15 thg 8, 2019

Bên dòng Long Xuyên

“Long Xuyên nước ngọt gió hiền/ Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang/ Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang/ Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua…”. Nằm bên bờ sông Hậu, TP. Long Xuyên ôm thêm con sông Long Xuyên trong lòng. Con sông trở mình chia thành nhiều nhánh, nhiều dòng chảy, làm mềm mại nỗi niềm nhớ quê của người xa xứ. Trở lại nguồn gốc xa xưa, nó chính là kênh Thoại Hà, con kênh đào sớm nhất ở Nam Bộ.

Những khúc sông Long Xuyên quanh thành phố 

Hơn 200 năm trước, Nguyễn Ánh cho dựng một đồn thủ nhỏ bên bờ vàm Tam Khê, gọi là thủ Đông Xuyên. Rạch Tam Khê được gọi là rạch Đông Xuyên, sau này được gọi là rạch Long Xuyên, hay sông Long Xuyên. PGS.TS Trần Thị Mai (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Đầu thế kỷ XIX, con sông Đông Xuyên chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi hoạt động giao thông của tàu thuyền từ Long Xuyên muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau. Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi đi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng Tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần. Khi vua Gia Long chấp thuận, vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Nguyễn Văn Thoại điều động khoảng 1.500 người chặt cây cối, đào vét bùn lầy. Kênh đào theo lạch nước cũ, nên thuận lợi dễ dàng, chỉ hơn 1 tháng là xong. Kênh có chiều dài khoảng 30km, được xem là con kênh đào sớm nhất ở Nam Bộ, có vị trí rất quan trọng trong giao thông vận tải đường sông, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân. Việc hoàn thành con kênh làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của thủ Đông Xuyên”. Sự thay đổi thể hiện ở chỗ, giao thông thủy được thông suốt, tàu thuyền đi lại dễ dàng, dân cư dần đông đúc; vừa giải quyết vấn đề phòng thủ, vừa tạo tiền đề phát triển kinh tế. Làng xóm được dựng lên, biến vùng đất hoang vu ngày nào thành đô thị sầm uất hôm nay.

Nhưng đô thị Long Xuyên vẫn giữ được nét bình yên vốn có thuở nào, vẫn tạo ấn tượng man mác về một xứ sở hiền hòa, dịu dàng. “Cuối thập niên 1960, tôi đến Long Xuyên học đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ). Những dãy phố thấp dọc ngang mấy nẻo từ bờ sông Long Xuyên đến đường Tự Do (Nguyễn Trãi ngày nay) là hết, qua khỏi đèn 4 ngọn là ra ngoại ô, nhà cửa thưa dần… Một thời hoa niên thơ mộng tôi sống ở Long Xuyên với nhiều kỷ niệm. Đất này phù hợp với người thích sống an nhàn, hưởng thụ và với sự yên bình, không phồn hoa đô hội, là điều kiện rất tốt để học hành. Nhiều học sinh ở các vùng lân cận như: Châu Đốc, Chợ Mới, Rạch Giá, Thốt Nốt, Lấp Vò… về đây dùi mài đèn sách. Trường lớp và giáo viên cũng chất lượng, ít nơi nào sánh bằng” - nhà văn, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, một người con của đất An Giang hồi tưởng.

Ở một góc nhìn khác, trong bài nghiên cứu “Dấu ấn Đông Xuyên cảng đạo”, tác giả Vĩnh Thông bày tỏ: “Nét đẹp của dòng kênh lịch sử càng lãng mạn hơn khi có 2 chiếc cầu sóng đôi từ lâu đã trở thành niềm thương nỗi nhớ của người Long Xuyên: cầu Hoàng Diệu và cầu Duy Tân. Cầu Hoàng Diệu xưa là cầu gỗ, năm 1892 được thay thế bằng cầu sắt mang tên Henrie, năm 1938 được đúc bê-tông và đến năm 1950 đổi tên là cầu Hoàng Diệu. Cầu Duy Tân được xây dựng vào thập niên 60, được xem là cây cầu thơ mộng của thành phố. Chưa thấy ai bàn về việc đặt tên 2 chiếc cầu này, nhưng đối với chúng tôi, điều đó gợi nên nhiều suy gẫm. Có lẽ người đi trước đã thật tinh tế khi đặt tên 2 chiếc cầu sóng đôi đầy ý nghĩa này. Nếu nói theo kiểu Nho học, Duy Tân và Hoàng Diệu ở vị thế quân - thần, không thể đứng ngang hàng với nhau như thế được. Song, phải chăng người ta đã cố tình phá vỡ trật tự này để chuyển tải một thông điệp khác. Hoàng Diệu từng nam chinh bắc chiến và cuối cùng tuẫn tiết khi mất thành. Duy Tân có tư tưởng canh tân và chống Pháp nhưng việc bất thành, phải bị lưu đày. Dù vị thế khác nhau, thời đại khác nhau, công trạng khác nhau, nhưng cả 2 đều là tấm gương lớn về tinh thần yêu nước chống xâm lược, dẫu bằng những hình thức khác nhau”.

Trên dòng Long Xuyên, cuộc sống vẫn nhẹ trôi, không tàu ghe tấp nập, không ồn ã nhịp thở thương hồ như dòng sông Hậu. Con nước bình thản đi ngang qua phố thị, phập phồng lên xuống theo thủy triều, làm dịu mát những ngày hè oi ả. Từ bình minh đến ráng chiều, chúng khoác lên mình đủ màu sắc của trời mây, của đôi bờ phản chiếu, góp phần tạo thành cảnh đẹp của đất Long Xuyên. Xưa kia, Phạm Quỳnh đã từng miêu tả trong “Một tháng ở Nam Kỳ”: “...Là một cảnh rất êm đềm, tựa hồ như cảnh vật hết sức chiều đãi người ta cho được nhẹ nhàng sự sống và biết hưởng cái thú ở đời. Một cái cảnh như cảnh này không thể nào cho người ta đem lòng “yếm thế” được: tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột. Cảnh này là cái cảnh tối “lạc sinh” vậy”. Đến ngày nay và mai sau, có lẽ cảnh vẫn êm đềm như thế, miễn lòng người còn biết yêu quý quê hương.

Vào lúc 7 giờ ngày 17-8, trên đoạn sông Long Xuyên sẽ diễn ra Giải đua xuồng Báo An Giang lần I-2019, do Báo An Giang phối hợp UBND TP. Long Xuyên tổ chức. Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 230 năm thành lập Thủ Đông Xuyên, 20 năm thành lập TP. Long Xuyên, 10 năm TP. Long Xuyên lên đô thị loại II, 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2019), Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2019); 131 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2019); 44 năm ngày thành lập Báo An Giang (19-8-1975 – 19-8-2019). Hoạt động mới này kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn tham gia, tạo không khí sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn. 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét