Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc ở làng Chốt, Nghệ nhân ưu tú A Huynh (39 tuổi) hiểu rõ đàn T’rưng có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người dân trong làng. A Huynh nhớ lại, khi còn nhỏ, lúc cùng cha mẹ lên rẫy, anh đã nhìn thấy đàn T’rưng ở trong chòi rẫy của hầu hết các gia đình trong làng.
“Đàn T’rưng khi ấy chỉ là chuỗi các ống đàn được làm bằng cây lồ ô và được liên kết với nhau bằng dây mây hoặc dây làm từ vỏ cây yâo brang, một loại cây rừng mà người làng Chốt hay tước vỏ, xoắn lại để làm dây cột trâu, cột bò và lấy thân gỗ để làm dùi đánh trống, đánh đàn. Đàn vẫn có dáng hình thang nhưng việc bố trí các ống đàn thì ngược lại so với việc bố trí các ống đàn T’rưng ngày nay mọi người thường thấy. Những ống đàn có âm độ thấp (cây lồ ô dài) thì nằm ở xa, còn những ống đàn có âm độ cao (cây lồ ô ngắn) lại nằm ở gần người đánh. Vì không có giá đỡ (người Gia Rai gọi là nhà của đàn) nên để đánh đàn, người đánh sẽ treo đầu có ống đàn dài, âm độ thấp lên khung cửa của chòi rẫy, đầu còn lại họ sẽ cột vào cổ chân của mình”, anh A Huynh kể.
Người làng Chốt hay đánh đàn T’rưng trong những buổi cơm chiều. Mọi người vừa ngồi đánh đàn, vừa ăn cơm uống rượu, vừa ca hát để giải tỏa những mệt mỏi sau một ngày làm rẫy vất vả. Mọi người thường hát những bài dân ca, giao duyên hay phản ánh về đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày như: Tình yêu bên suối, Hái rau rừng, Nhớ cha đi bộ đội, Ru con, ru em.
“Việc đánh đàn T’rưng và ca hát còn có ý nghĩa báo hiệu cho những chòi rẫy hàng xóm, bên kia sườn núi rằng, đêm nay gia đình chúng tôi sẽ ngủ lại rẫy”, anh A Huynh nói.
Ngoài đàn T’rưng dùng để gõ, người làng Chốt còn chế tạo ra đàn T’rưng nước để bảo vệ mùa màng trước thú rừng và chim, chuột. Vẫn được làm từ những cây lồ ô, dây mây và dây yâo brang, đàn T’rưng nước phát ra âm thanh liên hồi và theo giai điệu nhất định nhờ dòng nước.
Nghệ nhân ưu tú A Huynh đánh đàn. Ảnh: Đ.T
Đàn T’rưng không chỉ đệm để ca hát mà còn có thể độc tấu hoặc hòa tấu cùng các nhạc cụ khác của người Gia Rai như: cồng chiêng, ting ning… Chính vì sự đa dạng như vậy, dần dần người làng Chốt không còn để đàn T’rưng trên rẫy mà bắt đầu mang về nhà để đánh trong các lễ hội của làng. Đàn cũng được cải tiến để tạo thuận lợi cho người đánh như gắn thêm giá đỡ được làm từ những cây le, những ống đàn có âm độ cao (cây lồ ô ngắn) được treo lên trên còn những ống đàn có âm độ thấp (cây lồ ô dài) được treo ở vị trí thấp gần người đánh; đàn cũng có thêm 2 hoặc 3 gian để tăng thêm các ống đàn, tăng thêm các nốt nhạc thay vì 1 gian (gồm 1 hàng lồ ô với tối đa 13 ống đàn) như trước đây.
Được cha và những người trong gia đình truyền dạy, A Huynh biết chế tác và đánh thuần thục nhiều loại nhạc cụ của người Gia Rai, trong đó có đàn T’rưng. Anh bật mí, để làm được đàn T’rưng, người làm phải biết cảm âm và khéo tay, tương tự như một người biết chỉnh cồng chiêng. Thời gian để nghệ nhân hoàn thành một cây đàn T’rưng là hơn 3 tháng.
Để chế tác một cây đàn T’rưng A Huynh vào rừng, chọn những cây lồ ô thẳng, chặt mang về. Theo kinh nghiệm dân gian, việc chặt lồ ô không thực hiện vào những ngày trăng tròn nhằm tránh chặt phải cây lồ lô bị mối mọt ăn. Những cây lồ ô sau đó sẽ được ngâm trong hỗn hợp bùn nước rồi phơi trên gác mái của kho lúa hoặc dưới sàn nhà ở trong thời gian ít nhất 3 tháng để khô đều và không bị nứt. Nếu cây lồ ô chưa khô hẳn mà đem vót thành ống đàn, sau này âm của ống đàn đó chắc chắn sẽ thay đổi.
Công đoạn vót lóng cho ống đàn. Ảnh: Đ.T
Việc làm các ống đàn phải thật chậm rãi và tỉ mỉ. Dụng cụ sử dụng để làm các ống đàn là ta gă (dao chặt) và thong krih (dao vót). Sau khi dùng ta gă để chặt cây lồ ô thành những khúc nhỏ (mỗi khúc có 1 mấu mắt), anh dùng thong krih để vót cho tròn 2 đầu rồi vừa dùng cán dao đánh vào khúc lồ ô vừa vót lóng. Nếu vót lóng sâu khiến âm thấp hoặc mất âm, anh sẽ lấy lại âm bằng cách cắt ngắn ở đầu không có mấu mắt của khúc lồ ô đó.
Để làm được ống đàn đầu tiên chuẩn âm, làm cơ sở để làm các ống đàn còn lại cho cây đàn T’rưng, A Huynh dựa vào âm của chiếc cồng hoặc chiếc chiêng. Anh cho biết, các ống đàn có độ dài từ 20-50cm và không được cột dính vào nhau để khi đánh phát ra âm thanh chuẩn và vang.
Để vót tròn 2 đầu ống đàn người Gia Rai dùng dao vót (thong krih). Ảnh: ĐT
A Huynh mất khoảng vài ngày để hoàn thành toàn bộ quá trình làm các ống đàn và giá đỡ cho 1 cây đàn T’rưng. Với những cây đàn lớn như 2 hay 3 gian thì thời gian hoàn thành có thể kéo dài thêm.
Ngoài truyền dạy và đi biểu diễn đàn T’rưng ở nhiều nơi, mỗi khi rảnh rỗi, A Huynh lại ngồi bên góc nhà để làm những cây đàn T’rưng để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Những cây đàn T’rưng do chính tay anh làm có đầy đủ chủng loại, từ truyền thống đến cải tiến, từ kích thước nhỏ đến kích thước lớn, trẻ em và người lớn đều có thể sử dụng.
Hiện nay, khi xã hội phát triển, đời sống vật chất và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người làng Chốt ngày càng thay đổi, mỗi khi có lễ cưới hỏi hay mừng nhà mới, mọi người thường sử dụng các loại nhạc cụ hiện đại nhiều hơn. Dẫu vậy, ở đâu đó trong những khu rẫy trên những cánh rừng phía sau ngôi làng, vẫn còn vang vọng tiếng đàn T’rưng cùng tiếng hát của người dân làng mỗi khi mặt trời khuất dần sau đỉnh núi. Những âm thanh đó như “tiếng gọi của làng” để những khi đi xa người ta nhớ về với quê hương; trong đó tiếng T’rưng với những giai điệu ngân nga chính là những tiếng gọi yêu thương với người dân làng Chốt.
Đức Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét