18 thg 1, 2019

Xóm lồng chim Tân Biên

Có một xóm làm lồng chim ngay trong lòng thành phố Biên Hòa, người ta hay gọi cái tên gần gũi là “Xóm lồng chim”. Ở đây, cả xóm làm lồng chim. Từ trẻ con lên 10 cho đến những cụ ông, cụ bà gần 80 tuổi đều tham gia làm lồng chim. Sản phẩm lồng chim của xóm đã có mặt ở thị trường trong và nước ngoài, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đó chính là xóm thuộc tổ 4, khu phố 10, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa. 



Theo lời kể của người dân trong xóm, nghề làm lồng chim có cách đây chừng hơn 20 năm trước. Khi đó, vùng này chỉ chuyên trồng táo và có khoảng 20 hộ sinh sống. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn nên một số người đàn ông trong xóm đã quyết định đi học thêm nghề gì đó để tranh thủ làm kiếm thêm tiền. Lúc đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng lồng chim ngày càng cao nên một số ít người trong làng đã lặn lội đi khắp nơi để học nghề và sau đó truyền lại cho mọi người. Rồi người này học truyền lại cho người kia, cha mẹ truyền nghề cho con cháu. Ngoài trực tiếp làm lồng chim, cũng có những hộ chuyên phân phối nguyên vật liệu, hoặc làm đầu mối thu mua lồng chim để phân phối đi các nơi. Thời gian đầu, chỉ có chừng hơn 20 hộ làm nghề này dần dần cả xóm có gần 200 cơ sở, hộ gia đình chuyên làm lồng chim. 


Ngày trước tất cả các công đoạn sản xuất lồng chim đều phải làm thủ công, trải qua nhiều công đoạn, như: vót nan, làm đáy, vành, ráp lồng… Nhưng điều kiện đầu tiên khi làm lồng chim là phải chuẩn về công đoạn vót nan. Vót nan trăm cái đều phải như một, vì người sành chơi chim sẽ có cách nhận biết lồng tốt, đạt tiêu chuẩn. Lồng chim phải đáp ứng được 3 tiêu chí: bền, sang và đẹp, nên đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, kỳ công. 


Ngày nay, các cơ sở, các hộ làm lồng chim đều đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, chứ không còn làm thủ công như trước. Máy móc được sử dụng vào hầu hết các công đoạn, kể cả chuốt tre để làm lồng. Nhờ có máy móc nên nâng suất lao động tăng, người thợ có nhiều thời gian hơn để trau chuốt, chạm trổ làm đẹp và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đáp ứng mọi nhu cầu tùy theo đơn đặt hàng. Từ hàng đại trà theo kiểu lồng chợ, giá rẻ cho người mới tập chơi với giá khoảng hơn 100.000 đồng/cái hay loại lồng chim cao cấp cẩn xà cừ, chạm trổ long phụng có giá đến cả chục triệu đồng đều có. Thu nhập tăng, cuộc sống của người dân xóm lồng chim ngày càng phát triển. 

Xóm lồng chim ngày nào giờ đông đúc hơn, xôm tụ, nhộn nhịp hơn, hòa cùng với nhịp sống hiện đại nơi thành phố công nghiệp. Người dần lành nghề, sản phẩm dần tinh sảo, nườm nượp được chuyển đi muôn nơi, qua tận nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nghề nào cũng có nỗi vất vả, nhưng đây chính là động lực cho người thợ, người nghệ nhân tâm huyết với nghề làm lồng chim.

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét