25 thg 2, 2021

Nguyễn Cao Thương - Chân dung họa sĩ tài ba

Nguyễn Cao (Kao) Thương (22-3-1918 – 28-3-2003) là một người độc đáo trong làng mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam và toàn Đông Dương bắn rơi máy bay của giặc Pháp. Ông cũng là người đặt tên cho Trường Trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tiền thân của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày nay và làm hiệu trưởng cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Chân dung tự họa, sơn dầu của Nguyễn Cao Thương.

Năm 1944, sau khi theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), Nguyễn Cao Thương vào Sài Gòn tham gia phong trào sinh viên học sinh. Tháng 9-1945, ông gia nhập Cộng hòa vệ binh Nam bộ và được phân công giữ chức phân đội trưởng rồi đại đội trưởng đại đội Vĩnh Trà thuộc Bộ Tư lệnh quân khu 8.

Họa sĩ Lê Thanh Trừ nhớ lại: “Mùa hè năm 1947, một sự kiện xảy ra ở xã Cái Chương (Trà Vinh) vốn là một “vùng trắng” - hậu cứ của địch. Nơi đây tựa như một cù lao chênh vênh giữa cánh đồng lúa, muốn vào làng phải băng qua khoảng trống. Ở vòng ngoài, đồn bốt giặc đóng giăng giăng. Đêm ấy, chỉ huy đơn vị triệu tập toàn đại đội để phổ biến kế hoạch hành quân vào sâu trong lòng địch. Quân Pháp ở Trà Vinh được tin, lập tức chuẩn bị kéo quân đánh phủ đầu.

Mặt trời vừa ló dạng, từ phía thị trấn Càng Long tiếng xe ầm ì vọng lại, trên đầu máy bay gầm rú. Về phía ta, anh em nằm phục dưới công sự, chỉ có viên chỉ huy vẫn đang theo dõi địch ở… trên cây. Ông lên đạn khẩu trung liên, miệng lầm bầm: “Mày mà qua một lần nữa tao cho mày biết tay”. Máy bay lượn vòng vòng, từ ngọn cây loạt trung liên nổ giòn giã. Chị chủ nhà đứng dưới gốc cây bỗng la lên: “Trúng đạn rồi! Hoan hô, xe bay trúng đạn rồi!”.

Bộ đội và dân làng reo vang, viên chỉ huy vẫn còn trên cây, bị cành lá che khuất, giờ mới biết chính mình hạ được máy bay!”. Đó là Nguyễn Cao Thương - người đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương bắn rơi máy bay của giặc Pháp.

Năm 1948, trong trận đánh ác liệt ở Dừa Đỏ (Trà Vinh), Nguyễn Cao Thương bị thương, nằm viện một thời gian dài và sau này giám định thương tật thuộc loại 3/4. Thế là chấm dứt đời lính, ông trở về với vai trò họa sĩ - nhà giáo.

Năm 1976, Bộ Văn hóa - Thông tin đề bạt ông làm trưởng đoàn tiếp quản Trường Kỹ thuật Biên Hòa - tiền thân là Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Năm 1978, ông trở thành hiệu trưởng của trường và chính thức đổi tên trường thành Trường Trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và xây dựng các chuyên ngành đào tạo của trường gồm: Trang trí công thương nghiệp; Gốm mỹ thuật; Điêu khắc trang trí; Gỗ trang trí; Đúc đồng trang trí; Sắt trang trí; Khắc, chạm đá nhân tạo; Đồ chơi trẻ em… và bắt đầu tuyển sinh những khóa đầu tiên.

Ngược xuôi quản lý đào tạo mỹ thuật trong nhiều năm, tháng 10-1980, thầy Nguyễn Cao Thương nghỉ hưu. Về địa phương thầy tham gia nhiều hoạt động trong phong trào quần chúng và được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân phường, tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Ông cũng dành thời gian sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị…

Bìa sách Nguyễn Cao Thương - Vẽ là lẽ sống.

Trong thời gian làm họa sĩ - thầy giáo, ông Nguyễn Cao Thương được cử đi nhiều nước trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Cuba, Lào… để nghiên cứu về hội họa, văn hóa nghệ thuật, trên cơ sở đó đúc kết những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới để truyền thụ cho học trò, đồng nghiệp ở Việt Nam.

Đến đâu ông cũng say mê quan sát, tận tình tìm hiểu và tỉ mỉ ký họa, ghi chép. Thế nhưng, theo lời anh Nguyễn Hiếu Trung - con trai họa sĩ Nguyễn Cao Thương: “Khi ở nhà cũ, tác phẩm không được bảo quản cẩn thận nên mối mọt ăn nhiều. Năm 2002 khi chuyển nhà thì ông bỏ hết đi, chỉ mang theo được màu và giấy vẽ”.

Vì thế, khi ông Tira Vanichtheeranont, nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan, công bố bộ sưu tập được in thành sách Nguyễn Cao Thương - Vẽ là lẽ sống, ai nấy đều hồ hởi. Ông Tira cho biết, ông mua được bộ sưu tập của họa sĩ Nguyễn Cao Thương vào tháng 6-2013 tại TPHCM từ ông Ralph Matthews, nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ.

Bộ sưu tập gồm 256 bức ký họa và màu nước, một nửa trong số đó là tranh màu nước trên khổ giấy lớn và sáu tranh sơn dầu trên bìa cứng/giấy bồi của họa sĩ tài ba Nguyễn Cao Thương thuộc trường phái hiện thực xã hội. Toàn bộ những ký họa, màu nước và sơn dầu trong bộ sưu tập này chưa một lần được giới thiệu với công chúng trong suốt 40 năm qua.

Cùng với một loạt tài liệu viết tay, đây là một cuốn nhật ký sinh động minh họa cuộc đời của họa sĩ, và là cơ sở để có thể đánh giá hoàn cảnh sáng tác hay tính xác thực những tác phẩm được tìm thấy sau này của ông.

Sau ngày thống nhất đất nước, một số tác phẩm của Nguyễn Cao Thương sáng tác vào những năm cuối đời khoảng 1997, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm và lưu giữ. Những tác phẩm này đã giành một số giải thưởng mỹ thuật.

Trong thời gian này, ông được cử đi nhiều nước trên thế giới theo các đoàn ngoại giao như Cuba, Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô, nơi ông đã ghi lại không biết bao nhiêu hình ảnh về phong cảnh và con người. Rất nhiều bức chân dung ông vẽ trong những chuyến đi này còn lưu chữ ký của nhân vật. Đây quả là một nguồn lưu trữ lịch sử quan trọng.

Ông Ralph Matthews, nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ, nhận định: “Bây giờ chúng ta đã có một nguồn tư liệu bổ sung khá dồi dào về họa sĩ Nguyễn Cao Thương. Những tác phẩm chưa từng được biết đến giúp chúng ta hiểu hơn sự tôn kính mà những người cùng thời dành cho ông với vai trò là một giảng viên mỹ thuật và giúp chúng ta hiểu hơn về sự nghiệp của ông. Di sản ông để lại có thể khẳng định ông là nghệ sĩ phác họa và họa sĩ màu nước tài ba nhất so với những họa sĩ cùng thời”.

Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định về việc tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật cho họa sĩ Nguyễn Cao Thương với các tác phẩm: Bác Hồ thăm trận địa pháo ở hồ Tây (sơn dầu), Hành quân qua bưng biền Đồng Tháp Mười (sơn dầu), Xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (sơn mài)

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét