7 thg 7, 2020

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định – Giồng Trôm – Bến Tre

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quê hương của Nữ tướng cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 9 km. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những đia điểm du lịch Bến Tre rất ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu mến cô Ba và quan tâm đến lịch sử, con người Bến Tre.

Khu Lưu Niệm Nguyễn Thị Định

Nơi “Đất thép thành đồng” sinh ra và gắn liền tên tuổi vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dân Bến Tre luôn kính trọng và trìu mến gọi vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định với tên gọi thân thuộc “Cô Ba”.


Bà sinh ngày 13/2/1920 là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1946, bà là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí từ đó mở ra đã mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.

Ảnh chân dung cô Ba Định

Khi trở lại quê nhà, Cô Ba cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại ba xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày, nay là huyện Mỏ Cày Nam) đã làm nên phong trào Đồng Khởi vào ngày 17/01/1960, mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ. Tên tuổi của bà gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ.

Hình ảnh Cô Ba Định với áo bà ba, khăn rằn, nón lá, chiếc túi nhỏ đeo vai đã trở thành niềm tin của quân, dân miền Nam và chị em hoạt động cách mạng cả nước.

Trong quá trình hoạt động, cô Ba Định đã nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của người con gái Bến Tre ấy vẫn kiên cường, một lòng chung thủy sắc son với cách mạng, dân tộc. Đến năm 1974, Cô Ba Định đã được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, một nữ tướng uy nghi mà đôn hậu, oai phong mà đằm thắm chân tình. Vị nữ tướng đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992 nữ tướng Nguyễn Thị Định từ trần. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân. Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin. Ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đời chiến đấu hy sinh, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành huyền thoại, không chỉ tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam thành đồng đất thép Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang, bà còn là điển hình mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam và phụ nữ tiến bộ trên toàn thế giới.

Sau khi bà mất, nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã lập bàn thờ bà trong đền thờ Hai Bà Trưng. Tên của bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Ngày 18/10/2011, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà trưng bày Khu lưu niệm. Đây là nơi giới thiệu và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Định.

Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định rộng gần 15.000 
m2. Ngôi đền được xây dựng giản dị, với các hoa văn, họa tiết đẹp và trang trọng trong một khu vườn có nhiều cây cảnh và cây ăn trái tươi xanh, thoáng mát.

Cổng được xây dựng theo dạng cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam, trụ rào theo kiểu thức thống nhất của cổng có hoa văn trang trí ở phía trước; bên trong là nhà bia, đền thờ, nhà trưng bày, khuôn viên rộng rãi với nhiều hàng cây xanh tỏa bóng mát.

Cổng Tam Quan

Qua khỏi tam quan có mái ngói đỏ hình thuyền, đuôi phượng, khách tham quan sẽ gặp Nhà bia.

Nhà bia

Nhà bia được xây dựng theo kiến trúc cổ lâu tứ trụ, mái đội hai tầng, ngói miểng vảy cá màu gạch tôm. Trong Nhà bia, nổi bật giữa trung tâm là khối đá hoa cương được tạc thành hình con rùa đội một tấm bia, bia ký viết bằng chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế, tiểu sử, sự nghiệp của nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Tấm bia ghi lại thân thế, tiểu sử, sự nghiệp của nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Đền thờ Cô Ba Định được xây cao ráo, thoáng mát, theo kiểu tứ trụ, cột tròn mái hai tầng chồng diềm uốn cong ở 4 góc, diềm mái đầu cột, đầu hồi có trang trí họa tiết.

Đền Thờ

Đền có 03 cửa ra vào, xung quanh có hành lang rộng. Trong đền thờ là tượng đồng chân dung vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định, với trang phục áo bà ba khăn rằn quấn cổ, hình ảnh được người dân xứ dừa nhớ nhất khi nghĩ đến Cô Ba, được đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương.


Trước đền là sân lễ, cây kiểng được trồng xung quanh các công trình kiến trúc, các trục đường đi bộ nối với những mảng cỏ xanh đệm ở phía trước, tạo cho toàn khu vực thêm vẻ mỹ quan, hài hòa, ấn tượng.

Khoảng sân rộng

Khuôn viên trồng nhiều cây xanh

Khung cảnh hài hòa với thiên nhiên

Ngoài đền thờ còn có phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô Ba.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định huyền thoại

Phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô Ba.

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những công trình đầy tự hào của người dân Bến Tre để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh nhà, trở thành một điểm về nguồn không thể thiếu của khách gần xa mỗi khi du lịch Bến Tre.

Hàng năm, vào ngày 28/7 âm lịch là ngày giỗ của Cô Ba, ngoài sự có mặt của gia đình, người thân, bè bạn,… còn có cả du khách trong, ngoài tỉnh đến đây viếng đền Cô Ba rất đông và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt giao lưu, nghe kể chuyện xưa bên các hiện vật cụ thể tại phòng trưng bày của Cô Ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét