15 thg 12, 2022

Tên đất Lồ Cồ


Thật may mắn là tôi được biết tên ấp này từ sớm, khoảng 15 năm trước. Đầu tiên là nhờ bài thơ ấp Lồ Cồ của cố thi sĩ Cảnh Trà. Đấy là: “Không có đèo/Tên ấp nghe như tiếng vó ngựa trời chiều/ Bước thấp/ Bước cao/ Lật đật/ Trèo leo/ Trồi sụt/ Ấp Lồ Cồ nằm bên dòng Vàm Cỏ Đồng xanh mát/ Có bến sông và cô gái chèo đò...". Vài năm sau nữa, tôi lại có dịp đi cùng cán bộ biên phòng khảo sát tuyến sông biên giới, từ Phước Vinh lên Lò Gò - Xa Mát. Ghe máy xuất phát từ bến Phước Trung, nơi có trạm chốt của đồn Vàm Trảng Trâu. Khi tới vàm rạch Trảng Châu (ngã ba sông), các anh chỉ cho khoảng gò có cây cao vút mé bên hữu ngạn, bảo: - Bên kia là ấp Lồ Cồ.


Vậy mà cũng phải tới năm 2020, khi đã có cầu Phước Trung sừng sững vắt ngang đôi bờ Vàm Cỏ thì tôi mới lần đầu đặt chân lên đất Lồ Cồ. Chính tại nơi có gò cao rợp bóng cây dầu ấy có trụ cột mốc thứ ba - cột số 134 (3). Tại ngã ba biên giới này có đến 3 cột mốc đều mang số 134: một ở ấp Phước Trung, hai ở bên đất bạn, còn cột mốc số 3 nằm ở mỏm cái, nơi từng là Trảng Châu (nay gọi Trảng Trâu) thuộc ấp Lồ Cồ ngày xưa, hay Tân Định ngày nay.

Hôm 17.10.2022, Báo Tây Ninh có bài "Vàm Trảng Trâu mùa nước nổi”. Hẳn là có chuyện gì đầy liên quan đến ấp Lồ Cồ (à quên, ấp Tân Định). Bài viết có đoạn: “Gần một tháng qua, khu vực cầu Phước Trung, nằm trên địa bàn xã Phước Vinh của huyện Châu Thành, thuộc ngã ba sông Vàm Cỏ, mưa xuống là nước từ hai nhánh bên Campuchia đổ về, nhận chìm cả ruộng đồng, khiến cho vùng biên này giờ chỉ toàn một màu trắng xóa.

Đọc xong bài báo ấy, tôi lên Lồ Cồ!

Quả nhiên, sau khoảng 2 cây số xuyên rừng trên đường tuần tra biên giới thì đã thấy không gian trắng xoá những trời, nước mông mênh mở ra trước mặt. Điểm nhấn sáng ngời là cây cầu trắng bắc qua đoạn hợp lưu giữa 2 sông Cái Cậy và Cái Bắc. Cái Cậy thì chạy theo biên giới giữa ấp Tân Định và nước bạn vài ba cây số nữa mới chạy thẳng vào đất bạn. Còn Cái Bắc, từ đây cũng là dòng sông biên giới Campuchia, bên này là hai huyện Châu Thành và Tân Biên. Đấy cũng là dòng sông đưa ta đến giữa Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.


Không gian bên này cầu trắng xoá, mênh mông chỉ còn lại con đường tuần tra nổi lên giữa nước. Và, cao lênh khênh là những trụ đèn năng lượng mặt trời do các bạn đoàn viên lắp đặt. Từ trên đỉnh cầu, ngoái lại đã thấy căn nhà màu xanh biển của trạm chốt biên phòng cũng dầm chân trong nước. Trạm mới được lập hồi cả nước chống dịch Covid- 19.

Lên đến đỉnh cầu, mới thấy thật là mênh mông mùa lũ. Nhìn về phía hạ lưu không còn biết đâu là bến, là bờ, ruộng hay sông. Chỉ nhận ra đứt đoạn bờ sông nhờ những chòm, khóm cây cao lặng mình soi bóng nước. Xa xa là những cụm vườn cao su màu xám đậm nổi lên như những con tàu lênh đênh trên mặt nước bao la. Tôi nhấn ga để sang Lồ Cồ! Một mình giữa con đường vẫn kiêu hãnh nổi cao giữa hai bên nước bạc. Sau hơn 2 năm, con đường vẫn tốt, bất chấp nắng mưa hay lũ lụt. Bởi con đường cao hơn mặt nước gần 2 mét. Chẳng bao lâu sau lại gặp một cây cầu bê tông cốt thép. Đọc bảng tên thấy là cầu Tân Định 1. Mặt cầu rộng 6,5 m và chiều dài tới 66 m, nào có ít đâu. Nghĩa là cầu rộng hơn cả mặt đường, và chiều dài thì đúng bằng cây Cầu Quan ở TP. Tây Ninh. Cầu bắc qua rạch cầu Đương. Từ đỉnh cầu đã không nhận ra con rạch nữa, bởi nước sông cũng tràn bờ. Rạch và sông đã hoà làm một, chỉ còn nổi lên mấy bụi cây xơ xác vật vờ. Vậy mà chưa hết. Đi thêm khoảng cấy số nữa lại gặp cầu Tân Định 2, có chiều dài 30 m. Cũng là cầu bê tông cốt thép, nhưng không vồng lên cao như 2 cây cầu trước, mà mặt cầu ngang với mặt đường. Không gian cũng bớt cô quạnh hơn, là bởi đã thấy nhiều mảng xanh của rừng tràm, cao su sừng sững ngay trước mắt.


Vậy là trong khoảng 3 km trên đất Tân Định (Lồ Cồ) dã có tới 3 cây cầu bê tông cốt thép trên tuyến đường Tuần tra biên giới. Từ đầu cầu Tân Định 2 có cột cây số ghi: Tân Long 11 km. Nghĩa là còn 11 cây số nữa mới tới ấp Ba Tràm xưa, có cùng thời với Lồ Cồ, nay đã đổi sang tên mới Tân Long. Ba cây số đường nhựa đá, với 3 cây cầu mà chỉ thỉnh thoảng mới có một xe máy lướt qua. Giữa mênh mông bao la trời nước, chỉ một chiếc ghe máy đang băng qua bờ ruộng để trườn qua gầm cầu Tân Định 2, đến một khoảng ruộng đẹp mê hồn nở đầy bông súng trắng. Đấy là một người đi giăng lưới cá.


Lần đầu tiên tôi được đặt chân lên ấp Tân Định, còn gọi Lồ Cồ thuở trước. Xóm dân cư ấy hơi biệt lập, nằm ở “bên dòng sông Vàm Cỏ Đông xanh mát” trong thơ Cảnh Trà. Nhưng đường đi tới đã không còn “Bước thấp/ bước cao/ Lật đật/ Trèo leo/ Trồi sụt..” như hồi nào nhà thơ từng đến và đi qua đây nữa. Từ một ngã ba trạm chốt biên phòng trên tuyến đường tuần tra, có lối rẽ trái vào ấp đường êm mịn bê tông mặt nhựa. Có cả cánh đồng mía của Công ty Thành Thành Công đã tiến sát khu dân cư của ấp. Nhưng vào mùa nước nổi, nước giăng tứ bề nên trông giống một cù lao. Vậy mà đi vào trong, vẫn thấy cảnh tượng như mọi làng quê khác trên đất Tây Ninh. Nghĩa là nhà liền nhà. Tường xây cột hiên, mái tôn trong những vuông vườn sum suê bóng cây dừa, xoài hay me, mít. Điện lưới giăng giăng. Trên nóc nhà Ban Quản lý ấp bên cạnh Phòng khám Quân - dân y kết hợp của đồn biên phòng có cả trụ loa. Tôi dừng trước một tiệm tạp hoá hỏi thăm. Bà chủ quán bảo mọi người ở đây ai cũng gọi ấp Lồ Cồ. Cái tên Tân Định, dù đã mang hơn 20 năm mà chưa quen được.

Bài và ảnh: Trần Vũ - Thiết kế: Ngọc Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét