11 thg 10, 2021

Thiền sư Đại Điên

Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tui có đọc mấy tập truyện tranh về Tế Điên hòa thượng, - một ông hòa thượng ăn thịt, uống rượu say bét nhèm, nửa điên nửa tỉnh nhưng phép thuật kinh hồn - tui cứ nghĩ đây là một nhân vật tưởng tượng được viết ra cho con nít (như tui) đọc. Sau này tui mới biết đó là một nhân vật có thiệt, được người đời sau thêu dệt nhiều chi tiết huyền hoặc.

Nhiều năm sau này, tìm hiểu các tích truyện Việt Nam, tui phát hiện ở nước Việt xưa cũng có một vị sư tên Đại Điên. Đại Điên không nổi tiếng như Tế Điên hòa thượng và cũng không tài phép như ông ta, nhưng cũng có pháp thuật cao cường. Câu chuyện về nhà sư Đại Điên có liên quan đến một vị sư lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, đã từng được phong làm quốc sư thời nhà Lý, đó là Từ Đạo Hạnh - thế danh là Từ Lộ. Nói cho đầy đủ, đây là câu chuyện về bộ ba Đại Điên - Từ Vinh - Từ Lộ, trong đó Từ Vinh là thân phụ của Từ Lộ.

Chùa Thầy Hà Nội. nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh,

Câu chuyện mang tính chất thần bí và được truyền miệng từ ngàn năm trước nên tất nhiên là có nhiều dị bản, chuyện tui kể dưới đây khá chi tiết, được trích từ tập sách Sự tích Đức Từ Thánh Tổ, do sư Như Tùng, trụ trì chùa Sài Sơn (tức chùa Thầy, nơi thờ Từ Đạo Hạnh) biên soạn năm 1932.

Số là thánh phụ (tức Từ Vinh, cha Từ Đạo Hạnh) giỏi thuật Bạch liên, rất khéo biến hình giấu dạng, ngầm vào gian thông với vợ Diên thành hầu. Hầu tức lắm, bèn mời Pháp sư Lê Đại Điên, người làng Dịch Vọng huyện Từ Liêm, đến trù. Khi Điên đến, yểm bùa làm phép, trao chỉ ngũ sắc cho vợ Diên thành hầu và dặn rằng: "Đặt chỉ ngang bụng, hễ thấy khác, thì quấn lại!" Đêm đến, phu nhân thấy động, bẻn làm theo như phép Đại Điên đã dặn. Tiếng kêu vừa vang, đèn đuốc đã đến, người ta hết sức tìm kiếm, chẳng thấy gì cả. Ngó lên giá áo trên tường, bỗng thấy lòng thòng sợi chỉ, Điên lôi xuống, té ra là một con rắn lớn. Đánh chết, xác rắn thành ngay hình người. Điên bèn ném thây xuống sông Tô Lịch.

Khi tử thi trôi đến cầu Tây Dương trước nhà Diên Thành Hầu, thì đứng dựng lên, lấy tay chỉ vào nhà Hầu, suốt ngày không trôi đi nữa. Hầu sợ, chạy vội đến nói với Đại Điên, Điên đến đọc kệ rằng: "Sãi giận điều gì, không giận trót đêm. Vả, sống là trường chơi, chết thành Bồ tát".

Dứt tiếng, xác liền ngã xuống, trôi đến xứ Hàm Long xóm Hạ Đình, xã Nhân Mục (làng Mọc), thì ngừng lại. Vì thiêng, nên làng Mọc vớt lên chôn cất và lập miếu thờ. Giỗ nhằm ngày mồng mười tháng giêng. Còn Tăng thị 
(vợ Từ Vinh) sau cũng tạ thế, tảng ở chùa Hoa, lăng làng Thượng Yên Quyết (tức làng Yên Hòa bây giờ). Giỗ nhằm ngày mồng mười tháng tư.

Dẫu rằng làm lỗi tại cha, nhưng đạo làm con không lẽ quên thù mà đeo lấy nhục. Ngày đêm Ngài tính rửa hờn, khốn nổi chưa tìm được kế. Một bữa, rình Đại Điên ra đi, Ngài toan dùng phép lấy gậy đánh vào bóng Điên, thì bỗng nghe trong không có tiếng mắng rằng: Thôi! thôi!  Ngài biết phép mình chưa thắng được Điên. bèn bỏ gậy về nhà, tức bực đau đớn, Muốn sang học phép Phật để chống lại Điên, liền cùng hai bạn là Minh Không và Giác Hải cùng đi học đạo.

Câu chuyện kể tiếp về hành trình học đạo của Từ Lộ, sau đó ông trở về để trả thù cho cha.

Một hôm, có bốn người chân không tới đất, đến trước mặt Ngài. Hạch rằng:"Chúng tôi là Tứ trấn thiên vương thấy công dức thầy đã tròn, nên đến hầu thầy sai khiến".

Ngài biết mình nay phép thuật đã cao, thù cha phải trả, bèn trở về Yên Lãng là nơi làng cũ, thân đến cầu Yên Quyết (tục gọi là cổng Cót) trên sông Tô Lich, thả gậy trên nước. Nước chảy xuôi, gậy trôi ngược, nhanh như bay, tới nhà Đại Điên thì ngừng lại. Ngài nhìn lên trên không, thấy im lặng, chứ không có tiếng "Thôi, thói!" như trước nữa. Điên thấy bèn nói: "Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao?" Gậy liền bay lên, đánh Điên chết. Xác đó bị ném xuống sông Tô. Nay ở Tiền thần xã Dịch Vọng, tức làng cũ của Đại Điên, có đền thờ ông ấy.

Chùa Thầy

Câu chuyện thật ly kỳ, và cũng... kỳ kỳ. Kỳ kỳ ở chỗ Từ Đạo Hạnh là một bậc cao tăng, đức cao vọng trọng của đạo Phật, mà đạo Phật chủ trương không sân si, không oán thù, không sát sanh. Thế mà ông lại giết người để trả thù cha, đã vậy người ấy không có lỗi mà chính cha của ông mới gây ra tội. Người ta cho rằng khi Từ Lộ cùng 2 bạn đi học đạo thì không phải đạo Phật, mà là đạo pháp, phép thuật - ông chỉ theo đạo Phật sau này thôi. Đáng thương cho Đại Điên hòa thượng, làm việc nghĩa mà phải vong mạng!

Từ Đạo Hạnh vốn là Quốc sư triều Lý nên chùa và các nơi thờ ông có rất nhiều, trong đó nơi chính yếu là chùa Thầy - tên chữ là chùa Thiên Phúc. Đây cũng là nơi tu tập ban đầu của ông, được xây dựng từ đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128).

Đại Điên không nổi tiếng như Từ Đạo Hạnh nhưng vẫn là một nhân vật lịch sử có thật, và hiện vẫn còn ngôi chùa thờ ông ở Hà Nội. Đó là chùa Quảng Khai, địa chỉ: ngõ chùa Duệ Tú, phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Người dân ở đây còn gọi là chùa Duệ Tú.

Chùa Duệ Tú. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Ngọc phả của làng Duệ Tú năm 1579 và bản sao năm 1737 chép rằng: thiền sư Đại Điên, tên thật là Lê Nghĩa. Sau khi cha mẹ mất, Lê Nghĩa đã tự hiến đất nhà mình để dựng chùa Quảng Khai làm nơi tu hành.

Điều đáng quan tâm là trong chùa có pho tượng thiền sư Đại Điên, tạc to bằng người thật, ngồi trong khám thờ. Bên cạnh có tấm bia (1941) ghi 3 đạo sắc phong cho Đại Điên vào các đời vua Gia Long, Duy Tân và Khải Định.

Khám thờ thiền sư Đại Điên. Ảnh: Võ văn Tường

Tượng thiền sư Đại Điên trong khám thờ. Ảnh: Võ văn Tường

Chẳng những thế, chùa còn có cả tượng thờ thân phụ và thân mẫu của thiền sư Đại Điên nữa!


Tượng thờ thân phụ và thân mẫu thiền sư Đại Điên

Độc đáo hơn nữa, ở Hà Nội không chỉ có nơi thờ Đại Điên, mà còn có cả nơi thờ Từ Vinh, người bị Đại Điên giết chết nữa, đó là chùa Tam Huyền. Chùa Tam Huyền tên chữ là Sùng Phúc tự, tọa lạc tại số 47, ngõ 117, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Trong khu vực chùa có am thờ và lăng mộ Từ Vinh.

Chùa Tam Huyền (Sùng Phúc tự). Ảnh: Võ văn Tường

Bàn thờ Từ Vinh trong chùa Tam Huyền. Ảnh: dulich24.com.vn

Câu chuyện truyền kỳ về Đại Điên - Từ Vinh - Từ Lộ không biết thực hư như thế nào, nhưng chắc chắn đã từng có những người ấy, hiện giờ vẫn còn những di tích liên quan và ắt là chuyện cũng có những phần sự thật. Thăm những nơi này và tưởng nhớ về chuyện xưa cũng thú vị lắm phải không các bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét