15 thg 10, 2021

Nhọc nhằn nghề khai thác mủ thông

Băng rừng, vượt núi, nay đây mai đó, ăn nghỉ ngay tại rừng là việc hằng ngày của những người thợ khai thác nhựa thông. Họ đi từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, dù khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, thu nhập cũng không cao nhưng không còn cách nào khác, họ vẫn phải cố gắng bám trụ với nghề vì cuộc sống.

Trong chuyến công tác tại huyện Đăk Tô, tôi tình cờ bắt gặp một số người tay xách, nách mang dụng cụ đi trên xe máy ngược về những cánh rừng thông ngút ngàn. Họ là những người làm nghề khai thác mủ thông thuê để kiếm sống. Hiện nay, dưới cánh rừng thông bạt ngàn ở khu vực xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) có hàng chục túp lều bạt dựng tạm nằm ngay dưới những gốc thông. Mỗi khoảnh rừng thông, thấp thoáng dưới những gốc thông có những chiếc lều tạm phủ bạt nằm ẩn nấp phía dưới. Đây là nơi ăn, chốn ở của hàng chục con người làm nghề khai thác, cạo mủ thông thuê.
Theo chân những người này, chúng tôi về vùng rừng thông đã được trồng từ hơn 20 năm trước ngay dưới chân đèo Măng Rơi thuộc xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô). Ẩn nấp dưới rặng thông cao vút là những túp lều được dựng tạm bợ, được phủ lớp bạt bạc màu để che nắng che mưa. Qua tìm hiểu, đa số những người làm nghề khai thác mủ thông đều ở các tỉnh thành phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…vào làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Vất vả nghề cạo mủ thông. Ảnh: P.N

Trong căn lều chừng hơn 30 mét vuông, ông Mai Hồng Phượng quê ở tỉnh Lạng Sơn, năm nay 63 tuổi nhưng ông đã có thâm niên làm nghề khai thác mủ thông gần 30 năm. Suốt ngần ấy năm, ông có mặt trên 10 tỉnh thành có nhiều diện tích trồng thông để khai thác, cao mủ thuê. Ông đến mảnh đất Kon Tum này đã gần 3 năm nay và gót chân ông đã lội khắp những cánh rừng thông ở khu vực Đăk Tô, Tu Mơ Rông làm nghề cạo mủ. Hàng ngày, từ sáng sớm, ông đã khăn đùm, khăn gói vào rừng cạo mủ đến tối mịt mới về.

Theo lời kể của ông Phượng, việc khai thác nhựa rất vất vả, để lấy được nhựa, người thợ chấp nhận leo đồi, vượt núi, phải dùng dao phát cây xung quanh, vạch từng gốc cây để cạo vỏ. Mỗi cây thông cho nhựa từ 0,5-1kg trong một tháng nhưng mỗi ngày người đi lấy nhựa thông phải đến từng cây để cạo lớp vỏ cây thông để nhựa chảy ra. Tại mỗi gốc thông người cạo phải dùng một túi nilông cột ngay dưới miệng cạo để hứng nhựa chảy ra. Đến cuối tháng khi nhựa thông đông cứng, đầy túi người cạo đi lấy nhựa và gom lại mang về đi giao cho chủ hàng thuê cạo.

Ông Phượng cho biết: Điều khó khăn nhất với việc cạo mủ thông là ngày nào cũng phải đến từng cây để cạo, bởi nếu không cạo, vỏ là mạch bít lại nhựa không thể chảy được. Với hơn 3.500 cây tôi nhận thì việc đi hết từng cây hàng ngày rất vất vả, cực nhọc, mỗi ngày đi đến cả chục cây số. Điều đáng nói là việc đi bộ chục cây đường bằng đã mệt rồi chứ nói gì là đường rừng thì càng mệt gấp bội.

Điều đáng nói, dù vất vả như vậy nhưng thu nhập của người khai thác mủ cũng không cao. Mỗi ký nhựa thông chỉ có giá 8.000-10.000 đồng. Theo lời người khai thác mủ, nếu chịu khó làm mỗi tháng cũng có thu nhập từ 6-7 triệu đồng. Đó là mùa nắng, còn mùa mưa không đi làm được thì thu nhập còn thấp hơn.

Vì nghề nay đây mai đó nên những người khai thác mủ thông không xây nhà kiên cố mà chỉ dựng tạm túp lều bạt lấy che nắng che mưa. Ngày ngày họ phải len lỏi và ăn ngủ ngay trong những cánh rừng thông. Dù rất nhọc nhằn, vất vả, nhưng không còn cách nào khác, họ vẫn phải đi và phải làm để kiếm tiền, lo toan cho cuộc sống gia đình.

Đi lấy mủ thông. Ảnh: P.N

Hoàn cảnh của chị Đặng Thị Liễu (quê Lạng Sơn) mới thấy thương cảm. Mới 40 tuổi, nhưng tôi nhìn bề ngoài như đã hơn 50 tuổi. Hơn 20 năm trước, gia đình đang sống hạnh phúc bỗng đổ vỡ. Bị gia đình nhà chồng dị nghị, chị dắt díu mấy người con rời quê đến mảnh đất Kon Tum lập nghiệp. Do không có việc làm, nhà cửa, không có đất sản xuất, chị tìm đến khu rừng thông ở Đăk Trăm rồi dựng lán tạm chiếc lều ở dưới những tán rừng và xin đi cạo nhựa thông để kiếm tiền lo toan cho cuộc sống. Thế nhưng vì cuộc sống khổ cực, cô con gái đầu của chị trở lại quê đi làm công nhân còn chị và 2 người con trai vẫn ở lại dưới đồi thông bạt ngàn. Người con trai thứ 2 của chị là Nguyễn Duy Nguyên (14 tuổi) cũng bỏ học theo mẹ đi cạo mủ. Còn cậu con trai út Nguyễn Duy Lâm thì suốt ngày quanh quẩn bên chiếc lều tạm.

Để lo toan cho cuộc sống, chị Liễu nhận cạo thuê hơn 4.500 cây thông ở xã Đăk Trăm. Mỗi ngày, hai mẹ con chị chia nhau đi hàng chục cây số đường rừng đến từng gốc thông để cạo. Hai mẹ con chị làm quần quật suốt ngày nhưng mỗi tháng cũng chưa được chục triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy nên chị Liễu phải tằn tiện chi tiêu để tiết kiệm còn lo cho cuộc sống sau này của các con.

Theo chị Liễu, nghề cạo mủ thông rất vất vả, khó khăn bởi cả rừng thông bạt ngàn như vậy, nhưng không phải cây thông nào người thợ cũng được khai thác. Chỉ những cây có tuổi trên 20 năm, đường kính từ 20 cm trở lên mới được lấy nhựa. Nhưng cũng có cây đủ tuổi, đủ kích thước nhưng lại không cho nhiều nhựa do bị sâu bệnh phá hoại.

“Thú thật, khai thác mủ thông dù vất cả, nhọc nhằn thật nhưng có việc làm vậy là may mắn rồi. Còn có đồng ra, đồng vào để lo cho cuộc sống”- chị Liễu tự động viên mình.

Trong rừng sâu, cuộc sống của người khai thác mủ nhọc nhằn. Họ sợ nhất là mùa mưa bão. Bởi mùa này, những cơn gió thổi ù ù, cơn mưa rừng xối xả khiến chiếc lều tạm của những người cạo mủ thông quá mong manh.

Chị Liễu kể: Ở trên rừng thông, tôi sợ nhất là vào mùa mưa. Bởi mùa này gió thổi rất mạnh, nhất là những hôm mưa kèm gió mạnh, sợ dây néo lều bị gió giật đứt. Chiếc lều tạm của tôi đã nhiều lần mưa tạt vào lều làm mấy mẹ con ướt hết. Nhưng biết làm sao được, đến đâu hay đến đó thôi.

Cuộc sống nhọc nhằn của người khai thác mủ thông hiện rõ trong bữa cơm của 3 mẹ con chị Liễu. Bữa cơm gồm vài miếng thịt mỡ còn lại từ bữa trưa nấu với mì tôm. Do làm về quá muộn nên chị Liễu không kịp nấu cơm nên chị nấu vội gói mì để ăn. Ấy vậy mà nhìn 3 mẹ con chị cũng thấy hạnh phúc với bữa cơm đạm bạc vì còn có cái ăn.

Được thấy thực tế cuộc sống việc làm của những người khai thác mủ thông mới thấy họ vất vả nhưng cũng đầy nghị lực và ý chí vượt khó. Dưới những túp lều tạm bợ sâu trong rừng thông, nay đây mai đó, dù biết khó khăn, vất vả, nhưng ở đâu có rừng thông, có việc làm là họ lại tìm đến để được lao động nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 20 người từ các tỉnh phía Bắc đến hành nghề cạo mủ thông. Khi đến địa bàn làm việc và sinh sống, UBND xã tạo điều kiện, hướng dẫn họ làm các thủ tục, đăng ký tạm trú tạm vắng, đồng thời quan tâm hỗ trợ họ những lúc khó khăn.

PHÚC NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét