bị thương hơn 60 tên địch. Trong đó, có nhiều tên chỉ huy thuộc sắc lính bảo an, an ninh quân đội, thám báo và bọn tề ngụy ác ôn. Đặc biệt hơn hết là quân ta đã diệt được tên trung uý Hà - tên ác ôn cầm đầu phản kích. Vì trong hơn 20 lần phản mũi bao vây, tên Hà đã có mặt chỉ huy hàng chục lần, hắn đã gây thương vong cho hơn 20 cán bộ và chiến sỹ của ta.

Trong gần một tháng bao vây, quân ta đã giành được thắng lợi lớn, bọn địch vô cùng hoang mang. Chúng đã điện hàng chục lần về Tiểu khu Ba Xuyên xin quân cứu viện, nhưng do ảnh hưởng chiến trường chung do sau tổng tấn công cả tỉnh và toàn miền, quân ta vẫn tiếp tục tấn công, nên bọn tỉnh vẫn chưa đưa được quân tiếp ứng. Tình thế lúc này có lợi cho quân ta, nếu dồn sức lên nhất định sẽ thắng lợi, dứt điểm.

Tuy nhiên, do sức của bộ đội địa phương và du kích có hạn cũng như qua gần một tháng bao vây, quân ta bị thương vong cũng không ít, số còn lại đã thấm mệt, có nhiều mũi tiến công gần như kiệt sức. Trong tình hình đó, ban chỉ huy chiến dịch đã kịp thời rút kinh nghiệm và thay đổi chiến thuật bao vây. Chiến thuật đánh mới được gọi là “xa luân chiến”. Ban đêm, ta cho lực lượng du kích thúc sát pháo kích, bắn tỉa, chọc phá không cho quân địch nghỉ ngơi. Ban ngày, du kích rút về phía sau dưỡng sức, đổi lại bộ đội huyện và tỉnh đưa quân vào thay thế, chủ yếu là chống phản kích và diệt cho được bọn đầu sỏ. Có khi ngược lại, đêm đến lực lượng huyện đánh, ngày du kích tiếp sức tấn công… Cũng có khi ban đêm dùng những bộ phận nhỏ, trang bị súng tốt, thọc sâu, đánh mạnh, nhanh gọn, gây tổn thất cho địch rồi rút về, sáng ra cho du kích vào giữ mũi…

Song song với việc thay đổi chiến thuật bao vây, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Huyện uỷ đã quan tâm chỉ đạo với một quyết tâm cao: “Tất cả dồn sức cho bao vây, tất cả cho dứt điểm chi khu Ngã Năm”. Cũng từ quyết tâm đó, các đồng chí đã chỉ đạo cho các huyện, các xã lân cận phải dồn sức người, sức của về đây, như: lương thực, đạn dược và mọi phương tiện khác cần cho chiến dịch. Đồng chí Bí thư Huyện uỷ đã chỉ thị cho đồng chí Sáu Kẹo (tức đồng chí Nguyễn Tấn Thành - lúc đó là Tỉnh uỷ viên phụ trách Binh vận) trực tiếp nắm chặt tình hình diễn biến trong sĩ quan, binh lính địch tại chi khu, đưa gia đình binh sĩ ra đấu tranh trực diện với bọn tiểu khu, chi khu đòi đổi con em họ đi nơi khác, nơi nào mạnh hơn là đòi giải ngũ, cho con em họ về gia đình làm ăn… Phương pháp vận động này đã làm tan rã rất nhiều binh sĩ trong chi khu. Đồng thời, tác động mạnh đến tinh thần số còn lại.

Tất cả những nỗ lực, cố gắng của quân ta đã làm tình thế quân lính ở Ngã Năm hết sức tuyệt vọng. Cho tới ngày 10/7, tức là đã qua 49 ngày từ khi mở chiến dịch, bọn Tiểu khu Ba Xuyên nhìn thấy Chi khu Ngã Năm có nguy cơ bị tiêu diệt, nếu không kịp thời can viện. Ngay lập tức, chúng điều động một tiểu đoàn bảo an phối hợp không quân, pháo binh kéo vào can viện. Nắm được tin trên, ban chỉ huy bao vây đã ra lệnh động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận “Hãy siết chặt và giữ vững mũi bao vây, kiên quyết đánh tan quân can viện, tiến tới dứt điểm chi khu”. Ngược lại, quân địch đấu tranh không chấp hành mệnh lệnh nên đến cuối ngày 10/7 mà chỉ kéo đến Phú Lộc (cách chi khu Ngã Năm 23 km) và đóng quân ở đó. Biết tin này, tinh thần cán bộ, chiến sĩ ta trên mặt trận càng thêm hăng hái. Trong hai đêm 10 và 11/7, các mũi bao vây của ta đưa quân đánh mạnh, thúc bách, bọn địch đòi cấp trên cho rút khỏi chi khu. Ngay trong đêm 11 rạng 12/7, bọn chúng đã van xin nài nỉ Tiểu khu nhiều lần cho rút chạy, bọn cấp trên động viên “Cố gắng giữ đến 12 giờ mai (tức 12/7) binh viện sẽ tới”. Quả thật, sáng 12/7, pháo từ chi khu Phú Lộc bắn tới tấp vào tuyến Hương lộ 42 (tức đường Phú Lộc đi Ngã Năm), trên không thì máy bay trinh sát L.19 quần đảo dẫn đường cho quân can viện kéo vào. Chúng bị một bộ phận bộ đội địa phương huyện Thạnh Trị nổ súng đánh chặn ở khoảng giữa Phú Lộc, Cái Trầu. Trong khi đó, tại mũi bao vây, lực lượng bao vây đã dồn sức với những tay súng mạnh nhất của các đơn vị B.68, địa phương quân huyện và một bộ phận của đơn vị pháo 602 vừa tăng cường yểm trợ siết chặt vòng vây. Đồng thời, dùng loa phóng thanh gọi địch ra hàng. Trận địa kéo dài đến 3 giờ chiều, thấy quân can viện không vào được, bọn chi khu chuẩn bị mở đường tháo chạy. Ban chỉ huy bao vây nhận định “Quân ta tinh thần tuy hăng hái, quyết chiến nhưng lực lượng không đủ sức chặn đánh tiêu diệt chúng, có cách hay nhất là mở đường cho chúng tháo chạy rồi rượt đánh vét đuôi là thượng sách”. Với quyết tâm và phương án như vậy, các đồng chí trong ban chỉ huy đã trực tiếp cầm súng và chỉ huy thúc sát vào hàng rào. Đồng thời, dùng hỏa lực mạnh, đại liên, B.40, pháo cối bắn tới tấp vào trung tâm chi khu. Địch chịu không nổi, toàn bộ quân chúng liều chết xông ra nơi không có hoả lực, tháo chạy về Phú Lộc. Nhanh như chớp, các cán bộ chỉ huy, cùng các chiến sĩ bám sát rào đã xông vào chiếm lĩnh chi khu, dùng ngay đại liên vừa thu được, quay nòng nã ròn rã theo bọn địch tháo chạy. Bỏ mặc cho những tên chết và bị thương, cả bọn một mạch chạy không dám quay đầu trở lại. Biết quân chúng đã thoát ra, bọn Tiểu khu ra lệnh bắn pháo huỷ diệt Chi khu. Biết được ý đồ địch nên lực lượng ta đã triển khai rút lui an toàn. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, tiếng súng ngừng hẳn.

Kết quả, sau 52 ngày đêm (21/5/1968 đến ngày 12/7/1968) của chiến dịch bao vây đánh lấn, quân dân Thạnh Trị, được hỗ trợ mạnh của một bộ phận lực lượng tỉnh, quân ta đã hoàn toàn giải phóng Chi khu Ngã Năm.

Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đó là lần đầu tiên ở chiến trường Tây Nam Bộ, bằng chiến thuật bao vây, đánh lấn của du kích và bộ đội địa phương cấp huyện (có kết hợp một bộ phận nhỏ của tỉnh) đã dứt điểm hoàn toàn một Chi khu quân sự thuộc vào loại phòng thủ kiên cố nhất, nhì tại vùng đồng bằng. Chiến thắng Chi khu Ngã Năm là kết quả của sự chỉ đạo quyết tâm, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều thứ quân, trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; kiên trì bám trụ bám dân, xây dựng cơ sở vững chắc, mưu trí sáng tạo, dũng cảm và liên tục tấn công.

Sau ngày giải phóng, Sở Văn hoá Thông tin Sóc Trăng cho xây dựng một tấm bia tại địa điểm chi khu, để ghi lại sự kiện lịch sử chiến thắng ở Chi khu Ngã Năm, nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho nhân dân địa phương và thế hệ mai sau. Đến năm 2014, công trình Tượng đài Chiến thắng Chi khu Ngã Năm được khởi công xây dựng. Tượng đài được điêu khắc trên chất liệu bằng đá do điêu khắc gia Trần Thanh Phong, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (Giám đốc Công ty TNHH MTV mỹ thuật ứng dụng Mê Kông) thực hiện. Tượng đài uy nghi với nhóm tượng chính gồm ba nhân vật hiên ngang, thể hiện tính đặc thù của lực lượng bao vây và bứt rút Chi khu Ngã Năm, trong tư thế của người chiến thắng. Mặt chính của tượng đài hướng nhìn ra 5 ngã sông – chợ nổi Ngã Năm. Toàn cảnh và công trình Tượng đài được xây dựng trên tổng diện tích hơn 6.000m2. Trong đó, phần đế tượng gần 520m2. Phần bệ tượng và tượng đài cao 18m; cánh cung ở hai bên là hai mảng phù điêu, chiều dài mỗi bên 8m. Xung quanh Tượng đài là một số khu hạ tầng kỹ thuật, quãng trường, khuôn viên cây xanh… tạo thêm khung cảnh cho người dân và du khách đến tham quan, vui chơi….

Tháng 8/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các ngành liên quan long trọng tổ chức Lễ Khánh thành Tượng đài Chiến thắng Chi khu Ngã Nam – di tích cấp quốc gia lưu niệm sự kiện lịch sử này. Tượng đài vững trải và hiện hữu như minh chứng lịch sử, nhắc nhở đến thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh, sự đoàn kết trong đấu tranh của quân dân Ngã Năm, Sóc Trăng nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, công trình tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm và chợ nổi Ngã Năm sẽ là sự kết hợp lý tưởng cho chuyến tham quan, khám phá về văn hóa, lịch sử vùng đất Ngã Năm xưa và nay.

Tài liệu tham khảo:
  • Lý lịch di tích lịch sử, văn hóa đại điểm chiến thắng chi khi Ngã Năm.
  • Lịch sử Đảng bộ huyện Thạnh Trị (cả chống Pháp và chống Mỹ).
  • Lịch sử truyền thống bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng (1960 - 1975).
  • Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (Tập hai) thời kỳ chống Mỹ.
Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét