3 thg 10, 2024

Đặc sản măng khô đậm vị núi rừng Tây Bắc

Măng khô Tây Bắc từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là măng nứa.

Để có những miếng măng khô vàng óng đẹp mắt và thơm ngon, từ nguyên liệu măng rừng phải trải qua một quá trình chế biến rất công phu. Ảnh: Quang Đạt

Măng khô không chỉ là một loại thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, mà còn là đặc sản của núi rừng Tây Bắc và mang hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, người dân vùng cao Điện Biên thường vào rừng để thu hái măng nứa. Đây cũng được coi là nông sản và thường được bán ngay cho các cơ sở chế biến măng khô trên địa bàn sau khi thu hoạch.

Măng tươi được hái từ rừng về có giá bán 3.000-4.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Đạt

Anh Chá A Hạnh - bản Huổi Chan 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (Điện Biên), cho biết: “Măng ngon nhất là lúc mới nhú khỏi mặt đất khoảng 20-30 cm. Cảm giác dùng dao tách lớp vỏ ngoài để lộ ra phần thịt măng trắng nõn bên trong rất ngon”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với giá bán hiện tại khoảng hơn 3.000 đồng/kg măng tươi, một người dân mỗi ngày có thể hái được từ hái được 70 - 100 kg măng, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng.

Theo anh Thăng, để có măng luộc vàng đẹp là khi nồi nước sôi sùng sục mới cho măng vào. Ảnh: Quang Đạt

Anh Nguyễn Văn Thăng - chủ một cơ sở thu mua và chế biến măng khô ở bản Tin Tốc, xã Mường Pồn - cho rằng, bí quyết để có măng màu vàng đẹp là khi nồi nước sôi sùng sục mới cho măng vào. Sau khoảng 15 - 20 phút, vớt ra và để phơi khô khi măng vừa chín tới. Nếu luộc chín quá thì sẽ nát, còn luộc sống thì không đạt yêu cầu.

Để tạo điều kiện cho măng phơi khô nhanh và đều, anh Thăng thường dùng dao cắt dọc một bên củ măng. Với quy mô sản xuất hiện tại, cơ sở của anh Thăng thu mua khoảng 1 tấn măng tươi mỗi ngày để sản xuất măng khô.

Măng khô được phơi liên tục 3 - 4 ngày để cho ra thành phẩm.

Theo anh Thăng, quá trình chế biến măng khô khá công phu, đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trung bình, cần khoảng hơn 15kg măng tươi để tạo ra 1kg măng khô thành phẩm. Chính vì vậy, măng khô Tây Bắc luôn được bán với giá cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có loại lên tới 150.000/kg.

Để có những miếng măng khô vàng óng, thơm ngon, người làm phải trải qua một quá trình kỳ công. Dưới cái nắng gay gắt, những miến măng tươi được trải đều trên những tấm tôn lớn hoặc phên tre.

Để măng khô được vàng đẹp cần phải liên tục đảo mặt liên tục trong quá trình phơi, mỗi miếng măng là kết quả của sự chăm sóc kỹ lượng và liên tục. Nếu nắng to thì cũng phải phơi 3 - 4 ngày măng mới khô hẳn.

Măng khô đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình Việt.

Đặc sản măng khô là kết tinh hương vị của núi rừng, của nắng gió và bàn tay khéo léo của người dân vùng cao. Quá trình chế biến hoàn toàn thủ công, từ khâu sơ chế tỉ mỉ đến suốt quá trình phơi dưới nắng cho đến khi đạt tiêu chuẩn.

Một nồi canh măng khô Tây Bắc hầm với chân giò thơm ngon hay đĩa măng khô xào giòn sần sật đã trở nên quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào Tây Bắc và cả trên nhiều mâm cơm thịnh soạn tại các nhà hàng, khách sạn.

QUANG ĐẠT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét