Đình làng Phúc Mãn
1. Con đê hữu sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam trong cái nắng tháng Năm chói chang, trở nên dịu mát nhờ có một rặng tre xanh mướt chạy dọc chân đê lao xao trong gió. Phía trong đê là làng Phúc Mãn, xã Phú Phúc. Bên ngoài đê, có một di tích đặc biệt, mộ nàng Mỵ Ê, vương phi của vua Chiêm, tuẫn tiết gần 1000 năm trước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành do vua Chiêm thần phục nhà Tống, không đi lại bang giao với nhà Lý suốt 16 năm, lại nhiều lần cướp phá biên giới. Hai bên dàn trận bên sông Ngũ Bồ, nhìn thấy quân binh nhà Lý, chưa kịp giao chiến quân Chiêm đã sợ hãi mà tan vỡ, vua Chiêm là Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) bị chém tại trận.
Quân Việt bắt sống hơn 5 nghìn người… “Tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ (nay thuộc Thủy Xuân, Huế), bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi múa hát điệu Tây Thiên… Ngày 1 tháng 9 đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Lỵ Nhân, vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh liệt, phong là Hiệp chính Hựu thiện phu nhân”.
Việt Điện u linh, sách đời Trần viết về thần linh u hiển trong đền miếu Việt nội dung tương tự, có thêm lời đối đáp của Mị Ê với vua Lý Thái Tông và có tình tiết thấy Mị Ê tuẫn tiết “Thái Tông kinh dị, tự hối và cho người cấp cứu nhưng không kịp nữa. Chỗ ấy về sau, mỗi khi đêm vắng sông êm, trăng thanh sao sáng, thường nghe có tiếng đàn bà khóc than, dân trong thôn lấy làm lạ mới làm đơn xin lập đền thờ tự; từ đấy không nghe còn tiếng than khóc”.
Các bô lão dẫn chúng tôi qua con đường nhỏ hai bên là ao hồ đến một di tích và cho hay “Đây là miếu thờ và lăng mộ Đức Chúa Chiêm hoàng hậu, húy là Mỵ Ê mà dân làng chúng tôi vẫn hương khói từ thời Lý đến nay”. Trước đây cổng này có đôi câu đối: “Phách tại Châu Giang hoài Phật Thệ/ Hồn lưu Phúc Mãn vọng Chiêm bang” – Thể phách ở Châu Giang nhớ mãi thành Phật Thệ/ Hồn lưu lại với làng Phúc Mãn nhưng vẫn hướng về nước Chiêm. Tiếc rằng cổng mới xây lại, đôi câu đối đó đã không còn.
Lăng mộ được xây lại nhiều lần, bây giờ kiến trúc như một bệ thờ, chính diện có đề ba chữ Nho “Nữ trinh liệt”, xung quanh trang trí kiểu đạo Mẫu, phía trên là khám thờ có tượng Bà Chúa Chiêm.
Bà thủ nhang gầy gò, mấy chục năm gắn bó với di tích này cho tôi xem bài văn khấn, trong đó trùng điệp những câu chữ Hán Việt bị tam sao thất bản, nhưng còn rất rõ các mỹ tự “Hiệp chính Hựu thiện phu nhân”, “Tiết liệt Phương danh”, “Chân Mãnh phu nhân”… mà các triều đại xưa sắc phong cho bà Mỵ Ê.
Tôi chợt nhớ đến lời Lý Tế Xuyên viết về bà trong Việt điện u linh: “Lòng trinh, tiết rắn, thường giữ tiếng vang trong gió oán mưa buồn, nộ khí ai thanh hằng gởi giận cho sóng dồi, nước cuốn, như than như khóc, nghìn xưa còn văng vẳng bên tai. Sông Lý Nhân lập đền, sắc phong chồng chất, tưởng phu nhân ở dưới suối vàng chắc cũng chẳng cho cái đó làm vinh dự” mà không khỏi ngậm ngùi, khi nghĩ đến những vương phi của vua Chăm được phụ thờ nơi đền tháp nguy nga trên đất Chăm Pa.
2. Ông Đỗ Đức Thà, một người tâm huyết với quê hương cho hay, làng này xưa có tên là làng Trục Mãn, Trục có nghĩa là tìm kiếm, Mãn là thỏa mãn, ghi lại sự kiện sau khi bà Mỵ Ê tuẫn tiết, vua đã cho người đi mò tìm thi thể vương phi. Nơi bà trẫm mình là cửa sông Châu Giang gặp sông Nhị Hà, nay gọi là ngã ba Tuần Vường.
Sóng đưa ngược thi thể bà về phía Bắc, thượng lưu sông Nhị Hà và dừng ở đây. Cho là việc tìm kiếm đã có kết quả mỹ mãn nên vua cho đặt tên làng là Trục Mãn, đến triều Nguyễn mới đổi thành Phúc Mãn.
Cũng có người nói, Trục Mãn xuất phát từ chuyện xưa vua Lý cho chục người Chiêm ở lại trông coi lăng mộ bà Mỵ Ê. Vậy là từ “chục người man” mà thành “trục mãn” cho có “chữ nghĩa” chăng… Dù cách giải thích nào thì tên làng cũng gắn với sự kiện bà Mỵ Ê tuẫn tiết.
Theo bản kê khai năm 1938 của hương hào, chức dịch của làng theo yêu cầu của Viện Viễn Đông Bác cổ, thì sau đó ba làng Phúc Mãn, Lý Nhân và Nam Cầu đã lập miếu thờ bà cạnh phần mộ. Bản kê khai còn nêu rõ 40 đạo sắc phong từ triều Lý Thái Tông đến triều Khải Định, gia phong mỹ tự, giao dân thờ phụng thần.
Mô tả về phần mộ, bản kê khai cho hay, “mộ giữ nguyên gò đất địa táng, (mối xông cao chừng một ngũ hai thước tây), vuông tứ bề, mỗi chiều hai ngũ. Xây tường bao quanh... Phía trước dựng hai gian miếu nhỏ, gọi là miếu Lăng… Cửa miếu quay về phía đông nam, có con sông nhỏ (sông Con) thông ra tận Tuần Vường. Trên gò cây cối cổ thụ quanh năm xanh tốt, rườm rà. Dân làng phụng thờ quanh năm, tám tiết không ai dám bác nhạo”. Ngày lễ, dân làng chọn trai gái thanh tân rước kiệu bát cống ra miếu Lăng rước thần về đình làng để cầu đảo.
Ngồi trong miếu nhìn ra phía trước, ao hồ mênh mông, các bô lão nói xưa lăng miếu này như cồn đất nổi giữa sông nước, rất u tịch, linh thiêng. Bà thủ nhang cho biết những năm qua, rất nhiều người họ Đỗ từ Thái Bình, Nam Định tìm về đây, họ nói Đức Chúa Chiêm Hoàng hậu là bà cô tổ của họ. Dân làng thắc mắc, sao bà là người Chiêm mà lại là cô tổ những người họ Đỗ, hay bà là người Việt bị cống sang Chiêm?!
Tôi chia sẻ với bà con suy nghĩ của mình rằng, trong những lần bình Chiêm thắng trận, nhiều người Chiêm được đưa về Đại Việt, cho ở rải rác thành những làng Chăm. Ngay trong trận đánh năm 1044, vua Lý Thái Tông đã đưa về hơn 5 ngàn người Chăm, có thể khi bà Mỵ Ê tuẫn tiết, nhiều người Chăm đó đã ở lại đây để tìm kiếm thi thể của bà hoặc được triều đình cho lập ấp tại vùng này. Do Nhị Hà đổi dòng nên có lẽ họ ở đất này sau dạt sang bờ bên kia… Dòng máu Chăm Pa đã hòa với dòng máu Việt, gốc tích xa mờ không ai còn rõ, nên mang họ Việt đấy thôi.
3. Cách lăng mộ bà Mỵ Ê chừng 500m, cũng phía ngoài đê, còn di tích cổng ngũ môn của một ngôi đền lớn, tên chữ là “Tiết liệt Phương danh từ”, tên nôm là Đền Ba Làng do triều đình xây dựng, giao cho ba làng Phúc Mãn, Lý Nhân, Nam Cầu cùng phụng thờ bà Mỵ Ê.
Theo bản khai năm 1938, thì đây là ngôi đền có kiến trúc “ngoại quốc nội vương”, hậu cung 5 gian; tòa thiêu hương 3 gian, 8 mái, tòa tiền tế 7 gian. Hai bên có tả hữu vu, mỗi dãy 12 gian. Qua khoảng sân rộng 5 sào là đến cổng ngũ môn “xây dựng như một tòa thành”. Phía trên có ba chữ Đồng Nhật Nguyệt, hàm ý tấm gương tiết liệt của thần sáng cùng mặt trăng, mặt trời.
Ông Trần Kiên Quyết, trưởng thôn Phúc Mãn cho biết, trong hậu cung của đền, ở gian phía đông có một cái giếng, khi cúng tế, các cụ lấy quả bưởi khắc chữ Thọ lên đó rồi thả xuống giếng, sáng hôm sau quả bưởi nổi lên tận Tuần Vường, cách đây khoảng 6 cây số. Các cụ cũng kể lại rằng, đền rất linh thiêng, ai đi qua cũng phải bỏ mũ, xuống ngựa, vác cuốc, vác mai cũng phải bỏ xuống, đi nhanh qua đền.
Có những vị từ nơi khác đến, vẫn cưỡi ngựa qua đền thì bao giờ đến cổng thứ ba, ngựa cũng tự đập mặt vào cổng 5 cái rồi mới đi tiếp được. Chuyện linh ứng thì nhiều vô cùng. Dân làng kiêng cữ tuyệt đối tên húy và mỹ hiệu của thần, ai vô ý mạo phạm phải làm lễ tạ, nếu cố tình thì hương lý trình quan xét xử.
Hội đền xưa ba năm một lần quốc lễ, tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng Ba, triều đình cử người về tế. Ở Lý Nhân có nhiều nơi thờ bà Mỵ Ê như Thanh Nga, Phú Cốc, Đại Hoàng, Phương Trà, Đồng Trữ… nhưng chỉ có đền Ba Làng mới có quốc tế.
Đứng trước cổng ngũ môn đồ sộ, nhìn ra đầm sen rộng, tôi thấy vị trí của ngôi đền thật đẹp. Xưa kia, đây là vùng chiêm trũng, ngôi đền nguy nga nổi trên biển nước mênh mông đẹp đẽ biết bao… Đền thờ Bà được Lý Nhân Tông cho xây dựng gọi là Đền Ba Thôn. Ngôi đền bị phá năm 1967, chỉ còn lại hậu cung.
Đến năm 1990, hậu cung bị phá để xây trụ sở Ủy ban xã. Đến nay vì nhiều lý do mà trụ sở UBND xã Phú Phúc đã chuyển sang chỗ khác. Ông Phạm Đình Long, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Mãn chia sẻ rằng dân làng ao ước ngôi đền Ba Làng được Nhà nước quan tâm, phục dựng lại như xưa.
4. Di tích thờ bà Mỵ Ê tương đối trọn vẹn hiện nay ở Phúc Mãn là đình làng. Đình được xây dựng năm Tự Đức 28 (1875), thờ ba vị Thành hoàng là Đức Chúa Chiêm hoàng hậu Mỵ Ê phu nhân, Bản thổ Kỳ quân Lâm đô thống đại vương và Thuận Mỹ công chúa. Riêng hai vị sau không còn sự tích, dân làng chỉ còn nhớ mỹ hiệu để cúng tế.
Trong đình còn giữ được nhiều cổ vật quý giá. Trong hậu cung, chính giữa thờ bức tranh kính vẽ cảnh sông nước, lâu đài, không rõ có phải vẻ cảnh nơi bà tuẫn tiết hay không… Hai bên có hai tấm bảng sơn son thếp vàng rất tinh xảo.
Bảng cao chừng ba gang tay, rộng hai gang tay, trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh có hoa văn, đều thếp vàng. Ông thủ từ Đỗ Đình Tiên thú thật là sau nhiều năm đứt quãng việc cúng tế, đến nay cũng không còn rõ hai tấm bảng này xưa các cụ dùng làm gì, chỉ biết luôn có tấm lụa che.
TS Nguyễn Minh San, trong bài “Nữ thần trinh tiết Mỵ Ê” đăng Tạp chí Văn hiến cho biết: Việc cúng tế thờ phụng bà Mỵ Ê có tế lễ hàng năm và tế lễ lớn ba năm một lần. “Dịp này, tại các đền thờ bà đều tiến hành vẽ tranh bà thiếp vàng trên lụa mộc, tựa như hình ảnh. Đúng giờ Tý ngày 8 tháng Ba, tổ chức nghi lễ thiết đàn, thỉnh tướng, khai khuông điểm nhãn, sau đó đem thờ”- do đó, có lẽ hai tấm bảng son này để vẽ tranh thờ. Trong bản khai năm 1938 của làng cũng có ghi về lễ nghi này rằng “Đến ngày 8 tháng Ba, giờ Tý dâng mạc (màn) che ảnh của Chúa Chiêm bằng lụa”.
Hiện vật quý giá nữa hiện đang thờ tại đình Phúc Mãn là khám thờ cỡ lớn, sơn son thiếp bạc chạm phượng và hạc, cùng bức đại tự đề “Hậu đức chí nhân”, phía trên chạm lưỡng long chầu nguyệt; một bức hoành đề “Tiết liệt phương danh từ”; một cuốn thư kiểu dáng độc đáo làm thời nhà Nguyễn khắc bài minh ca ngợi bà Mỵ Ê. Đây là những cổ vật thuộc về đền Ba Làng, sau khi phá dỡ đền người ta chuyển sang chùa.
Năm 2015, đình được tu bổ, dân làng mới mang về đình. Đình cũng tiếp nhận được 6 đạo sắc phong từ triều Tự Đức đến triều Khải Định do nhà chùa lưu giữ nhiều năm qua. Đình còn có bộ bát bửu và nhiều biển gỗ quý đề “Lịch triều phong tặng”, “Nguyễn triều phong tặng”, “Tiết liệt phương danh – Minh Mệnh niên chế phong”.
Hiện nay, đình Phúc Mãn đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh, đây là tiền đề để ngôi đình được bảo tồn, tu tạo xứng đáng với giá trị lịch sử, văn hóa quý báu.
Bà Mỵ Ê từ thân phận một người phụ nữ Chăm bị bắt rời khỏi đất nước, đã trở thành liệt nữ, vì đã lấy cái chết để bảo vệ phẩm tiết của mình. Sự hy sinh ấy rất phù hợp với chuẩn mực Nho giáo nên được thờ phụng, sắc phong và nhiều người làm thơ ca tụng.
Nhưng có lẽ không chỉ có như vậy, việc thờ phụng bà Mỵ Ê và có đền thờ cả vua Sạ Đẩu, còn mang tinh thần hòa giải rất cao. Người dân Việt và thời gian đã khiến họ từ phía thù địch trong lịch sử trở thành phúc thần linh thiêng, phù hộ cho dân an quốc thái, điều đó thật đặc biệt. Vì thế, nghiên cứu đầy đủ về tín ngưỡng thờ bà Mỵ Ê, tôn tạo những di tích có liên quan là một nhu cầu mang tính lịch sử và tâm linh hiện nay.
Ghi chép của Nguyễn Phan Khiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét