6 thg 8, 2019

Miếu đôi, hóa giải mâu thuẫn chốn non cao

Mâu thuẫn nảy sinh khi cư dân hai làng tranh giành quyền được xây ngôi miếu thờ. Và cũng chính việc xây miếu đã hóa giải mâu thuẫn dân cư vùng giáp ranh Quảng Ngãi- Bình Định. Đấy là chuyện hơn 300 năm trước ở vùng non cao nằm cạnh biển Sa Huỳnh (Đức Phổ).

Hoang tàn cổ miếu 


Anh Lê Thanh Phong - Trưởng thôn Đồng Vân, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) điều khiển xe máy chở tôi men theo con đường mòn uốn lượn ven xóm nhà lưng chừng núi, rồi dừng lại trước miếu cổ ven đường bị hư hại theo thời gian. Miếu nằm cạnh nhau dưới tán rừng với những thân cây cao lớn, khu vực núi Đôi - gò Vung, địa giới phân chia hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuở trước (giờ ranh giới lùi về phía Bình Định 2km).

Anh Lê Thanh Phong thắp hương trước ngôi miếu cổ. 


Hai ngôi miếu hướng về phía biển Sa Huỳnh, bốn mùa lộng gió và ầm ào sóng vỗ. Mỗi ngôi miếu chiều cao hơn 4m, rộng hơn 2m, được xây dựng bằng gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có ban thờ, vách vẽ hình rồng lướt trên mây ở miếu phía bắc và phượng tung cánh bay ở miếu phía nam.

Nét vẽ còn khá rõ nét và tinh xảo, thể hiện kỹ thuật pha chế sơn đạt trình độ cao và sự tài hoa của người họa sĩ thuở xưa. Trước mỗi ngôi miếu có ban thờ xây bằng gạch nung, là nơi dâng hương lễ bái trước khi vào bên trong. Bao quanh miếu cổ là bức tường bằng đá cao hơn 50cm, bên trên có lợp ngói âm dương. Miếu thêm vẻ thâm nghiêm với hai trụ cổng cao lớn cùng bình phong đắp nổi hình rồng tràn đầy uy vũ chắn phía trước.

Trải qua hàng trăm năm mưa nắng, miếu cổ bị hư hại, nằm ẩn mình dưới tán rừng thâm u. Nhiều dây leo bằng bắp tay người lớn phủ quanh khiến cho khung cảnh thêm u tịch. Anh Phong lách người bước đến ban thờ trước mỗi ngôi miếu, rồi đặt bánh ngọt lên đĩa, thắp hương lầm rầm khấn nguyện.

“Hai ngôi miếu kích thước bằng nhau, nên người dân nơi đây gọi là miếu đôi. Nhiều người đi rừng thường vào đây thắp hương cầu mong gặp điều may mắn. Bằng chứng là có người vừa mang chiếc đĩa sứ đến đây để cúng hoa quả, bánh trái trước khi chúng ta đến”, anh Phong cho hay.

Mâu thuẫn và hòa giải
Sau nhiều năm tìm hiểu, anh Nguyễn Ly - Công chức văn hóa - xã hội xã Phổ Thạnh cho biết: Hai ngôi miếu được những bậc tiền nhân xây dựng thờ thổ địa, vị thần cai quản vùng đất họ đang cư trú và cấy cày. Còn cụ Nguyễn Hữu Hạnh - nguyên Bí thư chi bộ thôn Đồng Vân (Phổ Thạnh) vẫn nhớ lời kể của cha về hai ngôi miếu cổ. Hơn 300 năm trước, dân làng Đồng Vân (giờ thuộc xã Phổ Thạnh) sống cạnh khu làng của người dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thuở ấy, nghe tin dân làng Đồng Vân chuẩn bị xây dựng miếu thờ thì một số người dân Hoài Nhơn kéo đến ngăn cản, tranh chấp vị trí xây miếu. Hai bên không chịu nhường nhau, nên mâu thuẫn ngày càng gay gắt và cùng trình đơn khiếu kiện lên quan trên. Ngày nọ, vị quan cưỡi ngựa về làng với binh lính hộ vệ hai bên.

Sau khi gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của dân chúng, ông liền phán: Dân mỗi làng được quyền xây dựng một ngôi miếu tại địa giới phân định từ trước đó. Hai ngôi miếu kích thước phải bằng nhau và chung tường rào bao quanh. Dân hai làng tuân lời quan trên, vui vẻ góp tiền của và công sức xây miếu thờ theo nguyện ước bấy lâu.

Hằng năm, người dân hai làng đóng góp kinh phí sửa soạn mâm cỗ mang đến ngôi miếu cúng tế cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau đó, họ dọn mâm cỗ ra bãi đất cạnh ngôi miếu cùng chung ăn uống khá vui vẻ. Tình nghĩa hai làng thêm gắn bó, giúp đỡ nhau vượt qua cuộc sống khó khăn nơi núi rừng.

Chiến tranh loạn lạc, cư dân hai làng phiêu dạt khắp nơi, không thể duy trì lệ cúng miếu thuở trước. Đất nước yên bình, người dân tìm về gắng sức cấy cày trên mảnh đất cha ông nhọc công khai khẩn. Dẫu cuộc sống còn bao khó nhọc, nhưng cư dân hai làng vẫn gắn bó, chia sẻ những buồn vui như thuở trước. “Dân trong thôn chúng tôi và thôn Phú Nông (xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn duy trì tinh thần đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi khi gặp nhau, mọi người chuyện trò rất vui vẻ”, anh Phong cho biết.

Buổi trưa ở Đồng Vân, ngôi làng ẩn hiện dưới tán rừng xanh mướt, chợt nghe sóng biển Sa Huỳnh ầm ào vỗ vào bờ. Gió từ khơi xa thổi vào bờ, ngược chốn non cao, nơi có ngôi cổ miếu hóa giải mâu thuẫn giữa cư dân hai làng vùng giáp ranh Quảng Ngãi - Bình Định.

Bài, ảnh: TRANG THY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét