16 thg 12, 2022

Tuệ thông trang tĩnh

Theo sử cũ, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai nổ ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284). Lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, vua Nguyên Hốt Tất Liệt cử Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương cùng Bình Chương A Lý Hải Nha dẫn 50 vạn quân chia đường vào Đại Việt.

Cụm di tích đền, đình, chùa Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, nơi thờ tướng Yết Kiêu cùng quân tướng nhà Trần thế kỷ XIII.

Ngày 26, quân tiên phong của Nguyên Mông tiến công các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lương, Chi Lăng. Quân Đại Việt gặp bất lợi, đành lui về Vạn Kiếp. Vua Trần thân ra Hải Đông kiểm tra chiến sự, gian nan đến mức “phải ăn cơm gạo xấu”. Đại Việt sử ký toàn thư ghi, quân Đại Việt chuyển về phía Nam. Các trận đánh, mở đầu ngày 6 tháng 1 năm Ất Dậu (1285) ở Kiếp Bạc, tiếp đó ở Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, quân ta vẫn gặp bất lợi vừa đánh vừa lui để 20 vạn quân kịp đến Long Hưng, Thiên Trường, An Tiêm, Kiến Xương và lộ Khoái. Đất 3 phủ ít nhất được đón hàng chục vạn quân chủ lực và hàng vạn quân địa phương. Những ngày ấy, nhà nhà đều dành cho quân ở, đình trạm, chùa, miếu đều thành điểm trú quân, hội tướng. Các bô lão ở Kiến Xương, Long Hưng, An Tiêm truyền lời thề “Quyết đánh” tại điện Diên Hồng đến tất cả con em. Gian nan nhưng phụ nữ 3 lộ trên đều trở thành người nuôi quân giỏi, mỗi hoàng đinh là một chiến binh.

Thời điểm đất nước lâm nguy trước sự tấn công của ngoại bang, tương truyền làng Kiến Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) có bà mẹ yếm đỏ có tài bơi lội hàng giờ dưới sông. Yết Kiêu - một tướng tài của nhà Trần về đóng quân ở bến Bồng Tiên, bà vào tận quân doanh hướng dẫn con nước, hình sông, thế đất từng làng. Yết Kiêu kính trọng nhận làm mẹ. Do bà lập nhiều chiến công, sau vua Trần cho lập đền thờ ở làng Kiến Xá. Sử cũ chép, trước sự tiến công ồ ạt của giặc Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương vâng lệnh triều đình “điều động quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điển, chọn người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam”. “Hưng Vũ, Hưng Nghiễn, Hưng Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc xuất 20 vạn quân các xã Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, An Sinh, Song Nhãn đến Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống giặc Nguyên Mông. Bị sức ép từ 2 mặt, vua Trần sai củng cố phòng tuyến từ Đà Mạc đến Hải Thị (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) để cản quân Thoát Hoan, xây dựng căn cứ tử thủ ở ven sông Hóa. Thợ rèn An Tiêm, Cao Dương, A Sào được lệnh rèn xích sắt để giăng ngang các dòng sông, cửa biển. Tướng họ Đào từ Hòe Thị (xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ) được lệnh chở xích ngăn dòng hạ lưu Lục Đầu giang. Câu đối miếu Hòe Thị còn ghi: Thiết võng tỵ Lục Đầu giang hạ đại phá Nguyên binh. Tạm dịch: “Lưới thép giăng hạ lưu cửa Lục Đầu, dẹp tan giặc Thát”. Dân 3 phủ Khoái (Hưng Yên), Long Hưng, Thiên Trường dàn trận từ Đà Mạc xuống Hải Thị. Tháng 2/1285, giặc Nguyên Mông đánh Đà Mạc, quân Đại Việt bị thua, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng bị bắt. Vua tạm lánh ra Hải Đông. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Ngày 1 tháng 3 (âm lịch), Thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông bỏ thuyền đi bộ lên xã Thủy Chú, tắt đường ra cửa Nam Triệu. Sai quân dùng thuyền ngự chạy ra Ngọc Sơn (Vạn Ninh, Quảng Ninh) để đánh lừa giặc, vua dùng thuyền nhỏ vượt biển Đại Bàng chạy vào Thanh Hóa”. Theo “Phả ký Lưu Đồn” (Tài liệu mới sưu tầm được tại xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) thì Thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã về “hành cung dã ngoại Lưu Đồn”. Phò tá bên vua lúc này có Hưng Đạo Vương. Đạo quân của Dương tướng quân, Nguyễn tướng quân, Bùi tướng quân từ Long Thành về và dân binh của Long Hưng, Thiên Trường. “Phả ký Lưu Đồn” ghi: Đời Trần ba lần quân Nguyên xâm lược nước ta. Cảnh đất nước diễn ra chiến tranh khói lửa... Nhân dân sống điêu đứng ly biệt... vua Trần quyết kế đánh giặc giữ nước. Ba tướng công của ba họ Bùi, Nguyễn, Dương (ba tướng là Thái úy Bùi Công Bình phụ trách quân, Thái úy Nguyễn Liêu Công trưởng binh Long Thành, Thái úy Dương Mãnh Đại phó binh Long Thành đồn điền sứ) gốc ở Thanh Hóa, nhà nghèo, người hiền tài ra làm tướng ở thành Thăng Long. Gặp thời loạn, giặc Nguyên xâm lược, ba tướng được cử về lập cung Trần vương dã ngoại Lưu Đồn. Cung được dựng trên đảo Phượng Hoàng thường gọi là động Tam Khê. Cung được dựng chỉ trong một tuần (Nhất tuần kiến lập cung đình). Sử thi Lưu Đồn còn có bài vè: “Chồng đống giữ động Tam Khê/Vua đi cửa Bắc, vua về cửa Nam” và được cắt nghĩa: Chất quân (chồng đống) bảo vệ hành cung Tam Khê. Vua ra đi từ cửa Bắc (theo sông Thái Bình, rẽ sang Thủy Nguyên là lên phía Bắc, khi về vua đi theo cửa Đại Toàn (Diêm Điền) để lên Lưu Đồn). Vậy vua về cửa Nam là đúng. Tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm trong “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII” viết: Việc Trần Quốc Tuấn đem quân trở lại Vạn Kiếp chứng tỏ rằng Thoát Hoan không kiểm soát được các phủ lộ phía Đông như Long Hưng (Thái Bình), Hồng (Nam Hải Dương)...

Vạn hộ Lưu Thế Anh được Thoát Hoan tin dùng, cử làm tướng tiền phương chốt ở mũi nhọn Long Hưng. Nhân chiếm được cung Lỗ Giang (nơi Khâm từ Thái hậu và Tuyên từ Thái hậu cho xây), y lợi dụng nền móng đồn cũ của công chúa Ngọc Hoa cho dựng đồn ở đó. Đại doanh thì ở trong cung, thủy quân cho dàn từ ngã ba cửa Vường đến Phạm Lỗ. Bộ binh cho hạ trại ở Đồng Lỗ, bấy giờ nơi ấy bị coi là đất giặc, vỏ cứng của phòng tuyến Thăng Long, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết. Giặc co cụm lại, biết là chúng gặp khó khăn, quân ta từ phòng ngự chuyển sang phản công. Chớp thời cơ cánh quân Toa Đô còn bị Trần Quang Khải vây ở Hoan Diễn, Thoát Hoan tiến thoái lưỡng nan, ngay đầu tháng 4 năm ấy Hưng Đạo Vương cho quân thủy của Yết Kiêu từ Kiến Xương tiến lên, bộ binh của Phạm Ngũ Lão từ A Côi theo sông Luộc tiến về, mật lệnh cho dân binh Ngự Thiên, Diên Hà phối hợp tiến công giặc chỉ trong một ngày 2.000 quân của Lưu Thế Anh bị giết sạch. Quân ta giải phóng đồn A Lỗ, giành lại được Long Hưng, làm chủ cả vùng Hoàng Giang, Nam Đạo. Thừa thắng trận mở màn A Lỗ, cùng tháng 4 năm ấy, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đánh chiếm được đồn Tây Kết. Tháng 5 ngày 3 hai vua đánh bại giặc ở phủ Trường Yên, vài ngày sau Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Trần Công Nguyên kết hợp đánh bại giặc ở Chương Dương. Thoát Hoan đại bại phải cùng Bình Chương Ao Lỗ Xích rút chạy qua sông Lô.

Theo khảo cứu, Hưng Đạo Vương đã từ An Tiêm tiến về Vạn Kiếp theo sông Thái Bình, trùng hợp với ghi chép trong “Phả ký Lưu Đồn”. Tại cung Trần vương Lưu Đồn ở vùng hạ lưu sông Hóa, vua Trần và Hưng Đạo Vương đã ban nhiều chỉ lệnh cho các phủ lộ, tướng lĩnh cùng phối hợp tác chiến, chờ thời cơ tổng phản công. Sau trận Đà Mạc, quân ta tạm bỏ các đồn ven sông. Thoát Hoan vào được Long Hưng, Thiên Trường, Trường Yên (Ninh Bình). Tháng 3 bị đánh bất ngờ ở Trường Yên, giặc chết không kể xiết. Tình thế buộc Thoát Hoan phải co lực lượng về tả ngạn sông Hồng. Từ Lào Cai đến Bắc Long Hưng, giặc gắng dựng phòng tuyến thép, cứ 30 dặm cho lập 1 đồn binh, 15 dặm cho đặt một trạm ngựa để thông tin và liên kết, phối hợp tác chiến.

Quang Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét