3 thg 7, 2020

Làng nghề đúc đồng Tống Xá

Làng Tống Xá (xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) từ xưa đã được nhiều người biết đến là nơi khởi nguồn của nghề đúc đồng nổi tiếng thành Nam. Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề đúc đồng vẫn phát triển, ngày càng khẳng định tên tuổi của sản phẩm đồng Tống Xá đồng thời đem đến cuộc sống no đủ cho người dân trong vùng.

Cách đây 900 năm, cụ tổ Nguyễn Minh Không đã về đây lập ấp, mở mang nghề đúc. Từ những kinh nghiệm của cha ông để lại và sự khéo léo của đôi bàn tay, người dân đã đúc được những sản phẩm tinh xảo hơn (lư đồng, đỉnh đồng, bát bửu, chân nến, tranh đồng, khắc chữ, ngũ sự, tượng chân dung hoặc bán thân, tượng linh vật, mặt trống đồng...) Dọc theo phố chính khá khang trang của thị trấn Lâm (xã Yên Xá, huyện Ý Yên), những cửa hàng, gian hàng trưng bày sản phẩm của các hộ gia đình mọc lên san sát. Không khí mua bán nhộn nhịp làm con phố thêm sầm uất. Sản phẩm đồng của làng Tống Xá không chỉ được bán lẻ mà còn được bán với số lượng lớn, theo các chuyến xe liên tục đưa tới các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Rót đồng nung chảy vào khuôn đúc trong một cơ sở đúc đồng ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. 


Sản phẩm tượng chân dung, tượng Phật, Thánh với đường nét chân thực, tinh xảo. 

Hiện nay, làng nghề có hơn 150 cơ sở sản xuất, thu hút hơn 1.500 công nhân địa phương và các vùng lân cận duy trì nghề đúc các sản phẩm đồng, với thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, doanh thu từ làng nghề đạt hơn 600 tỷ đồng. Đặc biệt, từ những cơ sở sản xuất nhỏ, người làng Tống Xá đã phát triển thành doanh nghiệp lớn như: Doanh nghiệp cơ khí đúc Tân Tiến, Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Quang Hà, Doanh nghiệp đúc tư nhân Dương Bá Phong, Dương Bá Tân... góp phần quảng bá sản phẩm của quê hương tới khách hàng khắp mọi miền trên cả nước. Đó là minh chứng cho thương hiệu của sản phẩm đồng Tống Xá, sự hưng thịnh của nghề đúc đồng, cũng như uy tín và tay nghề của những người thợ ở đây.

Đồng và các kim loại được đưa vào nung chảy đòi hỏi kinh nghiệm của người thợ có thâm niên . 

Người thợ tiếp tục đắp đất vào khuôn để nướng khuôn lần thứ 2. 

Để tạo ra những sản phẩm đồng đúc có chất lượng và vẻ đẹp riêng có, nức tiếng khắp nơi cũng như từng bước tạo dựng thương thiệu đồng Tống Xá là nhờ sự cố gắng gìn giữ nghề cổ, cái tâm trong nghề của những người dân nơi đây. Để làm ra một sản phẩm đồng cũng phải trải qua nhiều công đoạn và rất tỉ mỉ như sau: trộn đất làm khuôn, nướng khuôn, dỡ khuôn, nấu đồng, rót đồng, làm nguội, chạm bạc hoặc khảm tam khí, đánh bóng, làm màu, phun dầu bóng. Trong đó, có lẽ vất vả nhất là khâu làm khuôn đúc và rót đồng.

Một cửa hàng bày bán sản phẩm đồng tại thị trấn Lâm. 

Khi làm khuôn đòi hỏi người thợ phải thận trọng để khuôn có đủ độ cứng, độ kết dính và độ chín, thường do những người thợ có thâm niên đảm nhận. Khâu nấu đồng và rót đồng lại đòi hỏi người thợ phải tính toán sao cho lượng đồng nấu chảy đủ lượng, đúng tỷ lệ thành phần kim loại (đồng, thiếc, chì) để sản phẩm bền vững với nắng gió của thời gian. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước, tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên đã hình thành khu công nghiệp cơ khí đúc Ý Yên thu hút nhiều hộ gia đình làm nghề đúc đồng hoạt động, người dân làng nghề đã đầu tư máy móc gia công, đặc biệt nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng để giới thiệu sản phẩm quê hương, giữ vững nghề của ông cha. Đó là hướng đi mới và cũng là tín hiệu đáng mừng của nghề đúc đồng Tống Xá, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét