9 thg 10, 2021

Bánh canh ngọt như chè ở miền Tây

Cách kết hợp của bún tươi, bột mì, đường thốt nốt và nước cốt dừa làm nên món ăn béo, ngọt thanh, phảng phất hương thơm nhẹ.

Bánh canh là món ăn có hơn chục loại với đủ kiểu hương vị mặn ngọt khắp ba miền. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với bánh canh Bến Có ở Trà Vinh có nước lèo nấu từ thịt, xương, sợi bánh làm bằng bột gạo, đồ ăn kèm gồm tim, cật, lòng heo và thịt. Ở Bến Tre, Tiền Giang có bánh canh vịt, sợi bánh nấu với thịt vịt xiêm băm tẩm ướp gia vị, cho thêm nước cốt dừa, hành, tiêu ăn rất thơm và béo ngậy. Còn ở Đồng Tháp, đó là món bánh canh ngọt, món bánh canh ăn như chè dùng để tráng miệng hoặc lót dạ khi đói, ăn dặm vào buổi sáng hay đầu giờ chiều.

Món bánh canh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ngày nhỏ, mỗi năm tới tháng 4 Âm lịch là nhiều người cùng nhau vượt hàng trăm cây số bằng ghe trên sông để đến Châu Đốc vía Bà Chúa xứ. Chuyến đi dài cả ngày lẫn đêm, ông bà đem gạo và bếp để nấu cơm trên ghe. Khi về, cả nhà không quên mua đặc sản An Giang về dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng bà con lối xóm, trong đó có món đường thốt nốt đem đi nấu chè, làm bánh, kho cá đều ngon. Má tôi chuyên nấu xôi, chè đem bán ở chợ nên món ăn vặt ngày nhỏ cũng gắn liền với những món má nấu, nhất là bánh canh ngọt.

Công đoạn nạo dừa làm nước cốt nấu chè bánh canh. Ảnh: Lê Hữu Tường

Món ăn bình dân với những nguyên liệu giản dị là bột gạo, nước cốt dừa và đường thốt nốt hòa quyện theo một tỉ lệ nhất định để có vị hài hòa, ngọt thanh, thơm dịu và béo. Sợi bánh canh nhà làm có thể khác với hàng quán hay làm trực tiếp từ bột gạo, nhồi bột từ sợi bún tươi cho mịn sau đó trộn thêm bột mì, làm theo cách này sợi bánh vừa dai vừa mềm.

Dừa chọn trái thật khô, lột sạch vỏ cứng bên ngoài, dùng dao cạo hết xơ để khi nạo thì cơm dừa trắng và sạch hơn. Má vẫn dùng bàn nạo dừa theo kiểu cũ, từng lớp cơm dừa dày được bào thật nhuyễn sau đó cùng khăn màn ép lấy nước cốt nhất thật sánh, nước cốt này đem nấu sôi và cho thêm tí muối để đằm vị.

Đường thốt nốt đem xắt nhỏ nấu chung với nước thật sôi thì cho cọng bánh canh đã luộc chín vào, nếu thích hương lá dứa cũng có thể bỏ thêm vài cọng lá dứa tươi vào nồi nấu cùng, nhưng tôi vẫn ghiền mùi thơm đặc trưng vốn có của đường thốt nốt hơn.

Chén bánh canh ngọt gợi nhiều ký ức tuổi thơ. Ảnh: Lê Hữu Tường

Khi cọng bánh canh đã trong và hơi ngả vàng vì thấm nước đường thì cho phần nước cốt dừa vào nồi, không đảo đều lên mà dành để múc từng theo từng phần ăn. Nhân nồi bánh canh còn nóng hổi thì múc ra chén, thêm miếng mè rang, mùi thơm ngọt của đường và béo của nước cốt xộc thẳng vào mũi làm những tính đồ hảo ngọt phải cầm muỗng múc ăn nóng, để lỡ một tí thì bánh nguội ăn không ngon và mùi thơm cũng bay xa.

Sợi bánh canh mịn và dai, vị ngọt thanh của đường thốt nốt thấm vào bên trong, kết hợp với cái béo dịu của nước cốt dừa và mùi thơm ngọt ngào của đường làm vị giác lẫn khứu giác bùng nổ. Mỗi lần ăn bánh canh ngọt, tôi lại nhớ đến những chuyến ghe ngược dòng Sông Hậu về Châu Đốc năm nào.

Lê Hữu Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét