6 thg 8, 2019

Người Lý Sơn trồng gì nhiều trước khi trồng tỏi?

Lý Sơn hiện được mệnh danh là "vương quốc tỏi". Tuy nhiên, để giải thích nghề trồng hành tỏi có từ bao giờ trên hòn đảo xinh đẹp này, thì hình như lại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn, vào thế kỷ XIX, người Lý Sơn chưa lấy cây tỏi, lẫn cây hành làm cây trồng truyền thống, mà là một loại cây trồng khác.

Từ một bản tấu trình 


Hiện nay, tại nhà thờ của các tộc họ trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ hàng vạn trang tài liệu Hán Nôm, mà trong số đó có những tài liệu Hán Nôm có niên đại rất sớm, từ thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601–1619), liên quan đến việc khai phá đất đảo Lý Sơn.

Trong đó có một bản tấu trình vào tháng 5, năm Minh Mạng thứ 6 (1825) của Cựu lĩnh suất (đội) Biệt nạp Cai hợp Thắng (Nguyễn Quang Thắng), Xã trưởng Trương Văn Liễu, Xã trưởng Nguyễn Văn Kháng, Cai đình Nguyễn Văn Sắt, Chấp sự Dương Văn Nhạc, Thủ bản Nguyễn Văn Chiến, cùng toàn phường phường An Hải - Lý Sơn, thuộc Nội phủ, huyện Bình Sơn. 

Lý Sơn được mệnh danh là "vương quốc tỏi", nhưng theo nhiều tài liệu Hán Nôm thì trước khi trồng tỏi, người dân Lý Sơn đã nổi tiếng với cây đậu phụng. ẢNH: PV 

Tờ tấu trình ghi rõ: Vào tháng 8 năm Tân Dậu (1801), phường An Hải có đơn xin gia nhập đội biệt nạp phụng du (dầu phụng) tại điện Tây kỳ. Vào năm Bính Dần (1806), nhờ được phê chuẩn, nên dân binh trong cùng sổ bạ vẫn được nộp thuế tại kinh. 

Đến năm Kỷ Tỵ (1809) cũng theo lệ như vậy, tất cả đều nộp về kinh kỳ. Nhưng đến tháng 9 năm Giáp Thân (1824), thì Bộ Hộ lại có công văn gửi về trấn yêu cầu phải nộp thuế tại bản trấn. Tự xét thấy, do điều kiện biển đảo cách trở, sóng gió thường xuyên, nên dân binh phường An Hải vào đất liền nộp thuế rất gian nan, vì vậy dân binh An Hải cúi xin đường quan bản trấn xét thương cho, cho dân bản trấn được tiếp tục nộp theo như lệ cũ (tức tại kinh kỳ).

Thấy gì qua bản tấu trình này?

Bản tấu trình này chỉ có hai trang, nhưng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, hành chính, địa danh, thuế khóa, sản vật địa phương... Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vài vấn đề. Thứ nhất, là về loại thuế, thì đây là loại thuế biệt nạp, là loại thuế mà các hạng người phải đóng bằng sản vật (phân biệt với thực nạp là hạng phải đóng thuế bằng tiền và lúa, tức thuế đinh và thuế điền).
Quy định nộp thuế như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện thời, bắt đầu từ năm 1801, khi Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân. Bởi theo một số tài liệu lịch sử, vào tháng 5, năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân và bắt đầu tổ chức bổ nhiệm các quan chức tại địa phương sau khi chiếm lại được từ tay nhà Tây Sơn; ban thưởng cho những người có công; đồng thời cũng ra chỉ dụ về việc thu thuế, với lý do mà theo Nguyễn Ánh là "việc bất đắc dĩ" phải tạm thu thuế theo ngạch cũ để dùng vào việc binh.

Trong sách Đại Nam thực lục (chính biên), đệ nhất kỷ, có ghi chép: Vào tháng 6 năm Tân Dậu, cho "thu các thuế điền tô, sai dư và biệt nạp ở các phủ huyện Thuận Hóa" và còn ghi thêm rằng: Cho "thu thuế điền và thuế biệt nạp ở Quảng Ngãi, thuế biệt nạp ở Quảng Nam, đều y theo lệ Thuận Hóa mà làm" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (chính biên), bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 1, tr. 450 và tr 455).

Thứ hai, người chuyên lo thu thuế biệt nạp là Cai hợp đội Biệt nạp Nguyễn Quang Thắng, làm Cai hợp trong Tam ty từ thời các chúa Nguyễn (sau này, theo quan chế thời Gia Long -1804, Cai hợp là chức hàm quan văn, trật tòng lục phẩm, làm việc tại các Ty Lệnh sử thuộc lục bộ). Thứ ba, nơi nộp: Nộp trực tiếp cho kinh thành Phú Xuân (chứ không phải nộp vào tỉnh thành Quảng Ngãi). Thứ tư, loại thuế phải nộp, tài liệu này nêu rõ: đó là phụng du, tức dầu phụng.

Suy đoán và gợi mở thêm
Từ việc quy định phải nộp thuế biệt nạp, tức phải nộp bằng chính sản vật đặc trưng của địa phương, thì thứ mà người An Hải, Lý Sơn phải nộp thời bấy giờ, đó chính là phụng du, tức dầu phụng. Qua việc phải nộp thuế bằng dầu phụng, có thể suy đoán rằng: lúc đó ở phường An Hải (tức là xã An Hải bây giờ) nói riêng và có thể cả Lý Sơn nói chung, có trồng nhiều cây đậu phụng, là thứ cây trồng đặc trưng ở đây (tức cây lạc, chứ không phải là hành tỏi như hiện nay).

Nhưng mỗi người đến tuổi chịu thuế phải nộp bao nhiêu dầu phụng? Trong một bản tấu trình khác, cũng của gia tộc họ Nguyễn Quang làng An Hải, được viết vào ngày 12, tháng 11, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), do Lý trưởng Nguyễn Văn Huân, chức dịch Lê Văn Xúc cùng các Hương mục thuộc 7 họ bản phường phường An Hải, Lý Sơn, có cho biết rõ thêm: Vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), triều đình lại quy định: Hằng năm, mỗi người phải chịu nạp thuế biệt nạp là 50 cân dầu phụng và còn nộp thêm hương du (dầu thơm) vốn được trồng ở khu vực xứ Con Bò, cùng cá khô, cá trích... 

TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét