25 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Bảy Núi là bảy núi nào?

Trước khi tìm hiểu Bảy Núi là 7 núi nào, ta hãy cùng tìm hiểu tình trạng núi non ở An Giang nghen. Tui đọc dùm các bạn trong Địa chí An Giang (2013) như vầy nè.

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đứng trên góc độ địa hình, có thể chia đồi núi An Giang thành 2 dạng chính:

- Dạng núi cao và dốc: Núi cao và dốc được hình thành trong các thời kỳ tạo sơn mãnh liệt, do đó hình dạng của chúng thường là cao, có độ dốc lớn trên 25°. Do đó tạo điều kiện cho nước mưa tập trung nhanh dồn vào các khe rãnh rồi chảy xuống chân núi với tốc độ ngày càng gia tăng, hình thành các trận lũ quét. Dưới tác động của dòng chảy đó, dần dần các khe rãnh bị đào khoét sâu, mở rộng và kéo dài từ đỉnh núi cao chạy ngoằn ngoèo xuống chân núi và đổ nước vào các cánh đồng nghiêng ven núi. Ở An Giang, phần nhiều các núi lớn có độ dốc và độ cao vượt trội như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài .... đều thuộc dạng này.

- Dạng núi thấp và thoải: Núi thấp và thoải được hình thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào  có độ dốc nhỏ dưới 15°, độ cao thấp và ít khe suối, thậm chí một số núi có lớp thành tạo bề mặt phần lớn là đất. Ở An Giang, phần lớn các núi thấp nằm liền hoặc gần kề các núi lớn như núi Nam Qui, Sà Lon, núi Đất... đều thuộc dạng này.

Núi Cô Tô. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Từ đồi Tà Pạ nhìn qua núi Cô Tô. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Về độ cao núi, xuất phát từ khoa học địa lý cho rằng các núi nổi trên mặt đất có độ cao khác nhau là phần nổi của các cụm núi lớn chìm ngầm trong lòng đất. Mặt khác, để dễ tra cứu và tìm kiếm ngoài thực địa và nhất là để tiện phân tích độ cao núi một cách hệ thống và cô đúc, có thể căn cứ vào phân bố các núi nổi trên mặt bằng, chọn một số núi cao lớn làm trung tâm và gắn các núi thấp nhỏ gần kề thành từng khối. Với cách làm này, đồi núi ở An Giang được phân chia thành 6 cụm và 2 núi độc lập như sau:

Cụm núi Sập: có 4 núi là núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu đều thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn. Núi Sập to lớn hơn có độ cao là 85 m với chu vi là 3.800 m.

Cụm núi Ba Thê: có 5 núi nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn là Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Núi Ba Thê lớn nhất, cao 221 m và chu vi khoảng 4.220 m.

Núi Nổi: nằm độc lập thuộc thị xã Tân Châu với độ cao 10 m và chu vi khoảng 320 m.

Núi Sam: đứng độc lập thuộc thị xã Châu Đốc có độ cao 228 m và chu vi khoảng 5.200 m.

Trên núi Ba Thê. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Cụm núi Phú Cường: có 13 núi nằm trên địa bàn huyện Tịnh Biên là Phú Cường, núi Dài năm giếng (Dài nhỏ), núi Két, núi Rô, Trà Sư, Bà Vải, Đất Lớn, Bà Đắt, núi Cậu, Đất Nhỏ, Mo Tấu, núi Chùa và Tà Nung. Cao nhất là núi Phú Cường 282 m với chu vi khoảng 9.500 m.

Cụm núi Cấm: có 7 núi nằm giáp trên địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, đó là núi Cấm, Bà Đội, Nam Qui, Bà Khẹt, Tà Lọt, Ba Xoài và Cà Lanh. Núi Cấm cao nhất tới 705 m có chu vi 28.600 m.

Cụm núi Dài: thuộc huyện Tri Tôn, có 4 núi là núi Dài, núi Tượng, núi Nước và núi Sà Lon. Núi Dài cao nhất tới 554 m và chu vi là 21.625 m .

Cụm núi Cô Tô: có 2 núi là Cô Tô và Tà Pạ, cả hai đều thuộc địa bàn huyện Tri Tôn. Cô Tô là núi cao nhất tới 614 m với chu vi 14.375 m.

Bệ đá sa thạch ở đỉnh núi Sam, nơi ngự tượng Bà Chúa Xứ trước kia. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Từ đỉnh núi Sam nhìn xuống (vị trí bệ tượng Bà Chúa Xứ). Ảnh: Phạm Tường Nhân

Ngoài đặc điểm trong mỗi cụm núi độc lập rời rạc, còn thấy ngay mỗi núi lại có nhiều đỉnh với độ cao thấp khác nhau. Núi Cấm là núi lớn nhất có tới 6 đỉnh với độ cao từ 142 m đến 705 m, núi Dài là núi lớn thứ hai có 8 đỉnh (134 m đến 554 m), tiếp đó là núi Dài năm giếng có 5 đỉnh (148 m đến 265 m), núi Phú Cường có 5 đỉnh (153 m đến 282 m), núi Nam Qui có 3 đỉnh (172 m đến 213 m), núi Tượng có 2 đỉnh (100 m đến 145 m) và núi Két có 2 đỉnh (112 m đến 266 m). Các cụm núi Cấm, núi Dài, Phú Cường và Cô Tô liên kết thành một mạch núi liên tục trải dài 35 km và rộng 17 km với diện tích gần 600 km2.

BẢNG TỔNG HỢP NÚI Ở AN GIANG

STT

Tên núi - Tên chữ

Độ cao (m)

 Chu vi (m)

Tại xã

Huyện

 

Cụm núi: Núi Sập

 

 

 

 

1

Núi Sập - Thoại Sơn

85

 3.800

Núi Sập

Thoại Sơn

2

Núi Nhỏ

76

 2.200

Núi Sập

Thoại Sơn

3

Núi Bà

55

 280

Núi Sập

Thoại Sơn

4

Núi Cậu

34

 240

Núi Sập

Thoại Sơn

 

Cụm núi: Ba Thê

 

 

 

 

5

Ba Thê

221

 4.220

Vọng Thê

Thoại Sơn

6

Núi Nhỏ

63

 700

Vọng Thê

Thoại Sơn

7

Núi Tượng

60

 970

Vọng Thê

Thoại Sơn

8

Núi Trọi

21

 400

Vọng Thê

Thoại Sơn

9

Núi Chóc

19

 550

Vọng Thê

Thoại Sơn

 

Núi độc lập: Núi Nổi

 

 

 

 

10

Núi Nổi

10

 320

Tân Thạnh

TX Tân Châu

 

Núi độc lập: Núi Sam

 

 

 

 

11

Núi Sam - Học Lãnh Sơn

228

 5.200

Vĩnh Tế

TX Châu Đốc

 

Cụm núi: Phú Cường

 

 

 

 

12

Phú Cường - Bạch Hổ Sơn

282

 9.500

An Nông

Tịnh Biên

13

Núi Dài - Ngũ Hồ Sơn

265

 8.751

An Phú

Tịnh Biên

14

Núi Két - Anh Vũ Sơn

266

 5.250

Thới Sơn

Tịnh Biên

15

Núi Rô

149

 2.250

An Cư

Tịnh Biên

16

Núi Trà Sư - Kỳ Lân Sơn

146

 1.750

Nhà Bàn

Tịnh Biên

17

Bà Vãi

146

 1.400

Nhơn Hưng

Tịnh Biên

18

Đất Lớn

120

 2.120

Nhơn Hưng

Tịnh Biên

19

Núi Bà Đắt

103

 1.075

Văn Giáo

Tịnh Biên

20

Núi Cậu

100

 1.900

Xuân Tô

Tịnh Biên

21

Đất Nhỏ

80

 450

Nhơn Hưng

Tịnh Biên

22

Mo Tấu

80

 270

Nhơn Hưng

Tịnh Biên

23

Núi Chùa

60

 380

Nhơn Hưng

Tịnh Biên

24

Tà Nung

59

 1.450

Xuân Tô

Tịnh Biên

 

Cụm núi: Núi Cấm

 

 

 

 

25

Núi Cấm - Thiên Cấm Sơn

705

 28.600

An Hảo

Tịnh Biên

26

Bà Đội Om

261

 6.075

Tân Lợi

Tịnh Biên

27

Nam Qui

213

 8.875

Châu Lăng

Tri Tôn

28

Bà Khẹt

129

 1.380

Chi Lăng

Tịnh Biên

29

Núi Tà Lọt

69

 870

Châu Lăng

Tri Tôn

30

Ba Xoài

58

 550

An Cư

Tịnh Biên

31

Cà Lanh

41

 1.225

An Hảo

Tịnh Biên

 

Cụm núi: Núi Dài

 

 

 

 

32

Núi Dài - Ngọa Long Sơn

554

 21.625

Lê Tri

Tri Tôn

33

Núi Tượng - Liên Hoa Sơn

145

 3.825

Ba Chúc

Tri Tôn

34

Núi Sà Lon

102

 2.325

Lương Phi

Tri Tôn

35

Núi Nước - Thủy Đài Sơn

54

 1.070

Ba Chúc

Tri Tôn

 

Cụm núi: Cô Tô

 

 

 

 

36

Núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn

614

 14.375

Cô Tô

Tri Tôn

37

Núi Tà Pạ

102

 10.225

An Tức

Tri Tôn


Dữ liệu: Địa chí An Giang (2013). Lập bảng: Phạm Hoài Nhân

Thất Sơn là 7 núi nào?

Như vậy, trong 37 núi kể trên, 7 núi nào là Thất Sơn?

Chắc là không phải tính theo chiều cao rồi, vì lẽ ông bà ta ngày xưa đâu đo được chính xác chiều cao núi. Mà thật ra, nếu tính theo chiều cao vượt trội (trên 500 m) thì chỉ có 3 núi thôi, còn nếu tính thêm mức cao cỡ 200 met trở lên thì... tới 10 núi. Tính theo cụm núi và núi độc lập thì là 8.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Nương, trong bài Câu chuyện Thất Sơn đăng trên Nghiên cứu Sử địa An Giang dẫn rằng: Trong các tài liệu xưa thì Đại Nam nhất thống chí có kể tên Thất Sơn (Phần Núi sông của tỉnh An Giang trong ĐNNTC - quyển 30). Ác một nỗi, tên ghi trong đó là tên hồi xưa, mà bây giờ người ta lại không biết nó tương ứng với những núi nào. Căn cứ theo những mô tả ngắn gọn của ĐNNTC cùng với các bản đồ cổ mà đoán và ghi nhận lại 7 núi như sau:

1. Tượng Sơn, đoán là Núi Sam (số 11 trong danh sách)
2. Tô Sơn, đoán là Núi Cô Tô (36)
3. Cấm Sơn, đoán là Núi Cấm (25)
4. Ốc Nhẫm, đoán là Núi Bà Đội Om (26)
5. Nam Vi, đoán là Núi Nam Qui (27)
6. Tà Biệt, đoán là Núi Phú Cường (12)
7. Nhân Hòa, đoán là Núi Dài (32)

Nhưng dân gian đâu có đọc Đại Nam nhất thống chí, họ chỉ kể tên Thất Sơn theo lời ông bà truyền lại hoặc theo truyền miệng từ người này sang người kia. Mà những lời truyền miệng ấy tam sao thất bản, nên bây giờ ta có những bản danh sách Thất Sơn, không bản nào giống bản nào.

Một góc Khu Du lịch Lâm viên Núi Cấm, nhìn từ tháp chùa Vạn Linh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2010

Trong Thất Sơn mầu nhiệm, học giả Nguyễn văn Hầu cũng căn cứ theo nhiều nguồn để dẫn ra nhiều danh sách khác nhau, và cuối cùng tóm lại một danh sách mà ông cho là hợp lý như sau:

1. Núi Trà Sư (16)
2. Núi Két (14)
3. Núi Bà Đội Om (26)
4. Núi Cấm (25)
5. Núi Dài (32)
6. Núi Tượng (33)
7. Núi Cô Tô (36)

Năm 1984, tác giả Trần Thanh Phương trong sách Những trang sử về An Giang, kể tên 7 núi là:

1. Núi Cấm (25)
2. Núi Dài - Ngũ Hồ Sơn (13)
3. Núi Cô Tô (36)
4. Núi Dài - Ngọa Long Sơn (32)
5. Núi Tượng (33)
6. Núi Két (14)
7. Núi Nước (35)

Theo tác giả Nguyễn Kim Nương, danh sách do Trần Thanh Phương đưa ra trùng với danh sách 7 núi được lưu truyền nhiều nhất trong dân gian ở An Giang. Có lẽ ông đã tham khảo người dân địa phương để đưa ra danh sách này. Và có lẽ chính do đó hiện nay bảng danh sách 7 núi do Trần Thanh Phương đưa ra được công nhận rộng rãi nhất.

S
o sánh 3 bảng, ta thấy dù Thất Sơn có gồm 7 núi nào đi nữa, trong danh sách đó chắc chắn phải có Núi Cấm - Thiên Cấm Sơn. Hai núi còn lại cũng có tên trong cả 3 bảng là núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn và núi Dài - Ngọa Long Sơn.

Đi cáp treo lên núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thành ra bây giờ nếu bạn muốn khám phá
 Thất Sơn huyền bí, Thất Sơn mầu nhiệm mà không có thời gian, mà tuổi già sức yếu leo núi không nổi thì... chỉ cần lên một núi Cấm là đủ rồi! Đó là núi cao nhất, nổi tiếng nhất, linh thiêng nhất, tiêu biểu nhất trong Thất Sơn. Và quan trọng hơn cả là trong Thất Sơn, đây là ngọn duy nhất... có cáp treo lên núi, khỏi phải leo, chỉ... tốn tiền mua vé thôi. 

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét