16 thg 12, 2022

Danh điềm dụng xỉ

Các tài liệu khảo cứu khẳng định, thời Lý - Trần (từ năm 1010 đến năm 1400), chế độ ruộng đất phân hạng thành 4 tầng lớp: Hoàng tộc, quan lại triều đình, thứ dân và nô tỳ. Đứng đầu là “đẳng cấp” hoàng tộc (tôn thất) có vị trí đặc quyền, đặc lợi, xuất hiện thời nhà Lý (1010 - 1225), hưởng thuế các lộ, có thang mộc ấp (ruộng đất canh tác như trang trại) và có gia nô (người ở làm thuê không công). Thời nhà Trần (1226 - 1400), đẳng cấp này vẫn duy trì nhưng có điền trang đại sở hữu tư hữu đồng thời hưởng lộc triều đình...

Cùng với sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý..., dòng Diêm Hộ cũng là nguồn nước ngọt dồi dào không chỉ cung cấp nước cho canh tác nông nghiệp mà còn là phòng tuyến quân sự của các triều đại phong kiến.

Tổng quan theo tài liệu khảo cứu, nền kinh tế thời Lý - Trần đã có bước phát triển vượt bậc so với thời kỳ Lạc Việt và tiền Đại Việt (thế kỷ VIII - IX), ruộng đất canh tác đã sử dụng sức trâu, bò cày, kéo với sự khéo léo của con người trong việc chống chọi với thiên tai, lũ bão, đất đai không còn gọi là Lạc Điền. Thái Bình thời Lý - Trần, ruộng đất của 3 lộ: Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương đều tập trung trong tay hoàng tộc, nơi đây được coi là hậu phương vững chắc của triều đình, cung cấp sức người, sức của, lương thảo cho triều đình cả thời bình và thời chiến. Kết quả điền dã, huyện Hưng Hà có 14 xá: An Xá (An Đồng), Bùi Xá (Tân Lễ), Bùi Xá (Duyên Hải), Bùi Xá (Hòa Tiến), Bùi Xá (Tân Hòa), Đặng Xá, Mỹ Xá (thị trấn Hưng Nhân), Dương Xá, Lê Xá (Tiến Đức), Hà Xá (Tân Lễ), Lưu Xá (Canh Tân), Tạ Xá (Bắc Sơn), Phạm Xá (Độc Lập), Trần Xá (Văn Cẩm), trong đó dấu tích về đẳng cấp thụ hưởng ruộng đất còn lưu lại các làng như Lưu Xá (Canh Tân) là điền trang, thái ấp của Nhị vị Thái phó Lưu Khánh Đàm, Lưu Ba thời nhà Lý; Dương Xá, Lê Xá (Tiến Đức) là điền trang, thái ấp và là nơi huấn luyện đội quân “Tinh Cương” của tướng Trần Nhật Hạo thời nhà Trần… Huyện Quỳnh Phụ đếm được 17 xã có điền trang, thái ấp của quan lại triều đình thời Lý - Trần như: Đào Xá (An Đồng), Trần Xá (Quỳnh Trang), Cầu Xá, Đoàn Xá (Quỳnh Hải), Đông Xá (Quỳnh Hội), Đồn Xá (Quỳnh Hải), Lê Xá (Quỳnh Hải), Lý Xá (An Bài), Mai Xá (An Quý), Mỹ Xá (An Hiệp), Phong Xá (An Bài), Vũ Xá (An Đồng), Nguyên Xá (An Hiệp), Nguyễn Xá (Quỳnh Hội), Nguyễn Xá (Quỳnh Hoàng), Hoàng Xá, Mỹ Xá (Quỳnh Châu). Các huyện khác trên dưới 10 làng.

Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ triều đình Lý - Trần đặt chế độ ruộng đất theo đẳng cấp trước hết vì tính cấp bách của tình thế chiến tranh chống ngoại xâm, thời nhà Trần, lúc “nhàn” quân, triều đình bổ dụng quân lính về các làng quê vừa thâm canh lúa nước, tạo nguồn lương thảo khi có chiến sự vừa bớt gánh nặng nuôi quân mà thuật ngữ gọi là chính sách “ngụ binh ư nông”. Lịch sử đã chứng minh, nhờ chính sách “ngụ binh ư nông” mà nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông.

Nguồn sử liệu cho thấy, tháng 6/1285, các vua Trần quyết định lấy thêm lực lượng ở Long Hưng, Kiến Xương đồng thời bổ sung thêm lương thảo rồi từ Long Hưng ngược dòng sông Hồng tiến đánh quân Nguyên Mông. Thế nước Đại Việt trở lại hùng mạnh, đẩy quân giặc lâm vào bị động, túng quẫn. Sử cũ ghi: Tổng quản Trương Hiển ở Đại Mang phải hạ giáo đầu hàng. Quân giặc ở Tây Kết cũng “hồn bay, phách lạc”. Các cánh quân của nhà Trần tập hợp lại với nhau tạo nên một sức mạnh như thế chẻ tre khiến quân Nguyên Mông tan tác trên khắp các chiến trường. Chiến thắng này là niềm động viên lớn lao quân dân nhà Trần thừa thắng xông lên tiêu diệt quân thù, giữ vững non sông Đại Việt. Điều không thể phủ nhận được chính là thế trận lòng dân của nhà Trần mà người dân Long Hưng thực hiện rất thành công, đem lại chiến công vang dội. Một căn cứ địa vững chắc, một thế trận lợi hại phòng tuyến chống quân xâm lược phương Bắc của Đại Việt, điều này đã giúp cho tướng soái quân sự lỗi lạc nhà Trần vạch ra kế sách đánh giặc chủ động, táo bạo và độc đáo. Nhân dân các lộ đông - nam (Long Hưng - Kiến Xương) thêm niềm tin vào sức mạnh quân triều đình, cùng trăm họ hết lòng giúp vương tộc nhà Trần liên tiếp chiến thắng quân thù. Tiếng gươm của những con người chân đất, áo vải xông lên chiến đấu giữ từng tấc đất ông cha chưa ngừng khua thì quân dân nhà Trần nhận được tin mật báo quân Nguyên Mông lại chuẩn bị tiến công Đại Việt. Trước nguy cơ chiến tranh tới gần, vua Trần Nhân Tông liền cho thiết triều khẩn cấp. Sử cũ ghi rằng: “Vào tháng 6 sai các vương hầu tôn thất mộ binh và nắm vững quân thuộc hạ của mình”. Chính sử ghi: Trong một cuộc thiết triều, vua đã hỏi Trần Hưng Đạo: “Thế giặc năm nay thế nào?”. Trần Hưng Đạo trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh. Nhờ uy binh của tổ tông và thần vũ của bệ hạ mà đã quét sạch được rợ Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân nó thì ngại việc đi xa. Vả lại, nó đã cạch về sự thất bại của Hằng và Quán, nên quân Nguyên không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem, thì tất đánh tan được chúng”. Bằng cái nhìn chiến lược về cuộc chiến cùng với chế độ ưu đãi ruộng đất “danh điền” với nông dân, vua tôi nhà Trần thấy toát lên một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng phòng thủ, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân dân Đại Việt với sự lãnh đạo sáng suốt của các vị vua Trần trong đó có vua Trần Nhân Tông. Một lần nữa, vua Trần Nhân Tông “sai Hưng Đạo Vương tổng đốc các vương hầu quân tôn thất điều động quân đội và chế tạo khí giới thuyền bè. Đến tháng 10 cho kiểm điểm và luyện tập các quân đã điều động”. Đại Việt đã ráo riết chuẩn bị phương tiện, nhân lực và khí tài để chiến đấu bảo vệ non sông với niềm tự tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng. Năm Đinh Hợi (1287) vừa qua đi, niềm tin tất thắng được củng cố bền vững hơn. Sử cũ ghi: “tháng 2,(...) có quan chấp chính xin tuyển người mạnh khỏe làm lính để tăng số quân. Hưng Đạo Vương đã không đồng ý, ngài tâu với vua Trần rằng: “Quân cần tinh, không cần nhiều. Dù nhiều đến như Bồ Kiên có 100 vạn quân, có làm gì được đâu?”. Vua Trần nghe vậy không đôn quân bắt lính, nhà vua còn “đại xá cho thiên hạ”, thể hiện chính sách ổn định lòng dân. Đợt đại xá lần này cách đợt trước chưa đầy nửa năm. Nhà vua yêu cầu thuộc hạ khẩn trương thực hiện, bởi trong lúc vận nước nguy nan, giặc ngoài rình rập thì việc đại xá thiên hạ thể hiện tính nhân đạo của triều đình nhà Trần và thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhà vua với muôn dân. Sử cũ cũng ghi: Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh 1285, vua Trần Nhân Tông răn dạy muôn dân Đại Việt rằng: “Phàm các quận huyện trong nước, nếu như có giặc ngoài đến thì phải tử chiến. Hoặc nếu sức yếu, địch không lại thì cho phép trốn vào trong núi đầm. Không được đầu hàng”. Với sự chuẩn bị về tinh thần lẫn vật chất như vậy, quân dân Đại Việt sẵn sàng đón nhận các cuộc chiến đấu ác liệt nhằm bảo vệ non sông gấm vóc của mình.

Sử cũ chép về đẳng cấp danh điền thời Trần, năm 1397 có ghi: “Đại vương, trưởng công chúa điền vô hạn dĩ chí thứ nhân điền thập mẫu”, nghĩa là bậc đại vương (vương hầu trong triều đình) hoặc trưởng công chúa thì số ruộng đất vô hạn, thứ nhân thì không được quá 10 mẫu ruộng đất. Điều này được hiểu là thứ dân cũng được hưởng chế độ đãi ngộ ruộng đất của triều đình như các bậc vương hầu, tuy nhiên mỗi người dân (thường dân hay còn gọi là thứ nhân) được sử dụng không quá 10 mẫu ruộng/người. Trước đó, vào năm 1242, triều đình nhà Trần làm “hộ khẩu đơn số” trong đó quy định: Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có thì miễn cả. Có 1 - 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền; 3 - 4 mẫu ruộng thì nộp 2 quan tiền; từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền…

Quang Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét