5 thg 12, 2022

Làng cổ Đường Lâm giữa những “giằng co” đô thị hóa

Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội là ngôi làng cổ “độc nhất vô nhị” ở miền Bắc với những hình ảnh thân thuộc rất đỗi đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, đồng thời là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và từng thu hút đông đảo du khách.

Dù cơ quan quản lý đã nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, song lượng khách đến với làng cổ Đường Lâm vẫn chưa phục hồi sau dịch. Và không dừng lại ở đó, đang có những giằng co giữa phát triển với bảo tồn.

Chiều cuối tuần, cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm náo nhiệt dòng xe đưa khách đến và đi. Nhưng vào sâu trong làng, không khí trầm lặng bao trùm, với chỉ đôi ba chục du khách lác đác trên những con đường dẫn vào nhà cổ.

Ảnh: Internet

Chị Hoàng Thị Lan Hương, một khách du lịch đến từ quận Hoàng Mai, hài lòng với chuyến đi nhưng có một chút nuối tiếc vì làng cổ không “cổ” như tưởng tượng:

"Xem TikTok thì thấy các bạn review làng cổ Đường Lâm rất đẹp. Quãng đường khá xa, nhưng đến đây khung cảnh tạo cho bọn em cảm giác rất là yên bình. Bên cạnh những ngôi nhà cổ và hoang sơ như ngày xưa, thì cũng có những ngôi nhà rất hiện đại, nó làm giảm một phần cảm nhận của du khách. Mong rằng những nét đẹp cổ vẫn sẽ được giữ lại".

Người thành phố có thể thích sự tĩnh lặng, nhưng với người dân địa phương làm dịch vụ du lịch, sôi động mới là niềm vui, mới mang đến thu nhập.

Ông Hà Hữu Thể, chủ nhân ngôi nhà cổ gần 400 năm, chủ cơ sở sản xuất tương truyền thống lâu đời, thở dài vì khách vắng hơn hẳn so với trước dịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Cả làng hiện chỉ còn chưa đầy chục nhà cổ còn duy trì đón khách:

"Khai thác một số nghề truyền thống để lấy công ăn việc làm và một chút quà quê cho khách, phải có việc làm thì du lịch mới sống được. Ban quản lý bán vé dù nhiều hay ít cũng hỗ trợ được 350.000 đồng/tháng, tính ra mỗi ngày hơn chục nghìn.

Quỹ thời gian từ sáng đến tối, vệ sinh nhà cửa, quạt mát, nước,… tất cả kinh phí gia đình phải bỏ ra. Nhà nào không có nghề phụ thì họ đóng cửa, đi tìm nghề khác kiếm sống".

Những năm qua, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để du khách tham quan và trải nghiệm cuộc sống nông thôn, gắn liền với những nét văn hóa, phong tục truyền thống, nổi bật như các chương trình: Mùa thu làng cổ, Tết làng Việt, Truy tìm kho báu,…

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết, làng cổ Đường Lâm đã đón tiếp hơn 60.000 khách trong hơn 8 tháng qua, bằng 50% so với thời điểm trước dịch. Lượng khách bắt đầu tăng mạnh trong 3 tháng gần đây:

"Chúng tôi cũng tổ chức triển khai các sản phẩm du lịch khác gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nghề truyền thống như làm kẹo, làm tương, các trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống, được du khách rất chào đón.

Chúng tôi cũng tập trung công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Đường Lâm, cảnh quan môi trường, cũng như phát triển một số loại hình, cơ sở hạ tầng mới, công tác tuyên truyền, quảng bá".

Tuy nhiên, nếu du khách ghé chơi vào thời điểm không có sự kiện hay lễ hội, thì khó kiếm trải nghiệm nào khác việc chụp ảnh và mua một chút quà quê. Chưa kể, việc tìm địa chỉ nhà cổ khá khó khăn khi thiếu hệ thống biển báo, bản đồ chỉ dẫn.

Làng cổ Đường Lâm vốn nổi tiếng với những bức tường xây bằng đất, đá ong, mái ngói gạch nung, nhưng đến nay, nét cổ kính đang dần mất đi. Những ngôi nhà cổ lạc lõng giữa “vòng vây” của nhà cao tầng hiện đại.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, làng cổ Đường Lâm và nhiều địa điểm du lịch nông thôn khác chưa được khai thác hết thế mạnh, dù tiềm năng là rất lớn, nên cần nhiều tâm huyết hơn nữa của cả cơ quan quản lý du lịch và nông thôn:

"Cốt lõi của du lịch nông thôn là sản phẩm du lịch. Vai trò của cơ quan quản lý, tìm nguồn kinh phí để tạo cơ hội cho mọi người giữ gìn văn hóa cổ của mình. Người dân phải thấy lợi ích thì người ta sẽ hưởng ứng một cách tự nguyện hơn.

Du lịch nông thôn mang tính chất cộng đồng, phải có người đứng ra tổ chức cái tổng thể. Điểm tiếp theo là cần những doanh nghiệp hiểu biết về du lịch nông thôn để hỗ trợ địa phương xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá, đưa khách đến".

Minh Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét