2 thg 10, 2024

Bánh lá liễu độc lạ của người Tiều ở Chợ Lớn

Với màu hồng bắt mắt, bánh lá liễu (hay bánh hồng đào) là món ăn truyền thống của người Triều Châu luôn có trong những dịp lễ, Tết.

Là chủ một sạp hàng nhỏ bán bánh lá liễu ở chợ Xóm Củi (Quận 8, TP HCM), anh Trịnh Triệu Tâm cho biết, gia đình đã theo nghề bánh lá liễu hàng chục năm nay.

“Bánh lá liễu còn có tên gọi khác là hồng đào, do bánh có màu sắc và hình dáng giống với quả đào tiên”, anh Tâm chia sẻ.

Bánh lá liễu có màu hồng rất đẹp mắt. Ảnh: Trịnh Triệu Tâm

Là món ăn truyền thống của người Triều Châu (Quảng Đông), bánh lá liễu rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Trong năm, người Tiều có rất nhiều ngày lễ. Dịp nào cũng có bánh lá liễu bởi món ăn này mang ý nghĩa cầu phúc, trường thọ.

Theo như anh Tâm chia sẻ, để ra được mỗi mẻ bánh lá liễu màu hồng đào tươi tắn, óng ánh phải trải qua nhiều công đoạn. Bánh lá liễu gồm hai phần chính là vỏ bánh và nhân. Phần vỏ bánh được làm từ bột nếp, trộn với nước sôi và chút dầu ăn để tạo độ dẻo, dai của bột. Sau khi cho lượng nước sôi vừa đủ, người thợ bắt tay vào công đoạn “nhồi nước” - vừa nhồi bột vừa cho nước. Khi nào bột đạt đến độ dẻo, mịn chuyển qua giai đoạn “nhồi khô” - vừa nhồi vừa cho bột khô.

Anh Tâm cho biết, phần nhân bánh lá liễu cầu kỳ không kém gì phần vỏ bánh, gồm xôi nếp, nấm đông cô, thịt ba chỉ, tôm khô, đậu phộng, tiêu, ngò rí. Các nguyên liệu như nấm đông cô, thịt ba chỉ, tôm khô sau khi được xào sơ qua sẽ trộn chung với xôi nếp để nguội.

Trong quá trình trộn nhân cho thêm đậu phộng, tiêu và gia vị. “Nhân bánh trộn càng đều, quện sẽ càng ngon”, anh Tâm nói.

Nhân bánh lá liễu được trộn với xôi nếp tạo độ thơm, dẻo. Ảnh: Trịnh Triệu Tâm

Đủ phần vỏ, nhân, người thợ sẽ bắt đầu công đoạn gói, tạo hình cho bánh từ chiếc khuôn chuyên dùng làm bánh lá liễu. Một cục bột nhỏ, thợ bánh dùng tay vừa xoay tròn vừa tán mỏng, bỏ vào lượng nhân vừa đủ để bột bọc kín được phần nhân. Sau đó, bỏ vào khuôn đã áo lớp bột mỏng, ấn chặt để bánh lên hình rõ nét.

Bánh lá liễu hấp khoảng 25 phút là chín, khi đó vỏ bánh có độ trong, lên màu hồng đào rất đẹp. Thưởng thức chiếc bánh lá liễu mới hấp xong, thực khách cảm nhận được độ mềm, dẻo, dai nhẹ của phần vỏ bánh. Phần nhân bánh có nếp rất thơm, đậm đà, dậy mùi tôm khô.

Bánh lá liễu khi ăn có thể chiên với trứng để tăng độ béo. Ảnh: Trịnh Triệu Tâm

Ngoài hấp, bánh lá liễu còn được nhiều người thích ăn kiểu chiên với lớp vỏ giòn giòn, dẻo dẻo. Nếu muốn thưởng thức món bánh lá liễu truyền thống, độc đáo của người Tiều, thực khách có thể ghé đến các hàng bánh lá liễu ở chợ xóm Củi, hay lò bánh Như Phát (Quận 11) có truyền thống làm bánh lá liễu 3 đời.

THẠCH LỰU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét