25 thg 2, 2021

Về địa danh "Tri Tôn", "Tức Dụp".

Đọc bài “VỊNH CHÙA XVAYTON (Tri Tôn) của Trần Văn Đông trong Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 92 – 11/2012, cuối trang có chú thích địa danh “Xvayton” có nghĩa là “khỉ đeo”, tôi sực nhớ đến xấp tài liệu do cô Nguyễn Thị Thái Trân – giảng viên của Trường Đại học An Giang – tặng cho tôi cách đây mấy tháng. Tài liệu được trích từ Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của cô, chuyên ngành Văn hóa học, do GS. Lê Trung Hoa hướng dẫn. Luận văn trình bày kết quả nghiên cứu về địa danh, trong đó có một số phát hiện khá thú vị về cách lý giải ý nghĩa của địa danh, chẳng hạn như địa danh “Tri Tôn”, “Tức Dụp”. Sau đây là ý kiến của cô Thái Trân (lược ghi):

Chùa Xvayton (tức Tri Tôn)

Tri Tôn

Tri Tôn có dạng gốc theo phát âm của người Kinh là Xà Tón, một hình thức mượn từ tố gần âm có sẵn trong tiếng Việt. Theo Trương Vĩnh Ký thì Tri Tôn có dạng gốc là Sva Téanh Sva Tôn, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa nơi đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đang có một sự nhầm lẫn. Qua khảo sát thực địa và tìm hiểu từ những bậc lớn tuổi ở Tri Tôn và một số cán bộ (người Khmer) công tác ở ngành văn hóa địa phương, chúng tôi thấy cần phân biệt rõ ràng giữa hai tổ hợp từ: Sva Tong (Sva: “khỉ”; Tong: “níu kéo”) và Svay Tôn (Svay: “xoài”; Tôn: “dây/cuống”). Như vậy, chùa Xà Tón tức Xvayton/Svayton, nghĩa là “xoài dây”, xuất phát từ lịch sử xây dựng chùa.

Chùa được xây trên nền đất giữa rừng, có một cây xoài vươn cao hơn những cây khác để tìm ánh sáng, vì vậy trông nó giống như dây leo hơn là cây thân gỗ, rất khác so với những cây còn lại, người ta cho đó là điều linh thiêng, do vậy các sư chọn nơi này dựng chùa và lấy yếu tố này để đặt tên chùa. Ngày nay, cây xoài dây không còn nữa, chỉ được truyền khẩu trong chùa.

Việc lấy tên chùa để gọi tên vùng đất xung quanh là rất dễ hiểu đối với người Khmer. Khi đến sống ở vùng đất mới, bao giờ họ cũng chọn nơi đất cao ráo, có nhiều yếu tố tốt, linh thiêng để cất lên một ngôi chùa trước tiên, sau đó mới lập làng (phum, sóc). Ví dụ: chùa Svay So “xoài trắng” (chùa Soài So), do chỗ này có mọc nhiều cây xoài trắng nên người Khmer chọn làm nơi xây dựng chùa. Xoài trắng là giống xoài lạ, có giả thuyết cho là cành lá nó cũng bình thường như những cây xoài khác, nhưng trái xoài thì màu trắng. Một giả thuyết khác lại cho rằng: đúng là cành lá nó cũng bình thường nhưng hạt chiếm 95% quả, vỏ màu xanh, cơm màu trắng, ngày nay không còn trồng ở Tri Tôn nữa vì nó không kinh tế và rất kén độ cao. Giống xoài này vẫn còn được trồng ở Campuchia.

Vậy, Tri Tôn có từ gốc là Svay Tôn, nghĩa là “xoài dây” chứ không phải là khỉ đeo hay khỉ níu kéo.

Tức Dụp

Đồi Tức Dụp

Tức Dụp là tên một ngọn đồi ở huyện Tri Tôn. Hiện nay, người ta cho rằng “Tức Dụp” có nghĩa là “nước đêm” (Tức: nước; Dụp: đêm), xoay quanh hiện tượng ở ngọn đồi này, về đêm có nước chảy róc rách; người dân ở đây thường đến lấy nước ở con suối trong đồi vào ban đêm. Tuy nhiên, cách lý giải này thiếu thuyết phục vì người Khmer không có thói quen đi lấy nước vào ban đêm.

Tên nguyên thủy của địa danh này là Tưk Chúp (tiếng Khmer). Các tài liệu, bản đồ của chính quyền Sài Gòn cũng như của Mỹ trước năm 1975 đều ghi là Tưk Chúp. Tưk nghĩa là “nước, nguồn nước”; Chúp là “thần thánh, linh thiêng”. Đồi Tức Dụp (Tưk Chúp) được cấu tạo bởi nhiều tảng đá chồng lên nhau tạo ra những hóc đá và hang động. Dòng nước tại ngọn đồi này lúc nào cũng chảy róc rách, dù mưa hay nắng cũng có nước từ các khe đá chảy ra. Người dân địa phương cho rằng đây là nguồn nước của thần thánh ban tặng nên nó không bao giờ cạn, gọi là “Tưk Chúp”. Về mặt thanh điệu, hai âm tiết Tưk và Chúp đều ở âm vực cao, người Việt khó phát âm nên diễn ra hiện tượng dị hóa, “Chúp” chuyển thành “Chụp” âm vực thấp hơn. Tức Chụp được người Kinh sử dụng rộng rãi đến năm 1977, khi có sự phân định lại ranh giới hành chánh để xây dựng đất nước sau chiến tranh, Tức Chụp được đọc và ghi tên trên bản đồ là Tức Dụp như hiện nay. Việc sai lệch này dẫn đến sai lệch về ý nghĩa ban đầu của nó. Dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi, người Khmer bản địa, dù già hay trẻ đều gọi ngọn đồi này là Tưk Chúp.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, đồi Tức Dụp, làng Tức Dụp … hiện nay có dạng gốc là Tưk Chúp, nghĩa là “nguồn nước thần thánh” chứ không phải là “nước đêm”.

Tìm hiểu địa danh xưa là công việc khó, phức tạp, vì vậy, chúng ta không nên dễ dãi chấp nhận một kiểu lý giải nào đó mà chưa thực sự thuyết phục. Những lý lẽ trên đây của một giảng viên trẻ Trường Đại học An Giang về địa danh “Tri Tôn” và “Tức Dụp” đáng được chúng ta suy ngẫm.

Th.S Nguyễn Kim Nương.
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 95, 02-2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét