11 thg 10, 2021

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

a. Dạng núi

Đứng trên góc độ địa hình, có thể chia đồi núi An Giang thành 2 dạng chính:

- Dạng núi cao và dốc

Núi cao và dốc được hình thành trong các thời kỳ tạo sơn mãnh liệt. Do đó hình dạng của chúng thường là cao, có độ dốc lớn trên 25°, các thành tạo có nguồn gốc Magma là chính, phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạo lập khác nhau (đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta). Do núi có độ cao và độ dốc lớn nên tạo điều kiện cho nước mưa tập trung nhanh dồn vào các khe rãnh rồi chảy xuống chân núi với tốc độ ngày càng gia tăng, hình thành các trận lũ quét. Dưới tác động của dòng chảy đó, dần dần các khe rãnh bị đào khoét sâu, mở rộng và kéo dài từ đỉnh núi cao chạy ngoằn ngoèo xuống chân núi và đổ nước vào các cánh đồng nghiêng ven núi. Theo kết quả nghiên cứu của ngành địa chất thì ở An Giang, phần nhiều các núi lớn có độ dốc và độ cao vượt trội như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài .... đều thuộc dạng này.

- Dạng núi thấp và thoải

Núi thấp và thoải được hình thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào có tuổi Trias và Creta nên có độ dốc nhỏ dưới 15°, độ cao thấp và ít khe suối, thậm chí một số núi có lớp thành tạo bề mặt phần lớn là đất. Ở An Giang, phần lớn các núi thấp nằm liền hoặc gần kề các núi lớn như núi Nam Qui, Sà Lon, núi Đất... đều thuộc dạng này.

Núi Cô Tô. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Từ đồi Tà Pạ nhìn qua núi Cô Tô. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

b. Độ cao núi

Xuất phát từ khoa học địa lý cho rằng các núi nổi trên mặt đất có độ cao khác nhau là phần nổi của các cụm núi lớn chìm ngầm trong lòng đất. Mặt khác, để dễ tra cứu và tìm kiếm ngoài thực địa và nhất là để tiện phân tích độ cao núi một cách hệ thống và cô đúc, có thể căn cứ vào phân bố các núi nổi trên mặt bằng, chọn một số núi cao lớn làm trung tâm và gắn các núi thấp nhỏ gần kề thành từng khối. Với cách làm này, đồi núi ở An Giang được phân chia thành 6 cụm và 2 núi độc lập như sau:

Cụm núi Sập có 4 núi là núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu đều thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn. Núi Sập to lớn hơn có độ cao là 85 m với chu vi là 3.800 m.

Cụm núi Ba Thê có 5 núi nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn là Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Trong đó núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221 m và chu vi khoảng 4.220 m.

Núi Nổi nằm độc lập thuộc thị xã Tân Châu với độ cao 10 m và chu vi khoảng 320 m.

Núi Sam đứng độc lập thuộc thị xã Châu Đốc có độ cao 228 m và chu vi khoảng 5.200 m.

Trên núi Ba Thê. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Cụm núi Phú Cường có 13 núi nằm trên địa bàn huyện Tịnh Biên là Phú Cường, núi Dài năm giếng (Dài nhỏ), núi Két, núi Rô, Trà Sư, Bà Vải, Đất Lớn, Bà Đắt, núi Cậu, Đất Nhỏ, Mo Tấu, núi Chùa và Tà Nung. Cao nhất là núi Phú Cường 282 m với chu vi khoảng 9.500 m.

Cụm núi Cấm có 7 núi nằm giáp trên địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, đó là núi Cấm, Bà Đội, Nam Qui, Bà Khẹt, Tà Lọt, Ba Xoài và Cà Lanh. Núi Cấm cao nhất tới 705 m có chu vi 28.600 m.

Cụm núi Dài thuộc huyện Tri Tôn, có 4 núi là núi Dài, núi Tượng, núi Nước và núi Sà Lon. Trong đó núi Dài cao nhất tới 554 m và chu vi là 21.625 m .

Cụm núi Cô Tô có 2 núi là Cô Tô và Tà Pạ, cả hai đều thuộc địa bàn huyện Tri Tôn. Cô Tô là núi cao nhất tới 614 m với chu vi 14.375 m .

Ngoài đặc điểm trong mỗi cụm núi độc lập rời rạc, còn thấy ngay mỗi núi lại có nhiều đỉnh với độ cao thấp khác nhau. Núi Cấm là núi lớn nhất có tới 6 đỉnh với độ cao từ 142 m đến 705 m, núi Dài là núi lớn thứ hai có 8 đỉnh (134 m đến 554 m), tiếp đó là núi Dài năm giếng có 5 đỉnh (148 m đến 265 m), núi Phú Cường có 5 đỉnh (153 m đến 282 m), núi Nam Qui có 3 đỉnh (172 m đến 213 m), núi Tượng có 2 đỉnh (100 m đến 145 m) và núi Két có 2 đỉnh (112 m đến 266 m). Các cụm núi Cấm, núi Dài, Phú Cường và Cô Tô liên kết thành một mạch núi liên tục trải dài 35 km và rộng 17 km với diện tích gần 600 km2, là vùng đất địa linh “Bảy Núi - Thất Sơn” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo và huyền thoại bí ẩn.

CÁC NÚI CHÍNH Ở AN GIANG (NĂM 2000)


TS Bùi Đạt Trâm
Địa chí An Giang - 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét