1 thg 6, 2017

Độc đáo rượu men lá của người Thái

Rượu của đồng bào Thái ở Con Cuông đến nay vẫn giữ được hương vị riêng, bởi men rượu được làm từ lá cây rừng.

Rượu men lá có từ lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái Con Cuông. Để có một nồi rượu ngon, trước tiên đồng bào phải vào rừng tìm các loại cây như: sa nhân, cao khỉ, mẫu thán, trinh nữ... Theo đồng bào, mỗi nồi rượu phải có tới 20 vị kết hợp với nhau. Ảnh: Bá Hậu 


Theo bà Lang Thị Thân ở bản Phục, xã Đôn Phục, người có thâm niên trong nấu riệu men lá, mỗi loại lá rừng để làm men đều là những vị thuốc với các công dụng như: giải độc, giải nhiệt... Ảnh: Bá Hậu 

Các loại lá rừng sau khi lấy về sẽ được tách phần lá và phần thân cây riêng ra. Phần lá sẽ được phơi khô giã nhỏ trộn với bột nếp, vỏ trấu hông chín. Còn phần thân cây được chặt nhỏ, phơi khô rồi đem chưng cất, lấy nước trộn với hỗn hợp trên rồi vắt thành từng viên men. Ảnh: Bá Hậu 

Từng viên men sau đó được đem hong trên gác bếp cho khô để dùng dần. Ảnh: Bá Hậu 

Thường men được xếp đều trên nong, phía dưới được trải một lớp trấu, với tác dụng để hút ẩm... Ảnh: Bá Hậu 

Gạo nấu cơm rượu và ủ men được chọn nấu rượu là gạo nếp, vo sạch rồi cho vào hông, sau khi hông chín, để nguội, trộn với men, cho vào chum ủ từ 7-10 ngày. Sau đó cho vào hông rồi chưng cất thành rượu. Ảnh: Bá Hậu 

Theo kinh nghiệm của đồng bào, mỗi một nồi rượu 10kg gạo, thì chưng cất được khoảng 11 lít rượu. Ảnh: Bá Hậu 

Rượu sau khi được chưng cất không dùng ngay như cách thông thường mà được lọc bằng một tấm vải màn trước khi cho vào chum. Ảnh: Bá Hậu 

Rượu sau khi cho vào chum sành được bọc kín để tránh bay hơi. Ảnh: Bá Hậu 

Tiếp đó được hạ thổ trong thời gian 1 năm mới đem ra sử dụng. Ảnh: Bá Hậu 

Với quy trình công phu nên rượu men lá của đồng bào Thái ở Con Cuông khi uống có hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương lá rừng nên rất dịu, êm ái, không gây đau đầu sau khi uống. Hiện nay loại rượu này có giá bán từ 50- 60 nghìn/lít. Ảnh: Bá Hậu 

Bá Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét