Quy trình trồng và chăm sóc khép kín
Có dịp về thăm thôn miền núi Hòa Hải vào những ngày này, chúng tôi thấy hai bên QL14G bạt ngàn những cánh rừng trồng và những vườn ươm cây keo lai giống. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Sơn, trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Hòa Hải cho hay, hiện nay, toàn thôn có trên 120 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu đều làm giàu chính đáng đó là nghề ươm cây keo lai.
Chị Nguyễn Thị Năm đang chăm sóc vườn ươm.
“Keo lai này trồng vào khoảng 5 - 6 năm là khai thác. Khi khai thác, thân cây để xuất khẩu, nhánh và vỏ để đun, lá để làm phân xanh. Nghề ươm giống cây keo lai và trồng rừng nơi đây đã mang lại tổng thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, Hòa Hải có hơn 200 ha rừng trồng. Gần 80% hộ dân trong thôn đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt là nghề ươm giống cây keo lai để trồng rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm... Nếu không mạnh dạn mở ra hoạt động ươm cây và triển khai trồng rừng, có lẽ đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn cao. Hiệu quả từ việc trồng rừng nguyên liệu theo hình thức chuyên canh đã được khẳng định qua vài vụ, nhưng hiệu quả sẽ còn tăng lên, giá trị từ đất rừng sẽ thu về xứng đáng một khi bà con tiếp thu và áp dụng kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc để khép kín quy trình sản xuất…” - Ông Võ Sơn cho biết.
Anh Trần Văn Lai đang vận chuyển cây keo lai giống để xuất bán.
Anh Trần Văn Lai (58 tuổi), một trong những người ươm cây keo tai tượng nhiều nhất trong thôn cho hay, hơn 10 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh do áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật nên các hộ dân dần thay đổi phương pháp canh tác từ hình thức quảng canh sang chuyên canh như việc áp dụng bón phân DAP cho trồng rừng. Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng chuyên canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng mà còn bồi dưỡng được chất đất và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững. Nhờ đó, cây rừng sinh trưởng và phát triển nhanh đạt tỷ lệ sống hơn 90%. Chu kỳ trồng rừng chuyên canh cũng được rút ngắn từ 1 đến 2 năm, năng suất lại tăng gần 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
Làm giàu chính đáng từ nghề ươm keo lai
“Nhờ thu nhập từ bán giống cây keo tai tượng, 100% các hộ không xâm phạm tài nguyên rừng và chuyển đổi sang trồng rừng có thu nhập khá. Riêng gia đình anh Trần Văn Lai (2 lao động chính và 1 lao động phụ), trung bình mỗi năm ươm 1 triệu cây, giá bán mỗi cây là 500 đồng, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi được 200 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Năm, mỗi năm ươm và xuất bán khoảng 200.000 cây, sau khi trừ chi phí, mỗi năm lãi được 60 triệu đồng. Mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ có đến 50 hộ ươm, mỗi năm ươm khoảng 10 triệu cây keo lai để trồng và bán, mang lại nguồn thu đáng kể (lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm). Đến nay, đa số các hộ đã có rừng cây keo lai, có hộ có từ 20 đến 30 ha rừng trồng, hàng năm đem lại nguồn thu đáng kể. Toàn thôn có gần 100% nhà xây, xe máy, phương tiện nghe nhìn, 100% các hộ sử dụng điện và nước sạch, 100% các hộ có điện thoại cố định và di động và hộ nghèo trong tiêu chí mới cơ bản đã được xóa. Có nhiều hộ thu nhập mỗi vụ từ 50 triệu đến 100 triệu đồng như chị Nguyễn Thị Năm, anh Trần Đình Phùng, Nguyễn Tuy, Nguyễn Thị Kim Thoa… và đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là giới thanh thiếu niên. Không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà bà con còn xuất bán cây con cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…” - Ông Võ Sơn cho hay.
Khách hàng mua giống cây keo vận chuyển bằng ô tô.
Nhiều nhà xây bề thế nhờ ươm và trồng cây keo lai.
Về Hòa Hải hôm nay toàn một màu xanh của các vườn ươm cây keo lai xanh ngút mắt. Hai bên QL14G, những căn nhà tôn rỉ sét, lụp xụp ngày nào, nay được thay bằng những ngôi nhà xinh đẹp, khang trang; các con đường kiệt hẻm, ngày xưa nắng bụi, mưa bùn nay đã 100% bê tông và nhựa hoá, đường sá khang trang sạch đẹp. Trong những thành quả nói trên, thu nhập từ nghề ươm cây keo lai đóng vai trò không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tiên Sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét