9 thg 10, 2021

Nguyễn Bá Trác - Một blogger du lịch bậc thầy!

Bạn nghe tên Nguyễn Bá Trác quen quen hả? Cứ như là Nguyễn Bá Trác nổi tiếng với bản dịch bài Hồ trường vậy á.

Thì đúng rồi, ổng chớ ai!

Bỏ qua tiểu sử cần nhiều điều bàn luận và cả cái chết uẩn ức của Nguyễn Bá Trác, bữa nay tui chỉ muốn nói về điều khiến tui gọi ông là một blogger bậc thầy, dù rằng vào thời của ông người ta chưa biết blog là cái gì.

Cách đây hơn 100 năm đã có một blogger Việt Nam du lịch Nhật Bản và viết blog hết xẩy!

Nguyễn Bá Trác viết khá nhiều, trong đó được biết đến nhiều nhất là Hạn mạn du ký. Tui không rành chữ Hán, nhưng thấy người ta dịch tựa này nghĩa là Chuyện phiếm ghi chép trong chuyến đi chơi, mà nếu vậy thì đúng là viết travel blog rồi. Thiên ký sự này ban đầu ông viết bằng chữ Hán, gồm 14 chương, sau chính ông dịch ra chữ quốc ngữ và cho đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 (tháng 8/1920 đến tháng 1/1921, thời gian này ông đang tham gia cùng Phạm Quỳnh làm tờ Nam Phong tạp chí).

Nguyễn Bá Trác

Nội dung Hạn mạn du ký kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc hành trình lang bạt 6 năm của Nguyễn Bá Trác (tứ 1908 đến 1914) qua các nước Thái Lan, Nhật Bản và Trung Hoa. Ông viết trong lời mở đầu: “Tôi về nước đã 5 năm nay, kể từ năm 1908 bước chân đi, đến năm 1914 tôi trở về Sài Gòn giữa ngày tháng 8, tính đốt ngón tay một dạo phiếm du chốc đã 6 năm có lẽ. Loanh quanh trong nước một năm, tạm trọ ở Xiêm La hơn 10 ngày, làm khách qua Nhật Bản một tháng, rồi lại sang Trung Hoa, bao nhiêu thương phụ to, tỉnh thành lớn, như Ba Thục miền Tây, U Uyên đất Bắc, Quế Việt cõi Nam, đều là chỗ mình có để ít nhiều dấu xe dấu ngựa. Nay đem đường lối phong cảnh mà mình đã trải qua nơi đất khách, chép nhặt một vài, còn chuyện chi chi không rổi mà nói đến.”

Việc kể lại chuyến đi này đăng báo trong suốt nửa năm trời không khác gì đăng blog ngày nay. Cái hay (và giống hệt như blog du lịch ngày nay) là từng nơi ông đi qua đều được kể lại một cách hấp dẫn, lôi cuốn, ngoài tình tiết của chuyến đi, phong cảnh nơi đến, ông còn sưu tầm tìm hiểu để viết về phong tục, tập quán của nơi đó. Chưa hết, ông còn để lại những nhận xét rất sâu sắc, có giá trị của mình nữa. Lời văn thì mạch lạc, suông sẻ, nhiều chỗ đăng đối du dương. Bắng chứng cho sức lôi cuốn và giá trị của thiên du ký này là sách Quốc văn trích diễm (1925) của Dương Quảng Hàm đã trích đăng hẳn 2 bài trong đó, đó là Đường đi Hương Cảng và Điếu Kim lăng.

Thời đó máy chụp hình, quay phim không phổ biến như bây giờ nên blog Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác không có hình hay video clip, nhưng xét về mặt này ông cũng không hề thua kém thời nay. Trong Hạn mạn du ký có nhiều thơ ca hấp dẫn, trong đó đỉnh cao chính là bài Hồ Trường mà bản dịch của Nguyễn Bá Trác đã trở thành một tuyệt tác dịch thuật, cho đến ngày nay rất nhiều người thích và thuộc lòng (trong đó có ông bạn Hà Duy Đức của tui).

Thôi, nói nhiều không bằng đọc cho biết. Mời mọi người đọc một phần bài thứ 10 của Hạn mạn du ký, tựa là Tại Thượng Hải gặp người đồng hương, trong đó giới thiệu duyên cớ Nguyễn Bá Trác biết đến bài Hồ Trường.

Tại Thượng Hải gặp người đồng hương

(Tóm tắt đoạn đầu: Nguyễn Bá Trác sang Nhật tìm đường du học theo phong trào Đông Du nhưng bất thành phải lưu lạc sang Thượng Hải. Tại đây ông tình cờ gặp người đồng hương là Nguyên quân. Hai người rủ nhau ở trọ chung và tạm thời làm nghề viết mướn để sinh nhai)

Hình minh họa cho nó màu mè. Hai người trong hình (áo sơ mi trắng và áo vest đen) đúng là đồng hương gặp nhau ở Thượng Hải, nhưng không phải Nguyễn quân và Nguyên quân.
...

Một hôm trời đã chiều hôm, hiu hiu gió bể, chúng tôi làm việc vừa xong, rủ nhau đi chơi phố. Nguyên quân cao hứng muốn vào tửu lâu, tôi cũng hợp ý; bèn thuê xe đến ngay Đào Đào quán ở trong tô giới. Nguyên quân cả năm không hay uống rượu đã uống thì say, đã say thì hay hát. Hát không hiểu khúc, song tiếng trong mà cao; cứ nghêu ngao mấy câu cổ phong, tự người ngoại quốc nghe đã lấy làm kiêu điệu lắm; cho nên ngày ở Quế Lâm, thi tốt nghiệp rồi, Nguyên quân say rượu tay gõ miệng hát, anh em đồng học đều khen là danh ca. Chiều hôm ấy, rượu ngà ngà, Nguyên quân cũng đứng dậy mà hát. Cách phòng có một người khác, tên là Lưu mỗ, là người Trực Lệ, hiện làm quan võ coi lính ở Quảng Tây, nghe Nguyên quân hát, bèn vào phòng, chào nói tên họ, rồi hỏi Nguyên quân: “Tôi nhớ năm xưa có gặp Quý hữu một lần ở tại Đông Kinh nước Nhật”. Nguyên quân nói: “Lâu ngày không nhớ cho rõ”. Khách lại hỏi: “Vừa nghe Quý hữu hát ấy là điệu gì?” - Nguyên quân nói: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương Nam”. Khách nói: “Nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, Nam phương có điệu hát đến như thế ru?” - Nói rồi, liền gọi thằng hầu lấy bút giấy, xin Nguyên quân viết bài hát cho mà xem. Nguyên quân cầm bút viết ngay.

Bài hát dịch ra như sau này:

“Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dặm thẳm; mây nước một mầu sương.
Học không thành, công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể Đông chảy xiết, sinh cuồng loạn
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan;
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta ta hay;
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.”

Xem viết rồi, Lưu quân vỗ vai Nguyên quân mà nói: “Phải, phải rồi, anh là một người học trò trong nhà trường ở Đông Kinh năm xưa. Các anh là người có chí ra học ngoại quốc, tôi đã nghe người bạn thuật chuyện đầu đuôi, vậy anh có bằng tốt nghiệp chưa? Đã vào trường Cao đẳng chưa? Anh ở đây mà làm gì?” - Nguyên quân nói: “Chúng tôi là người lưu lạc, nào được các ngài sẵn có học tư hoặc tư phí, hoặc quan phí, cứ tuần tự mà học cho đến ngày tốt nghiệp. Chẳng qua nay đây mai đó, là cái học hiệu thiên nhiên của chúng tôi. Từ khi phải ly Nhật mà về Thượng Hải, những lần lữa cho qua ngày; rồi nữa bỏ đây mà đi cũng chưa có mục đích gì cả.” Nguyên quân lại lấy tiếng Nhật mà kể chuyện đầu đuôi hai người chúng tôi phải ly Nhật, và quang cảnh chúng tôi hiện ở đây.

Lưu quân nói: “Các anh đã đi ra ngoài, lúc vô sự, chỉ nên vào trường mà học tập cái tri thức về thực nghiệp; nếu bỏ phí thì giờ thực là đáng tiếc. Không nói chi việc xa, cứ kể việc làm ăn. Cổ nhân có câu nói: “Thi đỗ ba trường, một đời không đói”. Ở trong nội địa Trung Quốc chúng tôi này, phàm học trò đã có bằng tốt nghiệp, đi đâu cũng có việc làm. Như cảnh các anh bây giờ, chưa có việc gì làm cũng nên định một cái chỗ đứng cho vững, để làm tư bản sinh nhai. Địa vị các anh không như địa vị chúng tôi, nếu các anh cứ đông, tây, nam, bắc lông bông cả năm, quen biết rộng, nghị luận cao, cũng không bổ ích gì cho các anh cả. Này tôi hiến kế cho các anh: Tiếng nói Trung Quốc mỗi nơi một khác, cho nên chính người trong một tỉnh mà quan trên cũng khó biện biết được. Các anh khai ngay tên là một người trong tỉnh nào, lĩnh quan phí mà vào học. Lúc vào trường chỉ biết việc học, chẳng còn nghe đến chuyện ngoài. Lúc có bằng tốt nghiệp sẽ ra làm việc mà lập công, ấy là cái lập cước của các anh đấy, cái đạo sinh hoạt của các anh đấy. Tôi hiện làm quan ở Quế Lâm, trong bạn đồng liêu cũng lắm người khá; các anh có nghe, để tôi giới thiệu vào học đường Quảng Tây, nếu không được quan phí thì chúng tôi giúp cho cũng tiện. Quảng Tây về phủ Thái Bình, có huyện Tư Lăng là đất tiếp giáp với Quý quốc, tiếng nói khác mà giọng nói hơi giống nhau. Các anh nhận là người Tư Lăng là phải”. Chúng tôi chưa kịp trả lời; Lưu quân lại nói: “Tôi coi các anh như anh em ruột, không nên khách khí, nghĩ thế nào, các anh cứ nói thẳng” - Nguyên quân đứng lên nói: “Chúng tôi đương khi lưu lạc, được tiên sinh chỉ đường mê muội, mở lòng ấm tí, thực cảm ơn vô cùng. Hồi nghỉ năm trước, quan Đốc trưởng Y học đã tí hộ tôi một phen; sau nhân việc ý ngoại, tôi phải bỏ học; công không thành, chưa đức báo, bên lòng cành cạnh đến nay chưa quên. Vì thế nghe lời tiên sinh nửa cảm nửa thương vừa mừng vừa sợ.” - Lưu quân nói: “Tôi mong cho các anh đảm nhậm được việc phận sự mình là đủ. Còn việc ý ngoại, ai mà liệu được. Phàm người ta làm hết phận sự mình tức là báo đáp tri kỷ, hà tất phải lo xa. Các anh cứ nghe lời tôi là phải. Hôm nay đã tối, xin hẹn ngày mai, 10 giờ sáng, các anh lại nhà trọ tôi nói chuyện.” Lưu quân nói rồi bắt tay chúng tôi mà cáo biệt.

Hình minh họa cho nó màu mè. Người trong hình đang đứng ở bến Thượng Hải, nhưng không phải Nguyễn quân.

(Tóm tắt đoạn sau: Nguyễn Bá Trác và Nguyên quân được Lưu quân giúp đỡ sang Quảng Tây du học và sau đó không còn dịp gặp nhau nữa)

Nguyễn Bá Trác

Đọc tới đây mọi người đồng ý với tui rằng Nguyễn Bá Trác là một blogger du lịch bậc thầy rồi chớ?

Còn sau đây là phần phụ lục, một fan hâm mộ Hồ Trường trổ tài diễn ngâm bài này. Tiếc là anh ấy xỉn nên quên một chút và chưa đủ xỉn nên chưa đạt mức phê cao nhứt.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét