19 thg 8, 2019

Giải mã ché thiêng của người Ê Đê

Người Ê Đê có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc, trong đó, ché không chỉ là vật dụng để ủ rượu cần mà còn là báu vật thiêng - hội tụ các giá trị văn hóa, lịch sử của người Ê Đê. Tìm hiểu về ché để giải mã những bí ẩn và thông điệp của người xưa gửi gắm.

Sự sáng tạo đặc biệt


Trong văn hóa truyền thống, dân gian của người Ê Đê, những biểu tượng văn hóa của đồng bào thường là những vật có kích thước khá to lớn, được coi như là báu vật, thể hiện thế lực và sự giàu có cũng như sự linh thiêng: Nhà dài, dàn chiêng đồng, trống h’gơr, ghế k’pan và ché rượu cần. 

Ché không chỉ để chứa rượu cần mà còn là vật thiêng trú ngụ của các vị thần, luôn có mặt trong các nghi thức tín ngưỡng của người Ê Đê. 


Bà Hoàng Thị Nhật, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Là một trong ba dân tộc bản địa ở Đắk Lắk, người Ê Đê có vốn văn hóa truyền thống xuất phát từ lịch sử phát triển của nền văn minh nương rẫy, gắn với các lễ nghi, lễ hội theo nông lịch, theo vòng đời hoặc theo các mối quan hệ xã hội. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu của người Ê Đê đó là những chiếc vò được làm bằng các loại gốm, gọi là ché. Ché dùng để ủ rượu từ men lá, củ, quả của rừng, uống bằng cần, nói cách khác, ché dùng để đựng rượu cần.

Cũng như các cộng đồng bản địa Tây Nguyên khác, dù không làm ra ché hay (chóe) nhưng nó lại có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Ê Đê. Mỗi cộng đồng dân tộc có cách gọi tên khác nhau, người Ê Đê gọi ché là Cheh. Ché có tai hình rùa được người Ê Đê gọi là Tang krua (krua tiếng Ê Đê là rùa) và có tai hình đầu khỉ gọi là Ako kra (kra tiếng Ê Đê nghĩa là khỉ), ché “mẹ bồng con” người Ê Đê gọi là “yăng mă con”.

Tuy nhiên, những chiếc ché được người Ê Đê hay của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên sở hữu lại là sản phẩm được trao đổi, mua bán qua quá trình giao thương với các cộng đồng cư dân khu vực khác … Điều đặc biệt chính là sự sáng tạo của người Ê Đê trong tính năng sử dụng và ý nghĩa tâm linh dành cho ché, tạo nên những lớp giá trị văn hóa mới, vô cùng đặc sắc.

Giá trị của ché không chỉ được mặc định chỉ bởi mức quy đổi bằng vật ngang giá cao – tính bằng nhiều trâu hay voi hoặc các sản vật quý khác mà chính là tính thiêng của nó. Người Ê Đê vừa coi ché như một thành viên trong gia đình, được chia sẻ mọi buồn vui, chứng dám những sự việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi cá nhân hay gia đình hoặc cả cộng đồng. Hơn thế nữa, nó được coi là nơi trú ngụ của thần linh, là vật linh thiêng, là lễ vật cúng thần linh.

Ché thiêng của người Ê Đê luôn đặt ở vị trí trung tâm của nhà dài – phía gian khách. 

Mặt khác, giá trị của ché còn phụ thuộc nhiều vào chủ sở hữu, thông qua giấc mơ được thần linh ứng báo. Bằng cách thiêng hóa một vật dụng được làm nên từ vật liệu khác biệt, qua quy trình sản xuất khác biệt, người Ê Đê từ xa xưa đã bản địa hóa ché để nó có một đời sống mới – một đời sống văn hóa rất sinh động cho ché – ché thiêng.

Ché và những khát vọng thuần hậu

Ché trong đời sống văn hóa của người Ê Đê từ xa xưa, có lẽ gắn với sự ra đời của rượu cần - đồ uống phổ biến và là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào. Đây là loại đồ uống quý, được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những lễ hội quan trọng và dành đãi khách. Rượu ngon và quý, phải được ủ trong ché quý.

Trong tín ngưỡng đa thần của đồng bào, các vị yang (các vị thần) trú ngụ khắp mọi nơi, cùng với rượu cần và cây nêu, cồng chiêng, ché là vật trung gian giao tiếp giữa con người với thần linh. Vì vậy, ché gắn bó chặt chẽ với đời sống, tín ngưỡng, tâm linh của người Ê Đê, từ các lễ nghi vòng đời (lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe, đám cưới, bỏ mả...) đến lễ nghi nông nghiệp (lễ cúng giống lúa, lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) hay các mối quan hệ xã hội không thể thiếu ché (lễ kết nghĩa anh em).


Ngay khi có được ché mang về nhà, đồng bào còn có một nghi lễ hết sức thiêng liêng để chào đón một thành viên mới trong gia đình. Khi bán hay cho ché đi, người Ê Đê làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt. Nếu làm vỡ ché, phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché. Ché càng thiêng khi càng được cùng các gia đình, cộng đồng thực hành nhiều nghi lễ.

Thông qua các lễ nghi, với sự hiện diện của ché, đồng bào gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các yang che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, bắp, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, ché mang những gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật.

Thuở xa xưa, khi khả năng chế ngự thiên tai, trình độ khoa học kỹ thuật của con người còn thấp, giao thông khó khăn, phương tiện sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu, đây chính là cội nguồn sức mạnh để người Ê Đê lạc quan, tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào tương lai.

Những ước mong thuần hậu của chủ thể văn hóa, cư dân nông nghiệp nương rẫy vùng rừng núi Tây Nguyên xa xưa được gửi gắm vào những chiếc ché để kết nối cộng đồng, cùng nhau chăm lo sản xuất, cùng nhau giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất đai...

Nguyễn Phú Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét