6 thg 8, 2019

Xuôi về ngã tư Ba La

Từ xa xưa, ngã tư Ba La (nay là ngã năm), nơi phân rẽ hai tuyến đường quan trọng nối trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi xuống Phú Thọ, cửa Đại Cổ Lũy chếch đông bắc còn thẳng đông là vạn phố Thu Xà cùng với những đổi thay lưu dấu trang sử địa phương, nên được nhiều người, nhiều nơi biết và nhắc đến!

Thời kỳ sơ khai của làng Ba La (nay thuộc xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi) có thể kể từ thế kỷ thứ XVII, cuộc sống và tổ chức làng xã phát triển dần ở các thế kỷ thứ XVIII, XIX. Lúc đó cư dân đông đúc dọc bờ nam sông Trà Khúc trải dài từ bến đò Tuyển đến giáp xóm Vạn Chài làng Vạn Tượng, bởi vùng đất này phù sa màu mỡ và giao thông đường sông phát triển. Thế rồi, sự biến động của sông, sông Trà chuyển dòng xói lở bờ nam, mỗi năm sông xâm thực vào đất liền cả chục mét.

Ngã tư Ba La. 

Cũng giai đoạn ấy, đồng đất phía nam làng Ba La chuyển từ một vụ ăn nước trời sang hai vụ nhờ người làng Ba La phối hợp với làng Điện An khai thác nguồn nước sông Văn (Nghĩa Hành) về và đắp đập Ba Điện, khai mương dẫn thủy phục vụ canh tác. Cư dân làng Ba La cũng chuyển dần từ ven sông vào khu vực giữa và nam làng. Và rồi cuộc sống đổi thay, sự thuận lợi của giao thông đường bộ dần chiếm phần quan trọng.

Tuyến đường từ tỉnh thành Quảng Ngãi đi Thu Xà, Phú Thọ được chính quyền đương thời khai mở phục vụ cho việc quản lý địa hạt và tạo mối giao thông từ cửa Đại Cổ Lũy, Phú Thọ, cửa Lở, vạn phố Thu Xà lên các vùng miền trung tâm tỉnh.

Ngã tư Ba La ở đầu làng, nằm trên trục lộ Quảng Ngãi- Thu Xà, một phân nhánh lộ rẽ bắc về Phú Thọ qua các làng Vạn Tượng, Thanh Khiết, Hổ Tiếu, một phân nhánh đối diện rẽ nam ra đồng Đá Dựng, lên Thiên Bút. Ngã tư Ba La từ đó người ở cũng dần đông lên, văn hóa tâm linh làng xã được xác lập. Tại đây cư dân lập một nghĩa từ và phía tây không xa có miếu Nghĩa Lũng đều thờ thần và các vong linh không nơi thờ phụng.

Khoảng đầu thế kỷ trước khi chưa có ô tô, xe máy lưu thông, chỉ thỉnh thoảng có xe kéo, mỗi buổi sáng giữa ngã tư Ba La dân địa phương nhóm chợ. Đây là chợ nhỏ nông thôn, hàng hóa gồm nông sản rau quả, tôm cá sông, cá biển từ vùng biển mang đến và một số nhu yếu phẩm đơn sơ. Người mua bán là dân trong vùng và các làng lân cận, không sầm uất, nhưng cũng đông vui kẻ bán người mua tạo nét mới trong sinh hoạt thuần nông thời ấy.

Cứ thế khu vực ngã tư Ba La thu hút dần phần tấp nập của khu bến đò Tuyển bờ nam sông Trà (một bến đò ghe thuyền lên nguồn xuống biển hay sang làng An Phú bên kia sông). Dần dà khu vực ngã tư có thêm quán bán rượu, nước chè xanh, hớt tóc, về sau có thêm quán bún...

Khi phương tiện giao thông phát triển lên, người và xe cộ đi lại nhiều, chợ nhóm giữa ngã tư không tồn tại nữa mà chuyển dời thêm vài vị trí khác. Đến sau 1945, thời kháng chiến chống Pháp, chợ nhóm vào chiều tối dưới hai hàng mù u cổ trước cổng đình Ba La để tránh máy bay Pháp. Tên chợ Mù U có từ thời đó!

Ngã tư Ba La là nơi lưu dấu những bước đổi thay của làng xã, là đầu mối giao thương nhỏ của khu vực, cũng là nơi lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử cách mạng. Rạng sáng ngày 31.1.1931 đoàn người biểu tình phản đối thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng, đòi giảm sưu thuế, đòi Việt Nam hoàn toàn độc lập... từ các làng bên sông của huyện Sơn Tịnh và phía đông Tư Nghĩa kéo lên tỉnh thành Quảng Ngãi, đến đây thì bị thực dân Pháp ngăn chặn, xả súng bắn làm bảy người chết và nhiều người bị thương.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngã tư Ba La tuy có phát triển, nhưng chưa trở thành thị tứ. Đến sau năm 1990, chợ Nghĩa Dõng được xây dựng tương đối quy mô trên khu gò Nghĩa Lũng. Ban đầu chợ thưa thớt, nay đông đúc người mua bán, hàng hóa phong phú, nhóm họp chủ yếu vào buổi sáng đến trưa. Buổi chiều chợ cổ Mù U vẫn hoạt động kiểu tự phát, nhưng đông vui, thuận tiện cho mua bán nhỏ, bởi vị trí giữa làng.

Ngã tư Ba La giờ đây được quy hoạch thành ngã năm, giao nhau của các tuyến đường Bích Khê lên trung tâm thành phố, đường Hồ Quý Ly thẳng xuống ngã tư Quán Láng, đường Trần Anh Tông về xã Nghĩa Dũng hướng Phú Thọ, đường Trần Khánh Dư lên Thiên Bút và tuyến mới là đường Lê Thánh Tôn nối dài. Trong kiến trúc đô thị tương lai, thì giữa ngã tư giờ là ngã năm sẽ có bùng binh. Xung quanh điểm giao nhau này nét đổi thay thấy rõ, trên bốn tuyến đường cũ bán kính non cây số cư dân đông đúc. Các hộ dân sống trong vùng chuyển hầu hết từ nông nghiệp sang thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ...

Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét