15 thg 1, 2019

Giây phút cuối và nấm mồ chung của 9 vị anh hùng

Trước âm mưu thâm hiểm của giặc và bè lũ tay sai bán nước, những anh hùng Lâm Trung Trại một phút sa chân đã rơi vào tay giặc. Chúng giết 9 vị anh hùng rồi chôn chung họ trong một huyệt lớn tại gốc cây Gõ Cụt nơi Dốc Sỏi.

Anh hùng thất thế 


Thất bại trước mục tiêu tấn công thành Sơn Đá, Lâm Trung trại bị thực dân Pháp bố ráp, vây bắt, truy kích không ngừng. Mục tiêu của bọn chúng là muốn một mẻ bắt sạch "những con cá to" trong Lâm Trung Trại để làm gương cho những cá nhân, tổ chức yêu nước người Việt.

Trước tình hình nguy cấp, Lâm Trung Trại đã quyết định tạm giải tán để đảm bảo sự an toàn cho các thành viên. Theo đó, Năm Hi chủ trương cho nghĩa quân tiêu hủy hết vũ khí, đạn dược để các thành viên ngụy trang thành người tha hương đến chốn này. Hơn nữa, Năm Hi làm vậy để tránh việc số vũ khí trên lọt vào tay giặc khi căn cứ Gò Mọi thất thủ. Lợi dụng lúc nửa đêm, nghĩa quân bí mật vận chuyển số vũ khí trên đổ hết xuống lòng sông Đồng Nai đỏ ngầu phù sa. Vị trí đổ số vũ khí trên cũng được giữ bí mật tuyệt đối. Sau lần tụ họp cuối cùng đó, những đầu lĩnh của Lâm Trung Trại chia tay nhau, tiêu tán mỗi người một ngả. 

Khu vực Dốc Sỏi, nơi diễn ra buổi hành quyết 9 anh hùng Lâm Trung Trại. 


Để che mắt giặc, những anh hùng này ngụy trang với nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, trước sự truy nã tàn khốc cùng những âm mưu thâm độc và sự chỉ điểm của bè lũ tay sai, lần lượt các anh hùng đều rơi vào tay giặc. Trong đó, 8 vị đứng đầu Lâm Trung Trại bị giặc bắt bao gồm: Năm Hi, Hai Lựu, Lào Lẹt, Hai Sở, Ba Vạn, Bảy Phát, Hai Danh, Ba Hầu. Cuối tháng 3 năm đó, các thành viên trên và hai anh em được mệnh danh là "song hùng" Mười Tiết, Mười Sót bị đưa ra trước tòa Áo Đỏ (Đại hình của Pháp) với tội danh "phiến loạn, cướp của, giết người".

Phiên tòa diễn ra một cách chóng vánh. Tất cả các anh hùng nằm trong nhóm lãnh đạo Lâm Trung Trại đều bị kết án tử hình. Năm Hi, Ba Hầu, Hai Lựu, Hai Sở, Lào Lẹt, Bảy Phát, Bếp Đầy, Mười Tiết, Mười Sót nằm trong danh sách bị xử tội chết. Còn lãnh án 20 năm khổ sai, lưu đày Côn Đảo có Tư Hổ, Ba Vạn. Bản án được ấn định và thi hành một cách nhanh chóng và gấp rút. Sau khi nghe tin dữ, người dân, tàn quân của Lâm Trung Trại cũng tổ chức nhiều cuộc phản đối nhưng đều bị bọn cướp nước dìm trong máu lửa.

Vào một buổi xế chiều, người dân xóm Dốc Sỏi (thôn Bình Thành nay thuộc phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thấy viên quan Pháp dẫn đầu đoàn lính vác súng trên vai và mấy người mặc áo xanh khiêng nhiều cột gỗ, cuốc xẻng kéo đến vùng Gò Mô (trước cổng sân bay Biên Hòa ngày nay).

Tại đây, tên vệ úy đứng lên gò đất cao quan sát như đang tìm địa thế. Ít phút sau, tên này lệnh cho đám lính bắt phạm nhân phát quang bụi rậm thành một khoảng đất trống hơn 250m2. Sau khi đám tội án hoàn thành công việc, đám lính mã tà lại gí họng súng vào lưng, lệnh cho họ đào chín lỗ sâu trồng chín cây cột gỗ dựng thành hai hàng ngang.

Sự việc trên khiến không ít người dân tò mò xúm quanh. Nhiều người bàn tán rằng, Pháp lại cho dựng chốt, đóng quân nơi đây. Người thì cho rằng rất có thể giặc mở đường đi Bến Cá (Bình Dương) và đang đánh dấu làm mốc. Tuy nhiên, không một ai trong số họ biết được rằng, 9 cây cột kia chính là nơi kết liễu 9 vị anh hùng Lâm Trung Trại mà bấy lâu họ ngưỡng mộ.

Những lời trăng trối oai hùng

Sáng hôm sau, trời vừa hửng sáng, dân trong vùng bị đánh thức bởi tiếng xe ô tô gầm rú tại khu vực Gò Mô. Dân trong vùng hiếu kỳ pha chút lo lắng khi thấy cảnh lính nai nịt gọn gàng, tay bồng súng trước ngực, đứng thành hai hàng thẳng tắp. Sau ít phút, một chiếc xe được bọc kín bằng vải dù xanh đỗ lại. Từ cửa sau, người dân trông thấy rõ mồn một 9 tội nhân mặt mày hốc hác, xanh xao, tay bị còng, chân đeo xiềng xích xuống xe. Bước khỏi xe, 9 tội nhân bị đám lính ép đi theo một hàng thẳng.

Theo lời kể của nhiều bậc lão niên thì sau khi lính đã sắp tội phạm đâu vào đấy thì xuất hiện ông Đỗ Hữu Trí, giữ chức Biện lý và một cha đạo. Đến lúc này, người dân nơi Dốc Sỏi mới nhận ra đây là cuộc xử bắn những anh hùng Lâm Trung Trại. Tin tức nhanh chóng lan rộng, người dân kéo đến ngày một đông. Tuy nhiên, họ bị đám lính đẩy ra xa pháp trường. 

Khu vực Gò Mô. 

Sau đó, 9 tội nhân bị giải đến 9 cột gỗ đã dựng sẵn, có đám lính giương súng đứng trấn giữ bốn bên. Ít phút sau, Đỗ Hữu Trí bước lên phía trước đọc bản án cho 9 tội nhân. Vừa dứt lời, bọn lính trói quặt tay 9 vị anh hùng Lâm Trung Trại ra sau cột gỗ. "Lúc bấy giờ, trời đã sáng hẳn. Sắc diện các tử tội đều thấy biến đổi, trông như đã mất thần. Duy chỉ có Ba Hầu, Hai Sở vẫn giữ được nét thản nhiên với gương mặt còn tươi tỉnh", trong tác phẩm Biên Hùng lược sử của Lương Văn Lựu có ghi lại như vậy.

Sau đó, viên quan Pháp cho 20 lính đứng đối mặt với tử tội cách xa hơn 20m. Như một ân huệ cuối, Biện lý Đỗ Hữu Trí cho phép tử tội được nói lời trăng trối với người thân. Và chính giây phút ấy đã đi vào lịch sử Biên Hòa khi tinh thần, khí tiết hùng dũng của những bậc anh hùng đã hòa vào hồn thiêng của xứ này và được lưu truyền mãi mãi. Được biết, ông Ba Hầu là người đầu tiên lên tiếng.

Theo Biên Hòa sử lược, ông Ba Hầu hỏi xem có vợ con của mình có ở đây không. Sau đó, vị anh hùng này hùng dũng nói to: "Ta sinh ra làm tướng, chết làm thần. Bà con ở lại mạnh giỏi". Tiếp sau đó, Hai Sở hiên ngang thách thức: "Cứ bắn ta đi. Sở này không sợ đâu. Cái chết, ta thị như quy tân gia (xem như được về nhà mới)".

Lúc đó, 7 người còn lại mặt sắc lạnh nhưng họ không nói lời nào. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, những con người này không lộ vẻ hối tiếc, khiếp hãi. Sau đó, lính đem vải đen đến bịt mắt từng phạm nhân và trở về vị trí. Viên quan người Pháp cuối cùng cũng cất giọng hạ lệnh, 20 lính cầm súng đồng loạt quỳ một chân giữ tư thế chuẩn bị bóp cò. Khẩu lệnh thứ hai nghe lạnh lùng, toán lính đồng loạt nâng súng lên ngang mắt, ngắm. Tiếng động phát ra từ thao tác trên khiến người xem nổi da gà. Nhiều người đã ngất lịm, tiếng khóc, tiếng kêu gào phát ra từ đám đông người dân đến xem. Lệnh thứ ba được viên quan hai thao tác bằng tay. Khi tay hắn hạ xuống, một loạt súng khô khốc vang lên. 4 vị anh hùng gục đầu xuống, không một tiếng kêu.

Tiếng súng đồng loạt nổ, xé đi sự tĩnh lặng của buổi sớm mai. Chưa dừng lại, cánh tay của viên quan lại hạ xuống, một loạt súng lại cất lên, 5 vị anh hùng lại gục xuống, máu tươi từ ngực tuôn chảy nhuộm đỏ áo tù rồi nhỏ thành giọt trên mặt đất. Tiếng than khóc của người dân lại càng thảm thiết thương tâm. Cuối cùng, viên trung úy Pháp cầm súng lục đến từng tử tù giờ chỉ còn là những cái xác đỏ máu, bắn những viên đạn ân huệ. Xong đâu đấy, quan, lính ra về để lại những tội nhân khác cùng đám lính lo việc chôn xác các anh hùng thất trận.

Cũng tại đây, sau khi hồn thiêng đã hòa quyện cùng sông núi, những anh hùng một thời được nằm chung một nấm mồ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, giờ đây, chùa Cô Hồn gần như là nơi duy nhất lưu giữ những thiên sử bi hùng về 9 người anh hùng yêu nước này.

Câu nói bất hủ của ông Biện lý 


Theo ghi nhận của Biên Hòa lược sử, ông Biện lý Đỗ Hữu Tri trên đường ra về sau vụ hành quyết đẫm máu 9 anh hùng Lâm Trung Trại bất ngờ gặp một toán phụ nữ tỏ yá̊ cười nhạo người dân địa phương khóc than 9 anh hùng, ông Biện lý nói thẳng: "Người nước Nam bị bắn không biết xót thương lại còn đi coi và cười nhạo". Câu nói trên được các bô lão đánh giá là bất hủ vì đã làm thức tỉnh biết bao con tim đã lầm lạc trước đó.


Hà Nguyễn - Ngọc Lài


Bài cuối: Ngôi mộ chung của 9 hảo hán vẫn còn là bí ẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét