14 thg 12, 2022

Hang Mắt Rồng bên bờ sông Mã

Hang Mắt Rồng nằm trên đỉnh núi hình con Rồng, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, xung quanh có nhiều cảnh đẹp.


Hang Mắt Rồng hay còn có tên gọi khác là động Long Quang nằm ở phần mõm núi nhô ra ở bờ nam sông Mã, sát chân cầu Hàm Rồng (phường Hàm Rồng). Khi đứng trên hang Mắt Rồng, du khách có thể quan sát toàn cảnh thành phố Thanh Hoá và dòng sông Mã.

Theo truyền thuyết, cả dãy núi Hàm Rồng được coi là hiện thân của một con rồng chín khúc uốn lượn ở hạ lưu sông Mã. Đầu rồng chính là vị trí động Long Quang, lưng rồng là các dãy núi liên tiếp như đồi C4, đồi Rada, khu Văn Chỉ, đồi Con Công, còn đuôi rồng nằm ở cuối làng cổ Đông Sơn.

Hang nằm ở lưng chừng núi, cách quốc lộ 1A cũ khoảng 200 m.

Hang Mắt Rồng dài khoảng 30 m, vị trí rộng nhất khoảng 5 m, chiều cao hơn 10 m. Để lên đến cửa hang, du khách phải băng qua vạt rừng nhỏ với con đường uốn lượn ven sườn núi Rồng.

Cái tên hang Mắt Rồng xuất phát từ hai cửa hang sâu và thông nhau, trông giống như hai con mắt đang nhìn về hai hướng. Con mắt phải hướng về phía tây nam, trước là Hạc Thành, nay là thành phố Thanh Hóa. Mắt trái hướng về phía đông bắc - vùng đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh. Ở đây quanh năm không khí mát mẻ. Vào mùa hè, địa điểm này thường thu hút rất đông người đến vãn cảnh, tránh nóng.

Giữa lòng hang có đoạn khá hẹp, chỉ vừa cho hai người lách qua.

Do nằm sát bờ sông lại có cảnh trí hữu tình nên từ xa xưa, hang đã là nơi du ngoạn, thưởng lãm của nhiều tao nhân mặc khách như Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sỹ, Phan Huy Ích…

Theo ban quản lý khu di tích, trên vòm hang có nhiều bia ma nhai (bia khắc trực tiếp trên vách đá) chữ Hán trong đó nổi bật nhất là bài thơ của Thiên Nam Động Chủ - Lê Thánh Tông. Tấm bia được tạc năm 1478 ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng của của động Long Quang cũng như vùng đất Hàm Rồng.

Bên cạnh là hai bài thơ của vua Lê Hiến Tông khắc năm 1501.

Do lòng hang rộng có thể chứa cùng lúc cả trăm người nên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Mắt Rồng được chọn là nơi đóng quân của Phân đội 3 Công an vũ trang Thanh Hóa (nay là Bộ đội Biên phòng), cũng là nơi sơ cứu của các chiến sỹ bị thương khi làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng trước các cuộc oanh tạc của không quân Mỹ.

Năm 1975, động Long Quang được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng và danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm địa điểm này thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hoá lịch sử. Hang Mắt Rồng gắn liền với những chiến thắng và sự hy sinh của quân dân Thanh Hoá trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ở đây còn có một huyệt đạo thiêng nên thường có nhiều người đến dâng hương cầu an, đặc biệt là các dịp lễ Tết.

Lê Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét