4 thg 10, 2021

Bình yên Chùa Đá

Nằm ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), chùa Đá (Thạch Động tự) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng.

Theo lịch sử ghi chép lại, thời xa xưa, chùa Đá có tên là “Huyền Lâm tự”. Sau khi chùa Huyền Lâm đổ nát, chùa xây mới đặt lại tên là Thạch Động tự (chùa Đá). Đây là ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn cũ (huyện Đức Thọ ngày nay), có lịch sử hơn 600 năm.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ và bị phá hủy. Những năm gần đây, dự án trùng tu, phục dựng chùa Đá đã được triển khai thực hiện với sự phát tâm, công sức Nhân dân và phật tử khắp mọi miền đất nước.

Ngày 28/2/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 732/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Đá.

Chùa Đá rộng 3.200 m², nằm trên địa phận thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Cổng tam quan chùa Đá được thiết kế, xây dựng tỉ mỉ từng chi tiết.

Đây là ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn cũ (huyện Đức Thọ ngày nay). Chùa từng thu hút nhiều nhà sư có tên tuổi đến tu hành và nay là điểm đến tâm linh được các phật tử tìm về.

Ngay khi bước qua cổng tam quan là bức tượng Di Lặc.

Phía sau tượng Di Lặc là tòa đài Quan âm.

Bên trên mái đài Quan âm và các tòa khác trong chùa Đá đều được đắp nổi hình “lưỡng long, chầu nguyệt” hoặc hình “rồng múa, phượng chầu".

Từ đài Quan âm, du khách sẽ được bước đi trên con đường rợp bóng cây với hai bên lối là 18 bức tượng khắc họa 18 vị La Hán.

Đi qua con đường có tượng các vị La Hán sẽ dẫn đến điện thờ chính (hay còn gọi là điện Tam Bảo).

Bên trong thượng điện có các bức tượng Phật được bố trí từ cao xuống thấp. Tương truyền rằng, thượng điện được xây bao phủ trên tòa đá bằng phẳng, với dụng ý dùng tòa đá làm bàn thờ Phật. Chùa có tên là Thạch Động tự cũng vì vậy.

Phía bên tay trái điện Tam Bảo là điện thờ thánh Mẫu.

Cạnh điện Mẫu có một cây thị. Theo người dân nơi đây, cây thị này có trên 400 năm tuổi.

Tượng Bồ tát quan âm dưới gốc thị.

Phía sau ngôi chùa là am tháp lưu giữ xá lị một số nhà sư đã viên tịch.

Đặc biệt, đi về phía bên phải của điện Tam Bảo, du khách còn được chiêm ngưỡng 1 động đá nhân tạo cao gần 9m.

Bên trong động đá nhân tạo có các nhũ thạch huyền bí. Đây cũng được coi là điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa.

Phía trước động đá nhân tạo có 1 tháp chuông cao khoảng 10m, phía trên tháp treo quả chuông bằng đồng.

Chuông được đúc năm 2012, có đường kính 1m, nặng khoảng 1 tấn.

Chùa Đá không chỉ là nơi quy hướng tâm linh của những đệ tử Phật mà còn là địa chỉ văn hóa lịch sử trong quần thể di tích để du khách thập phương vãn cảnh, chiêm bái.

Bên trong khuôn viên chùa còn được thiết kế hồ nước, hòn non bộ...

...và những hồ hoa súng nhỏ bao quanh tạo nên vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh.

Chùa nằm trên triền đồi, liền kề với chân núi Tùng Lĩnh thuộc dãy Trà Sơn. Xung quanh chùa có nhiều danh lam thắng cảnh như: hồ Khe Lang, hồ Phượng Thành, núi Chữ Nhật (được gọi là Nhất Tự Sơn), núi Tùng Lĩnh - bến Tam Soa, nhà thờ danh tướng Lê Bôi, lăng mộ lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. (Trong ảnh: Cảnh chùa về đêm).

Trụ trì chùa Đá hiện nay là Thượng Toạ Thích Thanh Phong. Chùa được điều phối hơn 10 chư tăng về đây để tu tập, hướng dẫn văn hoá Phật giáo cho địa phương. Mỗi năm chùa đã phát tâm gần 1 tỷ đồng hỗ trợ từ thiện, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai và tặng quà khuyến học.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, chùa yêu cầu phật tử hạn chế tập trung đến chùa lễ phật; khi đến chùa đều được nhà chùa lưu ý giãn thời gian, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Hằng ngày, vào buổi tối, chùa phát trực tiếp cộng tu đại chúng trên facebook để các phật tử tiện theo dõi, tu tập.

Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét