1 thg 10, 2021

Hai lần xuất gia

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông (nguyên mẫu của nhân vật ni sư Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”) nếu kể một cách vắn tắt thì chỉ gói gọn trong hai lần xuất gia. Nhưng mấy ai thấu hiểu được những giằng xé tâm tư, ray rứt giữa đạo và đời trong lòng bà, giữa những lần xuất gia ấy. Tác phẩm này như một lời tự sự đầy trăn trở của bà, qua góc nhìn của nhà báo Gia Khánh.


Một buổi sáng cuối tháng 5-2021, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông (thế danh Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đưa mắt nhìn lên trần nhà, nghe cơn mệt mỏi thấm dần vào từng tế bào cơ thể. Những đợt nằm viện ngày càng nhặt, thời gian mỗi đợt ngày càng dài, có khi cả tháng trời, để bà cảm nhận rõ nét tuổi già, lực kiệt.

Người chiến sĩ biệt động đầy sức sống năm xưa, giờ chỉ còn là quá khứ. Bao nắng mưa sương gió, khói lửa chiến tranh đã dừng lại đâu đó trong ký ức. Muốn quên, quên không đặng. Muốn nhớ, lại chẳng nhớ được nhiều!
Bà được xem là một nhân vật truyền kỳ, với nhiều thành tích lẫy lừng trong chiến tranh chống Mỹ. Hòa bình, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ có liên quan, bà trở về với chuông mõ, công phu. Bà vẫn thiết tha với đời, nhưng bằng cách của riêng mình, lánh xa mọi hào nhoáng. Chính vì thế, nhiều năm trở lại đây, bà rất ít tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là báo chí.

Có lần, một phóng viên của tờ báo trung ương đến gợi chuyện: “Sư bà kể chuyện cho con nghe, con viết bài báo cho sư bà nổi tiếng luôn!”. Bà “mời” phóng viên ấy về, từ chối trả lời phỏng vấn. Bà chưa đủ nổi tiếng sao? Vả lại, nếu muốn sống trong hào quang của quá khứ, bà đã tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh, đâu cần về tư thất nhỏ ở vùng ngoại ô An Giang này!


Nhưng quá khứ là một giấc mơ dài, bám lấy bà ngay cả khi thức dậy. Dưới sự giúp đỡ của bà Lê Thị Bé Ba (sinh năm 1953, một phật tử đang ngày đêm chăm sóc bà), bà bước ra sân, nhìn ngôi chùa nhỏ phía trước, lòng đau đáu nhớ về cha mẹ đã khuất. Ngôi chùa ấy như còn vương vấn bóng dáng người cha thân yêu của bà – hòa thượng Thích Giác Quang.

Bà như nhìn thấy chính mình lúc còn bé, là cô con gái thứ 9 trong nhà, lần lượt chứng kiến cha và mẹ phát tâm tu hành. Bà nhớ thời điểm cùng mẹ lên núi thăm cha: “Bảy tuổi tìm cha chốn núi non/ Trải lòng thương nhớ tóc răng mòn/ Sân tiên đảnh thượng cha hành đạo/ Thất bửu giá quang rõ nét son/ Mẹ bảo kính vấn an thân phụ/ Cha khẽ nhủ đời chẳng thường còn/ Lòng cảm nhận xin cắt tóc xanh/ Bạch Liên theo cha trọn đạo con” (thơ của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông).

… Bảy tuổi, lắc lư chỏm vá trên đầu, bà có tên gọi mới là “chú tiểu Thông”, nào biết việc tu tập là gì, chỉ sớm tối tụng kinh, niệm Phật, ăn chay giống cha mẹ. Chú tiểu Thông biết cha lén đem lư đồng, chuông đồng trong chùa hiến cho cách mạng để đúc súng tự tạo, đúc đạn. Mẹ nấu cơm chảo lá sen, gói bánh tét ủng hộ bộ đội, du kích xã nhà. Chú tiểu Thông hiếu động, nhanh nhẹn, hàng ngày vai mang thùng bánh kẹp đi bán khắp thôn xã, đi vào đồn lính Pháp lân la vô tư. Nhờ nắm rõ mọi chi tiết về sinh hoạt, chiến đấu của lính đồn, chú “bỏ nhỏ” với bộ đội, góp phần đánh tan nát đồn lính. Nhưng chú chưa biết, đó là làm cách mạng, là yêu nước.

Dẫu vậy, những chi tiết ấy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bà. Năm lên 10, cha cho bà nhập học ni chúng chùa Phước Huệ (Sa Đéc, Đồng Tháp). Ở đây, bà được ni sư Diệu Hoa – một chiến sĩ cách mạng khoác áo cà sa – “nhờ” đem thuốc, thức ăn đi tiếp tế cho cán bộ. Bị lộ, cha gửi bà ra Huế, gặp hòa thượng Thích Trí Thủ (Viện trưởng Phật học đường) để tu học kinh luật. Năm ấy, miền Trung bị lũ lụt. Ni cô Diệu Thông theo đoàn xe của Ni viện Diệu Đức đi phát gạo, phát thuốc cho dân nghèo. Chiếc xe chạy thẳng vào... chiến khu, tiếp tế cho cách mạng.

Đường xa, lầy lội, lại thêm thấp thỏm đề phòng giặc phát hiện, chiếc xe bị lật cua. Mọi người bình an, trừ Ni cô Diệu Thông bị vỡ đầu, kẹt lại trong ca-bin. Tai nạn được giữ kín, nhưng vẫn bị lọt ra ngoài. Những người có liên quan (bao gồm Ni cô Diệu Thông) bị Ni viện “đuổi học”, giải vây khéo, xem như vụ việc đã được “xử lý” đến nơi đến chốn.


Giây phút rời khỏi Ni viện, nỗi buồn thấm ướt lòng ni cô. Hòa thượng Trí Thủ khuyên nhủ: “Thôi, con hãy về quê. Thưa với Hòa thượng Giác Quang rằng thầy thất hứa, không bảo bọc được con học đến thành công. Đừng trách thầy nghe con! Đó cũng là do từ lòng thành của Phật dạy phải độ chúng sinh, khi đất nước đang hồi tai ương, tang tóc. Sự việc này không giống, nhưng cũng như cha con hồi nào đã mang đại thần chung, Phật đồng lư hương chùa Kim Bửu đi hiến cho Bình công xưởng đúc đạn cứu nước, vậy thôi”.

Nghe lời hòa thượng Trí Thủ, ni cô buông bỏ tiếc nuối về con đường học vấn, quay lại miền Nam. Nhưng bà không về Đồng Tháp (quê cha đất tổ), cũng không về An Giang (nơi cha tu hành), mà chọn dừng chân tại Sài Gòn. Chính ni cô cũng không ngờ, 2 từ “Sài Gòn” sẽ gắn chặt với cuộc đời bà mãi về sau.

… Chúng tôi đến thăm, nên bà vội buông chuyện cũ, trở về với thực tại. Dịch bệnh kéo dài, cộng với bà vắng nhà để đi điều trị bệnh, nên sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được bà. Vẫn là thói quen của nữ trinh sát ngày xưa, nay lại thêm nỗi niềm “tuổi cao mau quên”, bà nhờ chúng tôi ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, ngày tháng gặp gỡ, để bà cất giữ, lưu niệm.


Trên vách tường, trên bàn là một số hình ảnh của bà ngày trước, những bức ảnh nhuốm màu thời gian. Có ảnh bà khoác áo cà sa, có ảnh bà oai hùng trong quân phục, huân- huy chương trĩu nặng trên ngực áo. Bà tự hào về cuộc đời mình: trong đội ngũ lính Bác Hồ, có một chiến sĩ đầu không có tóc, y phục màu lam, là chiến sĩ dũng cảm trong đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bá tánh gọi bà là nhân chứng sống, hay nữ tu sĩ – chiến sĩ Biệt động. Nhưng phổ biến nhất vẫn là tên “Ni cô Huyền Trang” – tên một nhân vật trong phim “Biệt động Sài Gòn” lấy bà làm nguyên mẫu.

Mấy chục năm làm cách mạng, đã từng nhiều lần vào sinh ra tử, cuộc đời bà gắn liền với các mốc thời gian, như: bà tham gia cách mạng từ năm 1947, vai trò giao liên. Giai đoạn 1960 – 1969, bà tham gia công tác trinh sát quân báo, Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Từ 1969 đến 1974, bà tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, thuộc đơn vị F100.

Tháng 4 - 1983, sư cô Diệu Thông nhận quyết định về hưu với cấp bậc thượng sĩ, kết thúc gần 22 năm công tác liên tục trong quân đội. Tuy cấp bậc không cao, nhưng những gì bà đã đóng góp cho đất nước, cho quê hương đủ để khiến mọi người nể phục, xem bà như một người hùng!


Chỉ cho chúng tôi xem bức hình mặc quân phục hiếm hoi, bà kể: “Nhân dịp họp mặt truyền thống 70 năm của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam ở An Giang, tôi được lãnh đạo Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng trao tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam”. Lúc ấy, tôi rất xúc động, rất phấn khởi khi là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và là người lính cụ Hồ. Bản thân tôi đã góp công sức nhỏ xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, vinh hạnh được sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới, theo tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu”.


Màn đêm buông xuống, xung quanh tư thất của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông càng yên tĩnh. Bà còn rất nhiều điều muốn kể cho chúng tôi nghe, câu chuyện này quyện vào câu chuyện khác, mà chuyện nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, chúng tôi mời bà xem lại những cảnh trong phim “Biệt động Sài Gòn”. Dù rằng, bà đã xem rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng xúc động, bởi đó là bóng dáng cuộc đời thanh xuân của bà…

Bộ phim của đạo diễn Long Vân kể về lực lượng biệt động Sài Gòn phát hành năm 1986, lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem, gây sốt dư luận và là bệ phóng của loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ. Chiến công của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn với những trận nổ súng, gài mìn, bắt cóc, trao đổi tù binh, những cuộc tấn công theo kiểu du kích chớp nhoáng khiến kẻ thù lên kế hoạch phản công mạnh mẽ. Nhân vật Tư Chung (Tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn) phải đóng giả làm người yêu của Trần Thị Ngọc Mai (một chiến sĩ biệt động, cháu gái ông chủ hãng sơn Đông Á giàu có).

Tuy nhiên, Huyền Trang mới chính là người yêu thực sự của Tư Chung. Vì nhiệm vụ, Huyền Trang phải cải trang thành ni cô để che mắt kẻ thù. Hóa giải bao hiểu lầm, Tư Chung và Huyền Trang đã quyết tâm về lại bên nhau. Nhưng không may, Huyền Trang bị trúng đạn vào đầu và hy sinh. Ngọc Mai hoán đổi vị trí với Huyền Trang để Tư Chung tiếp tục hoạt động bí mật trong vỏ bọc an toàn.


Vai diễn ni cô Huyền Trang do nghệ sĩ Thanh Loan – một nữ diễn viên có gương mặt đẹp phúc hậu, thánh thiện - đảm nhận. “Bởi vì là phim nên có nhiều chi tiết không giống với đời thực, như nhân vật Huyền Trang của tôi hy sinh. Phim không có những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” như thực tế. Tuy nhiên, tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của đội ngũ làm phim. Diễn viên đóng rất tuyệt vời, bộ phim diễn tả cơ bản hoạt động của đơn vị chúng tôi thời ấy. Nhất là cảnh tôi bị đòn roi tra tấn, bị địch dùng điện giật khét cả tay nhưng cương quyết không khai báo, giống hệt với những gì tôi đã trải qua” – Ni trưởng Diệu Thông nhận xét.


Bà chăm chú xem cảnh “Huyền Trang” bị tra tấn trên ghế điện, nhìn lại câu chuyện của chính mình ngày xưa mà ngỡ như mới hôm qua. Đau đớn lắm chứ, nhưng không thể khai, vì nếu khai ra sẽ làm nhiều người chết. Nhưng người lính như bà chỉ có một cách duy nhất: Hy sinh bản thân để bảo vệ tổ chức, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đất nước. Người này ngã xuống, lại có người khác đứng lên, chấp nhận dùng sự sống của mình để ươm mầm tự do trong tương lai…

Và rồi, chắp nối những ký ức ngắt quãng của mình, bà kể cho chúng tôi nghe tâm sự của nữ biệt động Huyền Trang, từ bước chân chênh vênh giữa đôi bờ đạo và đời, đến ngày bà nhận ra điều mình muốn làm, cần làm…


Bước vào cửa Phật, chú tiểu Thông ngày nào chưa biết “làm cách mạng” là gì. Lớn lên một chút, trở thành ni cô Diệu Thông, vẫn một lòng cầu lấy bình an cho nhân thế. Nhưng rồi, chẳng ai ngờ, ni cô trở thành nữ trinh sát Biệt động thành, cùng đồng đội mang đến nhiều nỗi khiếp sợ cho kẻ thù. Lần xuất gia đầu tiên kéo dài gần trọn cuộc đời bà, nhưng là lần xuất gia nhiều trăn trở nhất!

Lời dạy “vô ngã” của cha

Những năm chiến tranh loạn lạc, ni cô Diệu Thông thấy nhiều cảnh đầu rơi máu chảy, thấy đồng bào của mình bị giặc giày xéo, quê hương chìm ngập trong khổ đau. Người tu hành có thể nhắm mắt tụng kinh lễ Phật đằng sau cánh cửa chùa, nhưng đâu thể nhắm mắt làm ngơ trước nhân sinh đau khổ! Từ chú tiểu Thông đến khi trở thành ni cô Diệu Thông, tinh thần cách mạng thấm vào tâm khảm của bà, chầm chậm mà rõ nét trong từng suy nghĩ, hành động.


Một ngày nọ, ni cô Diệu Thông trở về thăm cha. Lúc đó ni cô trẻ tuổi đang phân vân chọn lựa con đường bước tiếp, rất cần lời khuyên từ đấng sinh thành. Hòa thượng Thích Giác Quang dặn dò cô con gái nhỏ: “Thuyết Phật dạy: Vô ngã. Là khi muốn cứu độ chúng sanh, trước hết hãy quên mình. Con hãy nhớ lấy mà vượt qua những cơn ba đào bể khổ. Giờ đây, một mình con lại trở lên Sài Gòn. Thôi thì chí tự lập của con đã quyết. Một lần nữa thầy khuyên: không chỉ trước ba đào mà trước cám dỗ, cái đáng sợ là “chấp ngã” đấy con ạ!”.

Năm 1959, ni cô Diệu Thông mang theo lời cha dạy đến Sài Gòn - mảnh đất xa lạ nhưng mở ra nhiều nhận thức, hành động mới cho bà. Ở Sài Gòn, bà biết nhiều kẻ khoác áo tu hành, nhưng uống rượu, ăn thịt, ngồi bàn bạc với Mỹ, Ngụy chuyện giết đồng bào ta. Nhiều nhà sư yêu nước lấy cái chết để bày tỏ thái độ với địch, với thời cuộc chiến tranh. Còn bà, bà phải làm gì? Chỉ có một cách: đi diệt trừ “quỷ ma”, trở thành chiến sĩ cách mạng, theo cách của riêng bà.


Qua những lần tham gia phong trào tranh đấu của sư sãi chống Diệm, ni cô quen biết chị Mười – Lê Thị Ngọc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ thành). “Chị Mười à, những người tu hành chân chính luôn luôn có một tâm niệm cầu mong cho con người ở trên đời này được sống hiền hòa. Nhưng chỉ ngồi cầu kinh niệm Phật không thôi thì làm sao có được cuộc sống hiền hòa với bọn quỷ được. Bác Hồ là người yêu dân, Người là vị Phật sống của dân Việt Nam ta. Người đã dạy những người làm cách mạng như chị, phải đấu tranh mới có cuộc sống hạnh phúc. Những người làm cách mạng đều là con cháu Bác Hồ. Tôi mong muốn được gần gũi các chị nhiều hơn” – ni cô Diệu Thông bày tỏ trong một buổi trò chuyện.


Chị Mười đặt nhẹ bàn tay lên vai ni cô: “Ni cô cứ yên tâm, sẽ có nhiều người của Bác Hồ đến với chị”. Rồi chị Mười đưa ni cô lên Củ Chi, gặp đại tá Nguyễn Đức Hùng (tự Tư Chu, Đội phó Đội Biệt động Sài Gòn, nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung trong phim Biệt động Sài Gòn). Từ đó, họ kết nối với nhau, trở thành đồng chí, đồng đội sát cánh cùng nhau suốt thời gian dài.

Bên trong cửa chùa

Giữa trung tâm Sài Gòn, tại số 82/B đường Trần Quốc Toản – Chợ Lớn, quận 5 (giờ là đường 3/2, quận 11), có ngôi chùa nhỏ mang tên Bổn Nguyện. Chùa lợp lá, cất kiểu nhà sàn, bên trong có xưởng nhang “Mạng Đà trầm hương”, nước chấm hiệu “Bồ Đề”. Trụ trì chùa trước đó là hòa thượng Giác Quang, sau là đại đức Thích Viên Hảo, tức Phạm Hữu Trí, một người cùng chí hướng cách mạng.

Sau cánh cổng chùa Bổn Nguyện là nơi dung thân cho những thanh niên trốn quân dịch, là nơi lui tới của nhiều “phật tử” như chị Mười. Ni cô Diệu Thông trở thành giao liên của cách mạng, hàng ngày mang thư mật trong người, “bỏ nhỏ” rủ phật tử xuống đường; đánh máy, in truyền đơn rải ngoài phố.

“Khi thấy mình đã dấn sâu vào những việc làm trên, chùa Bổn Nguyện bị bọn công an mật vụ bắt đầu theo dõi, Diệu Thông mới sực giựt mình! Diệu Thông muốn bàn với Viên Hảo hạn chế bớt hoạt động. Chứ như thế này, chùa Bổn Nguyện gần như công khai là các trụ sở của cách mạng trong lòng địch! Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Diệu Thông chỉ vấn đáp với riêng mình. Cha đã từng dặn đi dặn lại: thuyết của Phật là “vô ngã”. Bây giờ hòa thượng Giác Quang đã được Phật giáo thống nhất Long Xuyên bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hiến chương Phật giáo. Cho nên, càng phải làm sao cho xứng đáng con của cha. Chớ có lý nào trước nguy hiểm mà mình “chấp ngã”! Còn làm cách mạng? Diệu Thông nghĩ nôm na: cách mạng tức là xa cái mạng của mình, thì cũng như “vô ngã”. Như các chị, các chị có sợ cho bản thân mình đâu!” (Trích tác phẩm “Tiếng chuông chùa ngân nga” của Thanh Giang).

“Vô ngã” không có nghĩa là lặng thinh trước cái xấu, cái ác! Khi ni cô Diệu Thông vừa tìm thấy được chút ánh sáng trong giằng xé tư tưởng, bỗng dưng chùa Bổn Nguyện chìm trong biển lửa. Địch đốt cháy vì biết chùa có liên quan, bao che cho các tổ chức cách mạng, đấu tranh chính trị. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, gần như bế tắc. Nhưng không ai muốn bỏ cuộc, động viên nhau ráng làm nước tương, se nhang, làm xà bông đi bán khắp nơi để che giấu việc chuyển tài liệu. Được bao nhiêu tiền, mọi người gom góp lại, phục vụ cho hoạt động cách mạng” – ni cô Diệu Thông nhớ lại.


Giữa tro tàn, mấy năm sau, chùa Bổn Nguyện được tạo dựng lại kiên cố hơn, nhiều gian, nhiều liêu phòng, với một cái tên mới: Tam Bảo. Ở các gian phòng, vẫn là chí sĩ cách mạng, là cán bộ đoàn thể nằm vùng, là người trốn quân dịch. Để có thể nuôi được các “bổn đạo”, ngày ngày ni cô cùng nhiều người tất bật làm nhang, làm tương. Giữa những nia đậu tương ấy, là máy ngắm của súng cối, kíp nổ. Ở dưới nền đất, là lu kiệu chứa súng đạn, thuốc nổ. Ngoài cánh cổng chùa, vẫn là trang nghiêm, như có như không đứng cạnh hồng trần…

Ngày ngày, lúc rảnh rỗi, chị em lại thay phiên nhau đi trinh sát mục tiêu, tải vũ khí về chùa. Phương tiện vận chuyển là xe Honda, với chiếc yên được rút hết nệm, thay bằng thuốc nổ dẻo C4. Khi làm tương, giữa các nia phơi xếp chồng lên nhau, họ giấu những khẩu súng nhỏ, dụng cụ đo tọa độ của súng cối.


Tất bật cả ngày, thậm chí tụng kinh niệm phật cũng đôi lúc chểnh mảng, đến tận đêm khuya, ni cô Diệu Thông trở mình, bứt rứt. Đôi tay người tu hành đã chạm đến cái sắc lạnh của vũ khí, thậm chí giấu khối thuốc nổ và kíp trong bụng tượng Phật Bà Quan Âm bằng đồng. Ni cô lúng túng đối diện trước thực tại: mình làm đúng, hay sai? Có phải đây là con đường chơn tu mà mẹ cha mong muốn?

Ngày phá giới đầu tiên

Năm 1969, kẻ thù huênh hoang rằng, Sài Gòn không còn dấu vết của Việt Cộng. Vì vậy, lực lượng biệt động nhận lệnh “Phải gây tiếng nổ thường xuyên trong địa bàn hoạt động của tổ”. Thầy Viên Hảo mời ni cô Diệu Thông đến, mở lời: “Có một nhiệm vụ đặc biệt trên vừa giao cho chúng ta. Sư cô có dám làm không?”.


Thật ra, thầy Viên Hảo là cháu của ni cô Diệu Thông. Nhưng họ gọi nhau theo lễ nghĩa của người tu, chứ không phải của người đời. Ni cô ngập ngừng: “Lâu nay cũng qua thầy làm cầu nối, mà tôi đã làm những việc nếu đa số phật tử biết được, ắt cũng cho là tôi làm trái đạo. Tôi đã đi hơi xa vào giới cấm. Như vậy có phải là đã dám liều rồi đó không?”. Thầy Viên Hảo khẳng định: “Làm theo nguyện vọng của chúng sinh, xét mặt nào cũng là trùng với lòng bác ái từ bi của Phật. Vậy sao gọi là liều được”.

Không cần suy nghĩ thêm, ni sư Diệu Thông xin đi theo chị Tám A (Nguyễn Thị Rí, một chiến sĩ Biệt động thành), tham dự trận đánh vào hội trường Thượng viện Sài Gòn, vào đúng thời điểm diễn ra một hội nghị chính trị quan trọng của địch. Ni sư cất công đi mua 3 chiếc áo đủ màu, mang phong cách của gái làng chơi. Mấy cô gái trẻ xuất phát, người thì trò chuyện phân tán chú ý của địch, người thì lẳng lặng “hành sự”.


Một tiếng nổ lớn vang lên, như cái tát vang dội vào mặt kẻ thù. Chúng phải cấm đường gần 2 ngày để thu dọn thi thể và đống đổ nát. Hôm ấy đã trở thành ngày rất đặc biệt với ni cô Diệu Thông, khi bà lần đầu tiên bước qua ràng buộc của đạo, phá giới tu hành – sát sanh. Nhưng chưa bao giờ bà ân hận vì điều đó. Bà nghĩ, thời cuộc cần những người sẵn sàng “ra trận” như bà!

Kể từ đó, nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn – luôn có bóng dáng lam y của ni cô Diệu Thông – liên tục làm cho địch hoang mang, cảnh giác. Đó là trận đánh Trạm biến điện cao thế góc trường đua Phú Thọ tháng 5-1969, trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân (thành Poloma) tháng 7-1969… Bị địch phát hiện, chùa Tam Bảo bị san bằng, đồng đội của ni cô Diệu Thông người bị bắt tù đày (trong đó có cả thầy Viên Hảo), người chạy thoát kịp thời…


“Tôi đến với cách mạng từ con đường đạo hạnh, giác ngộ ra chân lý chính nghĩa của cách mạng và đã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hiểm nguy, thử thách đầy cam go. Toàn bộ tài sản là ngôi chùa Bổn Nguyện và Tam Bảo, tôi đóng góp vào cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Trong chiếc áo nhà tu, chúng tôi là những chiến sĩ cách mạng” – ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông tự hào, gương mặt ngời lên niềm hạnh phúc.


Một buổi sáng tháng 6-2021, ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông ngồi ngắm hồ sen nhỏ trước tư thất, đôi tay – từng bị giặc bẻ gãy, đau chết đi sống lại - không ngừng lần tràng hạt, giấu sự mệt mỏi vì tuổi tác đằng sau vẻ điềm tĩnh. “Tên Bạch Liên của sư bà có ý nghĩa gì?” – bà Lê Thị Bé Ba (sinh năm 1953, chúng tôi thường gọi là cô Ba) cất tiếng hỏi. “Tôi quý cái tên này lắm. Cha mẹ đặt như thế, tôi mong tôi lớn lên thực hiện đúng tâm nguyện của họ, tấm lòng trong sáng như hoa sen trắng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào” – ni trưởng mỉm cười.

“Ân nước đã xong quy vĩnh cửu”


Bạch Liên hôm nay cũng là chú tiểu Thông, ni cô Diệu Thông, chiến sĩ biệt động thành dũng cảm ngày nào. Trong ký ức của bà, không thể nào quên được những đồng chí thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự chiến trường Sài Gòn – Gia Định các năm 1968-1972, như: Võ Văn Thạnh (Ba Thắng), Chính ủy; Trần Hải Phụng (Hai Phụng), tư lệnh; Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), phó tư lệnh kiêm chỉ huy các lực lượng biệt động; người cháu Thích Viên Hảo, các chị Tám A, Mười Ánh, Sáu Thu…

Năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn vinh dự được Đảng và nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”.

Là một thành viên trong lực lượng, khỏi phải nói, bà hạnh phúc biết bao nhiêu! Bản thân bà được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng hàng loạt khen thưởng của Trung ương, địa phương, sở, ngành… Năm 2021, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tặng danh hiệu “Hiền tài nước Việt” cho bà về thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình, ni cô Diệu Thông tiếp tục ở lại công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 1982, ni cô Diệu Thông để tóc trở về đời. Người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, mái tóc phi-dê tất bật với nhiều hoạt động công tác, họp mặt… nối tiếp nhau. Nếu không giới thiệu trước, đâu ai nghĩ rằng bà từng là một ni cô. Biết chuyện đời và chiến công của bà, mọi người đều kính ngưỡng. Có đợt, bà được mời đi tham quan Liên Xô cả tháng. Một chuyên gia người Liên Xô mến mộ, chụp rất nhiều hình tặng bà, gọi bà là “Chiến sĩ đặc biệt”.


Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” đã về cõi Phật, nhưng Huyền Trang ngoài đời còn nặng nợ cửa thiền. Làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với đơn vị, với người thân, một lần nữa bà buông bỏ mái tóc xanh, trở về đời sống tu hành, mà nói như bà, đó là “xuất gia lần thứ hai”. Sau lễ phục hồi giới thể, năm 2015 bà được tấn phong giáo phẩm Ni trưởng Ni bộ Phật giáo Việt Nam. Bà viết rất nhiều bài thơ, bộc lộ nỗi lòng ở lần xuất gia thứ 2 này.

Trong “Lời cuối cùng” viết năm 2010, bà nhủ lòng: “Ân nước đã xong quy vĩnh cửu/ Thành thơi cảnh Phật rèn xá lợi/ Chẳng còn vướng bận nợ phiền ưu/ Vui vầy đạo bạn cùng tiên phật/ Trọn kiếp đạo đời giới luật nghiêm”. Bà tự khái quát “Đời Diệu Thông” bằng mấy câu thơ: “Tuổi thơ chú tiểu quét lá đa/ Nửa xuân trước đánh đuổi giặc ma/ Danh lưu sử nữ Biệt động thành/ Nửa xuân giữa lăn lộn trầm kha/ Lưng còm tỉnh mộng tâm linh hiện/ Chọn ngày giỗ mẹ quyết xuất gia/ Bảo trì ngôi Tam bảo chơn Tam Bảo/ Xuân rốt sau là một sư bà”.

Trước đó, bà rời căn nhà Tình nghĩa ở quận 12 (TP. Hồ Chí Minh, do thầy trò Trường bán công Nguyễn Thị Diệu) xây tặng. Bà rời bỏ đứa con nuôi không đủ hiếu thảo với mình. Bà lần lượt nếm trải cảm giác sinh ly tử biệt với những người anh em thân thuộc trong gia đình. Cuộc đời quá dài, nên bà dặn lòng “Trở về”: “Hai mươi năm lẻ dẹp quân thù/ Hàng tám quay về thuở nhỏ tu/ Lặn lội bao năm danh với lợi/ Tâm linh đánh thức kiếp phù du/ Đêm ngày mật niệm cho dừng nghiệp/ Rực rỡ sen thơm diệt tối mù”.

“Tu rửa ngày đêm gội rửa tâm linh”

Khi chắp nối lại đường tu, ngoài lúc sinh hoạt tôn giáo, bà dành phần lớn nỗi nhớ ray rứt về những đồng đội đã hy sinh anh dũng, chưa được công nhận anh hùng, như Tám A – Nguyễn Thị Rí. Năm 1969, bà cùng Tám A và Tám Ngoan xuất quân đánh xe buýt chở sĩ quan hải quân độc thân ở cư xá trên đường Nguyễn Văn Thoại. Chiếc xe 52 chỗ ngồi, thường ngày đưa đón lính Mỹ đến bến Bạch Đằng làm việc. Tám A lái Honda, Ngoan ngồi sau ôm trái nổ, bà trinh sát dẫn trái, đến điểm, dự kiến bọn chúng lên xe đủ sẽ ném trái. Kíp sắp nổ mà xe chưa đủ người, Tám A tràn đầy uất hận ra ám hiệu từ giã bà, lao thẳng vào xe buýt.

“Tiếng nổ rung chuyển một góc thành phố. Tôi quay xe lướt qua trinh sát, thấy xe buýt bị vỡ, lính Mỹ bị thương, chết ngổn ngang. Tám A và Ngoan hy sinh anh dũng, thi thể chẳng nguyên vẹn. Tôi gượng chạy vội về chùa rồi ngất xỉu. Nghe tiếng khóc của bé Hương (8 tuổi, con Tám A) hỏi mẹ đâu, tôi tỉnh dậy, ôm bé vào lòng nghẹn ngào, không nói được câu nào. Cha mẹ của bé đã lần lượt hy sinh, xót xa, đau đớn vô cùng. Tôi tác chiến trong nội thành rất nhiều trận, nhưng trận này khắc sâu trong tim” – bà run rẩy kể lại.


Trở về cuộc đời tu hành, bà đặt trang trọng trên bàn thờ quyển “Huyền thoại Củ Chi”, lưu danh tên 45.639 liệt sĩ đang được thờ phụng tại Đền Bến Dược – Củ Chi. Ngày ngày, vào giờ trì kinh bái lễ Phật, bà dành toàn bộ lòng mình khẩn cầu mười phương chư Phật tiếp độ hương linh các chiến sĩ, đồng đội, trong đó có nữ biệt động thành quả cảm Tám A.

Và bà còn có một chút lòng riêng. Dù được động viên, khen thưởng, vinh danh vì những đóng góp trong chiến tranh, nhưng với bà, ở một góc độ khác, bà đã sát sanh. Bà muốn dùng thời gian còn lại trong cuộc đời tụng kinh niệm Phật để hóa giải nợ trần đã nhuốm vào đôi bàn tay. Như một phật tử đã viết tặng bà: “Tu rửa ngày đêm gội rửa tâm linh/ Sen trắng vẫn thơm trong môi trường ô nhiễm/ Người xuất gia vẫn một lòng tin Đảng/Yêu đồng bào nên chẳng tiếc chi thân/ Con đường đã chọn chẳng chút phân vân/ Lặng lẽ làm điều trái tim mách bảo”.


Trong tư thất của bà hiện giờ, có tiếng chim hót vui tươi sáng sớm, có tiếng chuông chùa trầm ấm ban trưa, có tiếng gõ mõ tụng kinh đều đặn chiều tối. Một con chó, hai con mèo từ đâu đến ở, quấn quýt bên cạnh, cũng dần già đi theo năm tháng cùng bà. Đặc biệt, bà sống trong sự chăm sóc tận tình của cô Ba, một phật tử hữu duyên gặp gỡ.

“Tôi từng là giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, công tác ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống riêng tư nhiều vướng mắc, tôi tìm đến các chùa để làm công quả, tá túc. Từng nghe danh sư bà, nhưng tôi không có dịp gặp gỡ. Năm 2006, sư bà về Sa Đéc, không may trở bệnh, phải nhập viện điều trị. Tôi đi thăm, thấy sư bà đơn chiếc, không ai chăm sóc, nên rất thương cảm.

Mãi 7 năm sau, tôi gặp lại sư bà lần thứ 2. Ngày 25-1-2013, tôi quyết định về An Giang, chăm sóc sư bà, xem bà là người mẹ thứ 2 của mình. Sư bà thường nói đùa, tôi là “Việt cộng nuôi Việt cộng”. Hơn 90 tuổi rồi, sư bà đau bệnh nhiều, tính tình nóng nảy hơn trước, con cháu không ở gần, một mình tôi đi chợ, nấu nướng, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho bà, phụ bà tiếp khách xa gần đến thăm. Trải qua nhiều bể dâu, tôi sống với sư bà bằng tình đồng chí, tình đạo pháp, tình người…” – cô Ba tâm sự.


“Diệu Thông hôm nay vẫn một lòng yêu Đảng”

Sau ngần ấy năm chiến đấu và tu hành, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông trút cạn những gì mình có cho cách mạng: ngôi chùa Tam Bảo ở TP. Hồ Chí Minh, 2 chiếc xe gắn máy.


Năm 1986, xét những đóng góp lớn lao của bà trong kháng chiến, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đề nghị UBND thành phố tặng cho bà chiếc Cúp 50 làm phương tiện đi lại. Hiện giờ, chiếc xe vẫn còn mới, được cất giữ cẩn thận, trở thành món tài sản quý giá nhất của bà.


Bệnh tật liên miên là thế, neo đơn là thế, nhưng ai hỗ trợ gì, bà cũng để đó, tìm giúp người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc chọn việc thiện nguyện đóng góp. Mấy cái răng lưa thưa khiến bà ăn uống bất tiện. Có phật tử gửi tặng bà 20 triệu đồng để trồng răng. Nhưng rồi, bà lại dùng tiền ấy đóng góp xây dựng chùa. Mấy triệu đồng lương hưu, bà chi tiêu một ít, còn lại để dành giúp đỡ người nghèo, hội viên Hội Cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin... Hôm nào khỏe trong người, bà đi đến tận nơi phát mấy trăm phần quà cho người dân. Cô Ba khuyên: “Sư bà lớn tuổi rồi, đừng đi xa nữa”, bà ừ cho qua chuyện, rồi hôm sau vẫn khăn áo đi tiếp.

“Chiến sĩ Biệt động xưa xếp trang sử hào hùng/ Nhưng chẳng ai quên ngày ấy có Huyền Trang/ Diệu Thông hôm nay vẫn một lòng yêu Đảng”. Quả thật, cả đời mình, Ni trưởng Diệu Thông chất chứa tấm lòng yêu Đảng, kính Bác Hồ, quý dân, chưa bao giờ phai nhạt.

Bà có một quyển thơ, mang tên “Những vần thơ cuối cùng của Diệu Thông”, bày tỏ: “Thật là toàn giác độ chúng mê/ Bác là Bồ Tát khổ muôn bề/ Xả thân cứu nước bao gian khổ/ Non nước thanh bình Bác ở đâu/ Chỉ thờ hình tượng và tâm tưởng/ Toàn Đảng toàn dân đến thôn quê/ Tôn thờ kỷ cương Đảng Bác dạy/ Thật là từ bi Bác cứu dân” - (Thờ Bác ở đâu). “Thấm nhuần ơn sâu Bác, Đảng dạy/ Cứu dân cứu nước tròn tuổi xuân” – (Đời tu hành)…

Một lần đến thăm Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông, ông Phùng Văn Sang (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang) bày tỏ: “Sư bà là một nhân vật huyền thoại, từng tham gia đội Biệt động Sài Gòn, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc giải phóng đất nước. Khi trở về đời thường, sư bà luôn thể hiện khí chất, cái tâm trong sáng của người cách mạng, đặc biệt quan tâm, theo dõi sự phát triển của xã hội, của lực lượng vũ trang trong cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đối với Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, sư bà thường xuyên đóng góp, kêu gọi nhà hảo tâm khắp nơi chung tay gửi tặng của ít lòng nhiều đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin… Dẫu tuổi cao, sức yếu, sư bà vẫn nhiệt tình lo cho xã hội. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp”.


Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Nguyễn Phú, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, khẳng định: “Lãnh đạo các cấp trong tỉnh đều đặc biệt quan tâm đến Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông, nhân chứng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà là tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng ngày trước, không quản ngại hy sinh mất mát, đóng góp công lao to lớn để phụng sự, bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh An Giang đã vận động xây dựng nhà Tình nghĩa cho Ni trưởng. Vào các ngày lễ, Tết, chúng tôi thường tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến bà. Tôi rất mong, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ni trưởng được các thế hệ sau biết đến, khắc ghi và mãi tri ân. Đồng thời, ra sức học tập, cống hiến để xứng đáng với công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập hôm nay”.


Trí nhớ của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông dần bị thời gian tàn phá. Cộng với sức khỏe không tốt, nên dẫu muốn kể chuyện nhiều hơn, bà đành lực bất tòng tâm. Vì vậy, bà tặng cho chúng tôi quyển “Ni cô Huyền Trang - Cuộc đời và sự nghiệp”. Đó là những bài báo, bản thảo, hình ảnh bà tự sưu tập được (hoặc mọi người gửi tặng), đóng thành cuốn, cất giữ như báu vật đời mình. Thậm chí, bà đã bổ sung một bản “Thỉnh nguyện tâm thư”, bày tỏ mong muốn của mình sau khi viên tịch. Để hoàn thành bài phóng sự này, chúng tôi tham khảo một số tư liệu quý trong ấy, đặc biệt là số liệu, mốc thời gian.


Phóng sự khép lại, nhưng cảm xúc và ký ức về những ngày gặp gỡ “ni cô Huyền Trang” sẽ theo chúng tôi đến mãi về sau. Bà như một đóa Bạch Liên tinh khiết, rực rỡ hòa quyện giữa đạo và đời, giữa nhập thế và xuất thế, giữa quá khứ và hiện tại…, “bùn nhơ sen trắng gan cùng nước non” – (thơ Võ Thị Cẩm Tú).

Bài, ảnh: GIA KHÁNH
Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét