18 thg 2, 2021

Cùng ăn Tết truyền thống của người Xơ Đăng

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong mỗi góc nhà sàn, ánh nắng cũng dần dịu trong cái se lạnh đầu đông cũng là thời điểm đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô ăn Tết lúa mới truyền thống.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng Đăk Rô Gia vào một sáng mùa đông se lạnh. Cả ngôi làng vẫn còn chìm trong sương sớm bên dòng Đăk Tờ Kan thơ mộng. Ngay từ tinh mơ, đàn ông, con trai đã dậy thật sớm mặc trên mình những bộ áo quần mới nhất để đón Tết lúa mới truyền thống của cha ông. Những người phụ nữ, con gái dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị nấu nướng, chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn nhất để đón Tết.

Tết lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô, thường được tổ chức 2 ngày, 2 đêm. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức linh thiêng để cúng thần linh và các hoạt động múa hát làm cho không khí của ngày Tết mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh và gắn kết cộng đồng làng.

Vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa vụ, người Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Cũng gần giống như Tết Nguyên đán, đây là Tết truyền thống quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Trăm nói riêng, cả huyện Đăk Tô nói chung. Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau.

Đội cồng chiêng làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm) biểu diễn trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: N.P

Khi lúa bắt đầu chín, già làng thống nhất ngày tốt để chuẩn bị tổ chức nghi lễ mừng lúa mới. Các gia đình chủ động sửa sang nhà cửa, vật dụng trong nhà để đón thần lúa khi từ rẫy về nhà, về làng.

Sau đó, từng gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Sau khi tuốt lúa xong, họ đưa lúa về kho cất giữ, mỗi gia đình mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng mừng lúa mới.

Tết lúa mới của người Xơ Đăng, thường chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là ăn lúa mới tại mỗi gia đình và giai đoạn thứ hai là uống rượu mừng lúa mới tại nhà rông.

Buổi sáng ở làng Đăk Rô Gia, sau khi những người đàn ông khỏe mạnh dựng xong cây nêu ở nhà rông, tất cả những người đàn ông, con trai từ già đến trẻ sẽ tập trung thành đoàn đi đến từng nhà ăn lúa mới, chúc gia chủ một năm mới mùa màng bội thu. Theo phong tục, trước kia, khi dân cư còn thưa thớt, đoàn người sẽ phải đến từng nhà trong làng ăn uống không được bỏ sót nhà nào. Nhưng nay, làng đã đông nên cách tổ chức đi ăn tết cũng có thay đổi.

Người dân làng Đăk Rô Gia đến từng nhà ăn và chúc mừng. Ảnh: P.N

“Làng có 206 hộ nên theo nguyên tắc cả làng sẽ phải ghé thăm ăn uống ở 206 ngôi nhà. Thế nhưng năm ngoái vì ăn nhiều nhà quá nên ăn đến tối mịt vẫn chưa xong để về nhà rông làm lễ. Vì vậy, năm nay làng quyết định chia thành nhiều nhóm nhỏ ăn ở từng khu vực cho nhanh. Các gia đình trong nhóm chọn nhà rộng nhất, ở trung tâm rồi mang những lễ vật ngon nhất tập trung tại một điểm để đoàn đến ăn và chúc mừng. Việc này đã rút ngắn được thời gian nên chỉ trong buổi sáng là xong hết” - già A Hiền nói.

Còn Trưởng thôn A Ngọc chia sẻ: Truyền thống ngày Tết mừng lúa mới đã có từ bao đời nay rồi. Việc tổ chức đến từng nhà ăn uống, chúc mừng vừa thể hiện sự đoàn kết, gắn kết cộng đồng, vừa qua đó giúp cho tình làng nghĩa xóm ngày bền chặt hơn.

Được đi ăn Tết cùng đồng bào Xơ Đăng ở đây, tôi cảm nhận được sự ấm áp tình làng, nghĩa xóm, như đang được hòa mình đón một cái Tết ở quê nhà của tôi. Sau đón giao thừa là thanh niên chúng tôi đi đến từng nhà chúc Tết cho đến sáng. Chỉ có điều khác với đón Tết ở quê tôi, người Xơ Đăng chỉ đến ăn, thưởng thức những món đặc sản của mỗi gia đình, còn việc uống rượu mừng Tết sau khi cả làng tập trung tại nhà rông và thực hiện xong lễ cúng giàng. Đây thực sự là nét đẹp riêng của người Xơ Đăng.

Giữa trưa, sau khi đã ăn cơm mới ở từng nhà, già làng A Hiền tập trung các chủ hộ để thông báo lễ “Mừng lúa mới” của cả làng. Sau khi các hộ dân trong làng (mỗi nhà một ghè) được những người phụ nước gùi, cõng ghè rượu và lễ vật tham gia đón Tết tại nhà rông, già làng đánh trống báo hiệu mời dân làng tới dự. Khi dân làng tới đông đủ, buổi lễ hội mới chính thức bắt đầu.

Khi cây nêu được dựng xong trước nhà rông, già làng A Hiền, khoác lên trên mình trang phục truyền thống, bước ra giữa đám trai làng bắt đầu bài khấn của mình: Hỡi giàng suối, giàng sông đừng cho con nước cạn ruộng đồng héo khô, đừng làm con nước đầy đem lũ lụt nhấn chìm cây cối. Hỡi thần lúa đừng cho chim, chuột sâu bệnh phá hoại mùa màng. Hôm nay hồn lúa về với làng, cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới mùa màng tốt tươi, đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói. Xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ…

Bài khấn vừa dứt, tiếng chiêng cũng bắt đầu nổi lên, âm vang cả một góc làng. Già làng A Hiền dẫn đoàn chiêng sau khi đánh bài chào mừng xung quanh cây nêu, già làng tiếp tục dẫn đoàn cồng chiêng biểu diễn quanh nhà rông để bày tỏ cảm tạ thần linh và nghi lễ Tết lúa mới của cả làng cứ thế kéo dài đến đêm.

Dắt chúng tôi hòa vào dòng người, già A Hiền vừa kể cho chúng tôi về ý nghĩa và tầm quan trọng của cây nêu. Già A Hiền cho biết, ngày hôm trước, khi gà vừa gáy sáng, tất cả đàn ông trong làng đều phải vào rừng tìm cây lồ ô to, đẹp, thẳng nhất để làm cây nêu. Những thanh niên khỏe mạnh sẽ chịu trách nhiệm tìm và chặt cây lồ ô. Khi thanh niên đã tìm được cây lồ ô phù hợp và mang ra bìa rừng, lúc này cả nhóm sẽ tiến hành trang trí cây nêu. Những người già khéo tay sẽ vót những bó bùi nhùi để treo lên cây nêu trang trí. Mỗi bó bùi nhùi sẽ đại diện cho 1 hộ gia đình trong làng. Ngoài ra, cây nêu cũng tượng trưng cho cây lúa, những bó bùi nhùi tượng trưng cho bông lúa. Cây nêu có đẹp thì năm sau vụ mùa mới bội thu.

Việc làm cây nêu rất được mọi người chú trọng vì tính chất thiêng liêng của nó. Theo quan niệm của người Xơ Đăng, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ. Bởi vậy khi chặt cây nêu không được nhúng vào nước, không được chọn cây lồ ô mất ngọn, không được đặt cây lồ ô nằm ngang dưới đất…

Buổi chiều, khi mặt trời đã ngả dần về ngọn núi phía Tây cũng là lúc cây nêu được làm xong. Cả nhóm người mới rước cây nêu về đặt trang trọng bên cạnh nhà rông. Đến sáng hôm sau khi đàn ông đến nhà rông dựng cây nêu, đàn bà ở nhà nấu cơm mới. Thức ăn cũng phải sử dụng đồ rừng như sóc, chuột, chim, tuyệt đối không được dùng vật nuôi làm thức ăn để đón Tết lúa mới.

Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, Tết lúa mới của người Xơ Đăng cũng dần kết thúc, một mùa lúa mới lại tiếp tục bắt đầu và họ lại mong mùa sau được ấm cúng, no đủ hơn…Được đón Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, chúng tôi lạc vào giữa dòng người và những điệu chiêng trầm bổng, du dương mê hoặc lòng người. Tiếng cồng chiêng cứ vang vọng mãi như lời cầu mong cho dân làng đoàn kết, cuộc sống người dân ngày càng sung túc, ấm no, hạnh phúc.

Phúc Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét