9 thg 2, 2021

Chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 4 giờ đồng hồ đi xe máy có một chợ phiên mang đậm bản sắc của người Mông miền Tây Bắc.

Dịp cuối năm thường là những dịp chợ phiên đông người mua sắm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Chợ phiên Đắk R’Măng (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và buôn bán của hơn 600 hộ người Mông ở Đắk Glong.

Chợ Đắk R’Măng nằm ở ngay trung tâm xã, trước kia đây vốn chỉ là một điểm người Mông đem đồ nông sản ra bán ven đường một cách tự phát, lâu dần được quy hoạch, xây dựng thành khu chợ rộng 1.000m2. Hiện nay không chỉ người Mông ở địa phương, mà người Mông ở các huyện khác cũng tụ về đây mua bán.

Người Mông quan niệm đi chợ không chỉ là đến mua bán mà còn đến để giao lưu, gặp gỡ, kết duyên đôi lứa nên thường thì chợ tuần nào cũng đông. Tuy nhiên, những dịp cuối năm, người thường đông đúc, hàng hóa cũng đầy đủ hơn.

Chợ phiên Đắk R'Măng nằm giữa một thung lũng nhỏ ở xã Đắk R'Măng (Đắk Glong, Đắk Nông) - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Điểm nhấn cho chợ phiên là các hàng bày bán váy áo của người Mông đen, Mông Hoa... Váy của người Mông đen và Mông Hoa có thể phân biệt được ở chính tên gọi. Họa tiết đơn giản và tông màu đen là của người Mông đen. Trong khi đó họa tiết với nhiều hoa văn và tông màu xanh, đỏ, vàng sặc sỡ là của người Mông Hoa.

Mỗi bộ váy áo như thế có giá từ 400.000 - 1,5 triệu đồng, may máy. Những bộ được dệt thủ công có giá từ 4-5 triệu đồng. Người phụ nữ Mông đặc biệt thích mặc trang phục truyền thống ngay cả trong những công việc đồng áng, nương rẫy hằng ngày.

Không chỉ có váy áo, trang sức, mũ, giày, thắt lưng cũng là một phần không thể thiếu của trang phục Mông.

Những hàng bày bán trang sức luôn có đông các bà các mẹ tập trung

Trang sức ở đây chủ yếu là đồ bạc gồm các loại vòng kiềng và hoa tai. Mỗi cô gái Mông trước khi về nhà chồng sẽ được mẹ dẫn đi chợ phiên chọn cho những vòng kiềng bạc và hoa tai đẹp nhất dùng để đeo trong ngày cưới.

Ngoài các hàng trang sức và quần áo, chợ phiên Đắk R’Măng cũng có đủ các món ẩm thực của người Mông. Thắng cố và phở là hai cửa hàng thu hút nam giới nhất. Tại đây, sau khi đem bán được những hàng hóa nông sản địa phương, họ vào mời nhau rượu và hỏi nhau về tình hình năm vừa qua.

Ở đây những người đàn ông không thường uống đến say. Ông Giàng A Lỳ tự hào nói đã vào đến đây, đa phần đều rất tu chí làm ăn.

Người Mông trong một hàng bán phở sáng nghi ngút khói tỏa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Khi những người đàn ông thưởng thức thắng cố thì người phụ nữ quây quần ở những hàng mèn mén, bánh trái và chè. Đây là những thức không thể thiếu làm quà cho trẻ con trong nhà sau mỗi phiên chợ.

Người Mông đi chợ phiên vừa mua sắm nhưng không quá vồn vã mà thong dong gặp gỡ nói chuyện, giao du. Hình ảnh những cô gái Mông váy áo xúng xính cười đùa nói chuyện trong sương sớm tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp, in đậm trong mỗi du khách thăm chợ phiên.

Ông Lê Văn Đại, chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng, cho biết chợ phiên Đắk R’Măng là một trong rất ít chợ phiên có ở khu vực Tây Nguyên, một nét không gian Tây Bắc thu nhỏ ở Tây Nguyên.

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có kế hoạch xây dựng chợ phiên Đắk R’Măng trở thành một điểm du lịch, đặt kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế đến với Đắk Nông hơn nữa.

Những người phụ nữ Mông thường thong dong dạo, ngắm cảnh chợ và thi thoảng mua đồng quà tấm bánh, đồ chơi cho lũ trẻ ở nhà - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Trẻ em thì thích thú với những món ăn vặt - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Mèn mén được làm từ bột bắp xay là món không thể thiếu trong mỗi phiên chợ - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Hiện tại có nhiều phụ nữ từ Lào Cai, Yên Bái cũng vào chợ phiên Đắk R'Măng để bán quần áo thổ cẩm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Chợ phiên là dịp các cô gái diện những trang phục đẹp nhất để đi chơi - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Hai người phụ nữ Mông đi mua sắm quần áo truyền thống để chuẩn bị làm lễ cưới đưa con gái về nhà chồng - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Vùng núi Đắk Glong chìm trong mây một buổi sáng cuối năm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

ĐÌNH CƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét