28 thg 7, 2020

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Vườn nhãn Bạc Liêu từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng, không chỉ vì hương vị ngọt thanh tao và hương thơm quyến rũ mà còn nổi tiếng về tuổi thọ. Những cây nhãn ở đây đều trên trăm năm tuổi nên người dân bản địa thường gọi là nhãn cổ với dáng vẻ gân guốc, uốn lượn tựa như những tác phẩm nghệ thuật mà tạo hóa đã khắc nên. 

Những cây nhãn ở đây đều trên trăm năm tuổi 

Nhãn Bạc Liêu đã đi vào nhiều trang thơ, bài hát và đã ở lại với đời sống của người dân Bạc Liêu hàng trăm năm nay. Đối với khách phương xa, có dịp du lịch Bạc Liêu, ai cũng một lần muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những thân nhãn cổ hơn trăm tuổi và nếm vị ngọt ngon của nhãn cổ một thời trứ danh. 

Cây nhãn rợp bóng xanh mát 

Đi theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu khoảng 6km về hướng biển, bạn sẽ thấy thấp thoáng vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng hơn 230ha, trải dài hơn 11km từ Hiệp Thành qua đến Vĩnh Trạch Đông.

Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng cách đây trên trăm năm. Ngày trước, vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Khi người Hoa di cư đến đây sinh sống vào đầu thế kỷ 19, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. 

Du khách thích thú khi được hái nhãn trong vườn 

Từng gốc nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa mà không nơi nào có được. Nó minh chứng cho lịch sử hình thành của đất giồng Bạc Liêu, sự gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình phát triển. Sự liên kết bền lâu đó đã tạo nên bề dày văn hóa đất giồng. Bởi vậy, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu không chỉ đơn thuần là hái trái mang ra chợ bán, mà là ẩn chứa giá trị lịch sử.

Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (cháu đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng 3ha, lớn nhất xã. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ trên 100 năm. Tại đây có một cây nhãn do ông Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to hai người ôm không xuể. Những cây nhãn cổ này đến mùa vẫn còn ra hoa kết trái, dù hơi ít. Thời điểm du lịch Bạc Liêu lý tưởng để tham quan vườn nhãn cổ Bạc Liêu là vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 9. Tháng 5 là lúc vườn nhãn đang trổ hoa, cả vườn nhãn ngập màu hoa trắng tuyệt đẹp, thu hút bướm ong, còn tháng 9 là lúc thu hoạch nhãn nên khách tha hồ thưởng thức vị thơm ngon của nhãn Bạc Liêu. 

Hoa nhãn 

Đến vườn nhãn, du khách có thể nghỉ ngơi dưới những tán cây rợp bóng, hít thở bầu không khí trong lành của một vùng quê yên tĩnh với những tiếng ca, câu hò đờn ca tài tử. Đến đây vào mùa nhãn chín, khách tham quan còn có thể thưởng thức những trái nhãn thơm ngon, đậm chất miệt vườn, cùng người dân tham gia thu hoạch nhãn chín. Hương vị thơm ngon của từng trái nhãn khiến cho người ăn không thể nào quên. 

Nhãn Bạc Liêu hương vị ngọt thanh tao và hương thơm quyến rũ 

Ngoài thưởng thức và mua những chùm nhãn thơm ngọt về làm quà ra, trên quãng đường di chuyển tới vườn nhãn cổ có nhiều quán bán bánh xèo thơm ngon nổi tiếng bạn nhớ thưởng thức nhé. 


Trên giồng nhãn Bạc Liêu hôm nay, những cây nhãn cổ trăm năm tuổi vẫn đang được nuôi dưỡng và gìn giữ như một nét văn hóa của một thời khai hoang mở đất. Bên cạnh đó tỉnh Bạc Liêu không ngừng nghiên cứu, lai tạo những giống nhãn mới kế thừa được hương thơm, vị ngọt của nhãn cổ một thời trứ danh. Đến nay, thành công nhất trong việc tạo nên hương sắc mới, giá trị kinh tế mới cho giồng nhãn cổ chính là giống Thanh nhãn Bạc Liêu. Thanh nhãn là một cá thể đột biến trong quần thể nhãn Bạc Liêu do một chủ vườn ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu tình cờ phát hiện và đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Ngoài ưu điểm trái to, hương thơm, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước… một đặc tính nổi trội khác của Thanh nhãn Bạc Liêu là không bị bệnh chổi rồng. Cùng với nhãn cổ, Thanh nhãn Bạc Liêu đã trở thành một hương sắc mới, một trong những đặc sản tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Mekong Delta Explorer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét