4 thg 10, 2021

Núi Mồng Gà - nơi phát tích nhiều chuyện lạ

Theo “Nghệ An ký”, núi Mồng Gà, tên chữ là “Kê Quan” ở xã Quy Lăng, huyện Đông Thành, là núi có tiếng ở trong huyện Yên Thành.

Yên Thành là một trong những huyện đồng bằng trù phú của tỉnh Nghệ An. Rải rác trên bề mặt đất đai, nơi đây cũng có một số núi non. Cao nhất trong đó là ngọn Vàng Tâm, cao khoảng 544 mét. Và thấp nhất là ngọn Tù Và chỉ với 249 mét. Tuy nhiên, trong sách “Nghệ An ký” của mình, về phần núi non ở huyện Yên Thành, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch chỉ nói đến ngọn Mồng Gà.

Cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Cũng trong “Nghệ An ký”, tác giả họ Bùi viết: “Núi Mồng Gà, tên chữ là “Kê Quan” ở xã Quy Lăng, huyện Đông Thành, là núi có tiếng ở trong huyện. Thời cổ gọi là núi Phi Liêm. Phía Tây mọc lên núi Động Đình, phía Nam mọc lên núi Yên Ngựa, núi này đứng giữa, cao lớn, um tùm, làm vị tổ của các núi”.

Về phía Tây Bắc, núi Mồng Gà là chỗ phát nguyên nguồn đầu tiên của con sông Giát đổ ra cửa Thơi (Quỳnh Lưu). Còn về phía Đông Nam, rộng lớn và thâm nghiêm hơn, núi Mồng Gà dồn nước về miền Chợ Sở (đất Diễn Châu) rồi tuôn xuống sông Bùng, đổ vào Lạch Vạn mà đi ra bể.

Về cảnh lạ của núi Mồng Gà thì trên đỉnh của nó có cái ao trời, bề ngang khoảng độ vài trượng. Bên cạnh ao có một cái động. Bùi Dương Lịch cũng viết trong “Nghệ An ký” rằng: “Tương truyền, Phạm Viên người làng An Bài, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu) lên, gặp thầy rồi luyện tập và tu thành Tiên ở động ấy. Cho nên nơi đó được gọi là động Tiên Sư”.

Lễ hội đền Đức Hoàng (Yên Thành). Ảnh: Hồ Các

Phạm Viên là con trai của Thám hoa Phạm Chất. Cụ Chất đỗ Tiến sĩ năm 1652, lúc 30 tuổi, làm quan đến Tả thị lang Bộ binh, có đi sứ sang Trung Quốc. Cụ mất khi đang tại chức, được truy thăng Thượng thư và phần mộ của cụ đặt tại vùng đất Huế.

Về nhân vật Phạm Viên có nhiều tích truyện lạ. Sách “Thoái thực kỳ văn” (Những bài văn kỳ khôi mà khiêm nhường) chép: “Có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, Phạm Viên làm xong một trăm bài thơ”, nên gia đình ông nổi tiếng với câu: “Nhất cầm, nhất hạc, nhất bút, nhất nghiên, nhất đại công thần, nhất đại tiên”. Có nghĩa là trong ngôi nhà ấy có: Một cây đàn, một cánh hạc, một ngọn bút, một đĩa nghiên, một đời nổi lên bậc đại công thần và một đời xuất hiện một vị tiên”.

Theo gia phả và sự tích dân gian, Phạm Viên sau khi thành “con người có nhiều phép lạ” như vậy rồi, thì ngài lần đường đi về phương Nam. Và sách “Lược truyện về sự tích nhân vật hóa tiên” có kể là Phạm Viên đã đưa phần mộ của thân phụ từ Huế về Yên Bài (Diễn Châu) rồi cát táng gọn ghẽ chỉ trong một đêm. Chuyện ấy có được kể trong sách “Nghệ An ký”.

Đền - chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Từ chuyện thâm nghiêm, giàu tích lạ của một vùng núi, qua các thời, dãy Mồng Gà đã chi phối đến gió, mưa và sức trồng trọt của cư dân Quy Lăng cũng như cả vùng Tây Bắc của huyện Yên Thành, nơi mà hồi trước gọi là Đông Thành.

Do vì có địa thế cao và về mùa Hạ, gió Lào cũng thổi nhẹ hơn nên chốn này đỡ phần hạn hán và lụt lội. Khi chưa có công trình “dẫn thủy nhập điền” thì vùng này mùa màng cũng có phần đều đủ so với các nơi khác trong xứ. Nên tiếng tăm của vùng đất này nổi trội khá lâu trong câu ca của cư dân thuộc các nơi bị hạn hán rồi lụt lội nặng nề như vùng đất Nam Đàn, Hưng Nguyên (khi các nơi đó chưa có nông giang):

“Đông Thành là mẹ, là cha,
Đói cơm, rách áo thì ra Đông Thành”.

Thời xưa, triều đình cũng đã từng nghĩ, nên chọn Đông Thành là nơi cư dân ít gặp cảnh đói kém mà cho đặt cơ quan cai trị, nên thời cổ và trung đại, đất Quy Lăng - Yên Mã đã là lỵ sở của phủ Diễn Châu. Đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), triều Nguyễn mới trích một phần đất từ phủ Đông Thành mà đặt là huyện Yên Thành. Song cũng từ đó, tên của huyện mới này vẫn mang hồn cốt của địa danh “Đông Thành”.

Một góc thị trấn Yên Thành ngày nay. Ảnh: Sách Nguyễn

Chu Trọng Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét